TSMC bắt đầu sản xuất hàng loạt chip tiên tiến nhất tại Đài Loan

Theo kế hoạch, đầu năm 2023, TSMC sẽ triển khai node N3 với công suất tiết kiệm, trước khi chuyển sang N3E sản xuất đầy đủ ổn định và hiệu quả hơn vào cuối năm 2023.
TSMC bắt đầu sản xuất hàng loạt chip tiên tiến nhất tại Đài Loan ảnh 1TSMC sản xuất hàng loạt chip 3 nanomet (nm). (Nguồn: techspot)

Ngày 29/12, Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) thông báo đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip tiên tiến nhất của mình ở miền nam hòn đảo. Việc sản xuất quy mô công nghiệp loại chip mới dựa trên công nghệ 3 nanomet đã được chờ đợi từ lâu.

Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh sự chú ý tăng lên liên quan tới các kế hoạch đầu tư của TSMC ở Đài Loan cũng như ở nước ngoài.  TSMC hiện là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về chip tiên tiến có hiệu năng cao, với sản phẩm được sử dụng trong nhiều công nghệ, từ điện thoại di động đến máy bay chiến đấu.

"TSMC đang duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ, trong khi vẫn đầu tư đáng kể vào Đài Loan. Công ty tiếp tục đầu tư và phát triển thịnh vượng với môi trường ở đây", Chủ tịch TSMC Mark Liu phát biểu tại buổi lễ diễn ra tại nhà máy của công ty nằm ở thành phố Đài Nam, phía nam hòn đảo.

[TSMC thành lập cơ sở nghiên cứu thiết bị bán dẫn thứ hai tại Nhật Bản]

Liu cho biết nhu cầu về chip 3 nanomet của công ty là "rất mạnh", được thúc đẩy bởi các công nghệ mới bao gồm 5G, và các sản phẩm điện toán hiệu năng cao.

Theo kế hoạch, đầu năm 2023, TSMC sẽ triển khai node N3 với công suất tiết kiệm, trước khi chuyển sang N3E sản xuất đầy đủ ổn định và hiệu quả hơn vào cuối năm 2023.

N3E là quy trình công nghệ sản xuất chip 3nm được nâng cấp của TSMC và chỉ mới bắt đầu được đưa vào dây chuyền trong năm nay.

TSMC cho biết quy trình N3E mới này có hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn so với phiên bản đầu tiên của công nghệ này, đặc biệt được thiết kế để giúp tiết kiệm chi phí hơn trước, từ đó giúp tối ưu hóa dây chuyền sản xuất chip 3nm của hãng.

Đầu tháng này, TSMC cho biết sẽ tăng gấp ba lần khoản đầu tư vào nhà máy mới ở tiểu bang Arizona của Mỹ, lên 40 tỷ USD. Đây cũng là một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Công ty Đài Loan cũng đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip khác ở Nhật Bản. Ngoài ra công ty còn đang nghiên cứu khả năng mở rộng sang Đức.

Đáp lại những lo ngại, cho rằng đầu tư nước ngoài của TSMC sẽ làm suy yếu vị trí quan trọng của Đài Loan trong lĩnh vực bán dẫn, Liu nói rằng công ty chỉ đang thực hiện "hành động cụ thể để phát triển công nghệ tiên tiến và mở rộng công suất ở Đài Loan."

Bản thân giới chức lãnh đạo hòn đảo Đài Loan cũng bác bỏ những lo ngại về xu hướng ngành công nghiệp chíp đang nói lời "tạm biệt Đài Loan", cho rằng vai trò nhà sản xuất chất bán dẫn và chip tiên tiến cho thế giới của hòn đảo vẫn đang rất vững vàng.

Theo ông Liu, TSMC đã thành công trong việc đưa dây chuyển sản xuất chip 3 nanomet vào hoạt động, với năng suất cao. Ông cho biết, công nghệ 3 nanomet mới sẽ tạo ra các sản phẩm cuối có giá trị thị trường khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

TSMC hiện chiếm gần 50% thị phần chip dưới 10 nanomet. Các khách hàng chính của TSMC là những công ty công nghệ lớn như Apple, Nvidia và Qualcomm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục