Tờ Đông phương có quan điểm trung lập của Hong Kong nhận định “trường kỳ” đang được coi là sách lược và sự lựa chọn thông minh của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Mỹ hiện nay.
Theo báo trên, thời gian gần đây, mâu thuẫn Trung-Mỹ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi cách hành động tấn công Trung Quốc liên tiếp của Mỹ với xu hướng ngày càng quyết liệt hơn, khiến quan hệ Trung-Mỹ xấu đi nhanh chóng.
Dư luận trong và ngoài Trung Quốc đều kêu gọi Bắc Kinh không nên phán đoán sai tình hình, đưa ra phản ứng quá khích đối với Washington, đồng thời chủ trương Trung Quốc không cần thiết phải “ăn miếng trả miếng” trong sách lược đối phó với Mỹ.
Hiển nhiên, luồng dư luận này có ý tốt, lo ngại Trung Quốc có hành vi quá khích sẽ phải gánh chịu nhiều hơn các đợt tấn công của Mỹ, khiến Trung Quốc rơi vào thế bị động hơn.
[Trung Quốc nhấn mạnh nguyên tắc "không xung đột, không đối đầu" với Mỹ]
Thế nhưng, sai lầm căn bản của luồng dư luận này là luôn mặc định Mỹ lãnh đạo thế giới và thực tế này là không thể thay đổi, Trung Quốc cần kiên trì thực hiện và tồn tại trong trật tự thế giới này.
Chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ của Hong Kong, ông Trần Văn Hồng cho rằng dòng tư duy chính của luồng dư luận trên là Mỹ không có ý đồ tiêu diệt Trung Quốc, nhưng sẽ không bao giờ từ bỏ ý định kiềm chế Trung Quốc.
Như vậy, đây không phải là cuộc chiến sống còn mà chỉ là nhằm ngăn chặn Trung Quốc phục hưng. Trung Quốc chỉ cần giống Nhật Bản, phục tùng Mỹ thì sẽ bình an vô sự. Hơn thế, Trung Quốc cũng không cần thiết phải đối phó với Mỹ theo kiểu “lưới rách cá chết,” mọi thứ đều có thể đàm phán và thương lượng.
Trên thực tế, đây là chủ nghĩa thỏa hiệp điển hình, bản thân điều này có thể sẽ khiến Trung Quốc phán đoán sai ý đồ của Mỹ và càng rơi vào thế bị động hơn trong xử lý quan hệ Trung-Mỹ.
Theo chuyên gia Trần Văn Hồng, cái gọi là mối đe dọa của Trung Quốc đối với bá quyền của Mỹ luôn có hai mặt.
Một là giống như Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc đe dọa Mỹ trên phương diện kinh tế, tài chính và ngành chế tạo, tức giữa Trung Quốc và Mỹ tồn tại cạnh tranh ác tính.
Hai là tranh cãi về hình thái ý thức hệ, giống như Liên Xô (cũ) và Nam Tư (cũ), còn vai trò của Mỹ giống như đội quân Thập tự chinh nhằm vào các nước Hồi giáo từ cuối thế kỷ XI, mục đích là tiêu diệt các tôn giáo khác.
Chính do đồng thời tồn tại hai khía cạnh trong mâu thuẫn Trung-Mỹ, nên chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc cũng hình thành 2 mục tiêu rõ ràng.
Một là ngăn chặn Trung Quốc phục hưng và hai là tiêu diệt Trung Quốc, giống như Mỹ từng làm đối với Liên Xô trước đây, không ngừng tấn công cho đến khi đối thủ sụp đổ, sau đó thiết lập chế độ chính trị dân chủ kiểu Mỹ.
Sách lược “tác chiến trường kỳ” chính là được hình thành từ nhận thức Mỹ luôn muốn tiêu diệt Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ Mỹ sẽ không thể nhanh chóng tiêu diệt Trung Quốc như từng khiến Liên Xô (cũ) và Nam Tư (cũ) sụp đổ.
Hiện nay, cuộc đọ sức Trung-Mỹ có phần giống như nội chiến giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản ở Trung Quốc năm xưa, bên yếu thế chỉ còn cách dựa vào trường kỳ tác chiến và phát huy trí tuệ trong tác chiến để giành chiến thắng.
Nhưng so với Mỹ, hiện nay Trung Quốc không hoàn toàn là bên yếu thế giống như cuộc nội chiến năm xưa, trái lại Mỹ càng giống như Quốc Dân đảng, bên ngoài có vẻ mạnh, nhưng bên trong đang loạn.
Chuyên gia Trần Văn Hồng nhận định khi Trung Quốc áp dụng sách lược “trường kỳ tác chiến,” vấn đề nội tại của Mỹ sẽ bộc lộ nhiều hơn.
Hành động của Chính quyền Donald Trump sẽ tạo ra nhiều hơn chia rẽ và xung đột trong nội bộ nước Mỹ.
Có thể Tổng thống Trump sẽ sẵn sàng chơi canh bạc lớn, quyết chiến một trận với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không cần phải chạy theo ông Trump mà vẫn có thể đọ sức với Mỹ.
Chỉ cần Trung Quốc tìm mọi cách né tránh một cuộc xung đột quy mô lớn với Mỹ, theo đuổi “trường kỳ tác chiến,” các vấn đề nội bộ của Mỹ sẽ phát huy tác dụng, khi đó Trung Quốc có thể giành chiến thắng mà không cần thông qua chiến tranh.
Đây chính là lựa chọn lý tính và thông minh của Trung Quốc trong xử lý quan hệ Trung-Mỹ hiện nay./.