Lời dẫn:
Từ thời khắc thiêng liêng của ngày 15/9/1945, khi bản Tuyên ngôn Độc lập cùng danh sách Chính phủ Cách mạng lâm thời được Việt Nam Thông tấn xã phát ra thế giới bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp đến nay, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, đội ngũ người làm báo Việt Nam Thông tấn xã luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến, cùng sống, cùng chiến đấu với bộ đội và nhân dân. Trong những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, không một chiến trường, một hướng tiến quân, một địa bàn chiến đấu nào vắng bóng phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã.
Suốt cuộc trường chinh, Việt Nam Thông tấn xã luôn coi việc chi viện cho miền Nam, cho Thông tấn xã Giải phóng (cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) là nhiệm vụ thiêng liêng.
Thế hệ người làm báo của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng khi ấy không chỉ ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử mà còn trực tiếp tham gia và góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
Lớp lớp phóng viên, kỹ thuật viên của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã lên đường ra trận. Chỉ tính riêng trong kháng chiến chống Mỹ, hơn 240 người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Máu của các phóng viên, kỹ thuật viên thấm trong mỗi dòng tin, bài viết, bức ảnh, thước phim được gửi về từ chiến trường khốc liệt.
Ngày 12/5/1976, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng - hai người anh em ruột thịt, đã chính thức hợp nhất với tên gọi Thông tấn xã Việt Nam. Điều đó đã tạo nên sức mạnh để TTXVN hòa vào khí thế cách mạng chung của dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bài 1: GP10 - Từ lớp phóng viên đặc biệt đến chiến trường khốc liệt
Dù chiến tranh đã lùi xa hơn bốn thập kỷ nhưng ký ức về những tháng ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” hiến dâng tuổi thanh xuân cho những cuộc hành quân, băng mình trên các trận địa từ Bắc vào Nam, từ quê hương Việt Nam tới đất bạn Lào, Campuchia để rồi có mặt tại Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… trong những ngày tháng Tư (1975) lịch sử vẫn vẹn nguyên trong ký ức các phóng viên chiến trường GP10 của Thông tấn xã Việt Nam.
GP10 (Giải phóng-khóa 10) là một trong những lớp phóng viên đặc biệt nhất của Thông tấn xã Việt Nam - lớp phóng viên được đào tạo riêng cho chiến trường, cho “trận đánh cuối cùng” để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ thời điểm bước lên chuyến tàu rời miền Bắc, chi viện cho miền Nam ruột thịt (ngày 16/3/1973), với khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước, họ đã sống, chiến đấu như những người lính. Bằng cuốn sổ, cây bút và chiếc máy ảnh, họ đã viết tin, chụp hình phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân dân Việt Nam, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử khi giang sơn thu về một mối.
Bên cạnh đó, với trái tim nhân hậu, góc nhìn nhân văn, các phóng viên GP10 còn ghi lại những cuộc hội ngộ xúc động sau bao năm chia cắt, khổ đau, nụ cười rạng rỡ và giọt nước mắt nghẹn ngào của những con người từng ở hai đầu chiến tuyến.
Khát vọng tuổi đôi mươi
Đầu năm 1972, chiến sự leo thang. Hội nghị lần thứ 20 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III) đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân: “Với tinh thần kiên trì kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, phải động viên toàn lực, cố gắng vượt bậc, anh dũng tiến lên, đẩy mạnh kháng chiến.”
Trên tinh thần đó, Việt Nam Thông tấn xã tổ chức tuyển chọn, đào tạo lớp phóng viên đặc biệt (GP10) để chi viện cho chiến trường miền Nam nói chung và Thông tấn xã Giải phóng nói riêng, nhằm đảm bảo cho dòng tin không bị gián đoạn.
[Những “bông hoa thép” anh hùng kháng chiến chống Mỹ cứu nước]
Tháng 4/1972, gần 150 sinh viên ưu tú của các trường (Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Ngoại giao) được tuyển chọn về Việt Nam Thông tấn xã, tham gia khóa đào tạo phóng viên chiến trường. Các lớp học được tổ chức tại T6 - một trong những địa điểm sơ tán của Việt Nam Thông tấn xã trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại huyện Quốc Oai (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội).
“Khi đó, chúng tôi đều là những thanh niên ngoài đôi mươi, tràn đầy nhiệt huyết, hòa mình vào tinh thần, khí thế chung (xếp bút nghiên, ra trận, tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt) của thế hệ trẻ bấy giờ,” nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy, nguyên học viên GP10 nhớ lại.
Các học viên GP10 được các cây bút kỳ cựu, dày dặn kinh nghiệm của giới báo chí cách mạng khi đó (như ông Đống Ngạc-thư ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng, nhà báo Hoàng Tùng-Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã, nhà báo Trần Thanh Xuân-Phó Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã…) trực tiếp truyền dạy kiến thức, kỹ năng làm báo.
“Ban đầu, chúng tôi cảm thấy có phần gượng gạo bởi nhiều người trong số học viên GP10 năm ấy vốn là sinh viên các chuyên ngành gắn bó với những con số, công thức tính toán nhiều hơn các con chữ và chuyện viết lách (như hóa học, sinh học...). Tuy nhiên, cách truyền đạt dễ hiểu, hướng dẫn triển khai các thể loại tin, bài bằng chính kinh nghiệm thực tế của các giảng viên qua những trường hợp, ví dụ cụ thể đã giúp chúng tôi có hình dung rõ ràng hơn về công việc sắp tới, để nhập cuộc nhanh hơn khi vào chiến trường,” ông Sỹ Thủy kể.
Trong khoảng sáu tháng tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ phóng viên chiến trường của Việt Nam Thông tấn xã, sinh viên Sỹ Thủy năm ấy cùng nhiều người bạn vẫn hoàn thành luận văn tốt nghiệp đại học. Ông bảo: “Trước khi vào chiến trường, chúng tôi đều là những cử nhân. Thời điểm ấy, chúng tôi tự dặn lòng, cả dân tộc đang dồn lực cho cuộc kháng chiến, mỗi người đều nỗ lực gấp hai, ba lần, thậm chí nhiều hơn nữa. Vì thế, không có lý do gì để những thanh niên như chúng tôi đứng ngoài ‘guồng quay’ ấy.”
Từ suy nghĩ đó, ban ngày, các học viên GP10 tham gia lớp học nghiệp vụ báo chí. Vào buổi tối và những ngày nghỉ, họ lại trở về với giáo trình đại học, đến các cơ sở thực tế thu thập tư liệu, hoàn thành luận văn tốt nghiệp. “Khát vọng cống hiến, trở về xây dựng quê hương, được làm công việc đúng với chuyên ngành đào tạo sau khi đất nước yên tiếng súng là động lực để tôi vượt qua những mệt mỏi, thiếu thốn của giai đoạn ấy,” ông Thủy chia sẻ.
Ký ức ùa về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt người phóng viên chiến trường năm xưa khung cảnh Thủ đô những ngày “rực lửa.” Lặng đi chừng vài phút, ông bảo, giai đoạn cuối năm 1972, từ nơi sơ tán hướng về Hà Nội trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” với tiếng còi hú liên tục, cảnh pháo phòng không sáng rực trời, tiếng máy bay gầm rít, các học viên GP10 đều cảm thấy “lòng nóng như lửa đốt,” muốn khóa học kết thúc thật nhanh để lên đường ra trận, góp sức vào cuộc chiến chung.
Điểm tựa nơi hậu phương
Tết Nguyên đán Quý Sửu 1973, các học viên GP10 được trở về quê nhà đón năm mới cùng gia đình. Với họ, đó là cái Tết không thể quên.
Chính chàng sinh viên Nguyễn Sỹ Thủy năm ấy cũng không đoán định trước rằng đám cưới của mình lại diễn ra ngay trong Tết.“Gia đình hiểu rằng, sau lần hội ngộ này, chưa biết đến khi nào tôi mới lại trở về. Bởi vậy, cha mẹ động viên tôi tổ chức đám cưới luôn để tôi có thêm điểm tựa tinh thần nơi hậu phương, ông bà sớm có cháu bồng bế,” nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy nhớ lại.
Vậy là, một đám cưới giản dị nhưng ấm cúng diễn ra ngay trong ngày mùng Hai Tết Quý Sửu 1973 với trầu cau, hoa trái vườn nhà và chiếc phông đỏ dán hình đôi chim câu đấu mỏ vào nhau. Đám cưới giữa thời chiến, đại diện chính quyền xã đến chúc mừng và “quán triệt” tinh thần: “Vui duyên mới, không quên nhiệm vụ.”
Ba ngày sau đám cưới, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy từ biệt gia đình ở Thái Bình. Các học viên GP10 hội ngộ tại ga Hàng Cỏ để lên đường tới T105-ngôi trường của Ban Thống nhất Trung ương đặt bí mật tại Hòa Bình, để rèn luyện sức khỏe, kỹ năng thực địa.
“Hệ thống loa phóng thanh ở ga liên tục phát nội dung Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong số thanh niên GP10 năm ấy, có những bạn trầm ngâm, chăm chú lắng nghe, có nhóm bạn hồ hởi chia sẻ với nhau kỷ niệm về quê ăn Tết. Một trong những câu chuyện khiến chúng tôi xúc động nhất chính là câu chuyện đám cưới của anh Sỹ Thủy, mừng vì gia đình anh đã có một cái Tết đủ đầy, ấm cúng hơn,” bà Cao Tân Hòa, cựu học viên GP10 chia sẻ.
Sau hồi còi vang vọng, gần 150 học viên GP10 nô nức bước lên tàu. Nhớ lại quãng thời gian tham gia chương trình huấn luyện ở Hòa Bình, bà Hòa gọi đó là những ngày ở “thiên đường.” Bởi lẽ, trong hơn một tháng ấy, bên cạnh việc rèn luyện (đeo gạch hành quân bộ, leo núi, băng rừng…), các học viên GP10 được “tẩm bổ” chu đáo.
“Mỗi lần đến giờ ăn, chúng tôi lại òa lên vì bất ngờ, vỗ tay sung sướng. Sinh viên nghèo vốn chỉ quen với cơm độn bột mỳ, canh ‘không người lái,’ bánh nắp hầm khô khốc (một loại bánh làm từ bột mỳ, sau khi nhào bột, dàn đều lên nắp nồi gang dày rồi đặt lên bếp than hoặc bếp củi để nướng)… Vậy mà nay, chúng tôi được ăn cơm trắng, mỗi bữa đều có khoảng ba món ăn mặn. Thực đơn thay đổi thường xuyên. Đã thế, cán bộ còn liên tục động viên: ‘Nhà báo ăn nhiều vào, ăn thêm nữa đi để lấy sức ra chiến trường, tiến về giải phóng miền Nam.’ Còn gì vui thích hơn!” bà Hòa nhớ lại.
Chuyến xe định mệnh
Sau khi kết thúc khóa học, các học viên GP10 được chia thành ba khối, vượt Trường Sơn tiến về ba hướng: B1-chiến trường Bình Trị Thiên; B2-chiến trường Nam Bộ và B3-chiến trường Trung Trung Bộ.
Chiều 16/3/1973, sân ga Thường Tín có cả nụ cười và nước mắt. “Nhiều người thân, bạn bè ra tiễn chúng tôi lên đường. Thời thanh niên sôi nổi là vậy nhưng chúng tôi vẫn ngập ngừng, e ngại, chẳng dám ôm ghì lấy nhau giữa chốn đông người. Cuộc chia ly chỉ có những cái nắm tay siết chặt, những giọt nước mắt giấu trong chiếc khăn tay và những ánh mắt bịn rịn,” bà Hòa kể.
Bước lên tàu, các học viên GP10 để lại phía sau tất cả quần áo, tư trang cá nhân, thẻ đoàn viên, thư từ của một thời hoa mộng. Họ mang theo võng tăng, khoác lên người chiếc balô con cóc, mũ tai bèo…
Đến điểm trung chuyển ở miền Trung, những chiếc xe Zil mui trần tiếp tục chở những nhà báo trẻ đầy nhiệt huyết vượt Trường Sơn. Đến đầu tháng 4/1973, đoàn GP10 đã cách Hà Nội khoảng 1.000km, phần lớn đi đường rừng.
“Ban đầu, chúng tôi còn hào hứng chia nhau đếm xem mình đã đi qua bao nhiêu ngọn núi cao, con suối sâu, đoạn cua gấp; nhưng rồi, nhiều quá, không thể đếm xuể. Nhiều lúc, chúng tôi không dám nhìn sang hai bên bởi một bên là núi cao cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm, chỉ thấy thấp thoáng những ngọn cây. Tây Nguyên nắng rát, khiến anh em đều thấm mệt, nhiều người ôm balô ngủ gật. Thỉnh thoảng, chúng tôi bị đánh thức bởi hiệu lệnh (‘cúi xuống’ hay ‘nghiêng đầu sang trái,’ ‘ghé đầu sang phải’) của chiến sỹ lái xe để tránh những cành cây hai bên đường,” ông Hoàng Đình Chiến, cựu học viên GP10, kể lại.
[Nhà báo Trần Mai Hưởng: Cây bút “tâm-tài” đi cùng năm tháng]
Sự cố bất ngờ xảy ra sau hơn nửa tháng rời Hà Nội. Một chiếc xe khác chở đoàn phóng viên B2 gặp nạn. Ông Hoàng Đình Chiến nghẹn ngào nói: “Đó là một ngày đau buồn, khắc sâu trong tim chúng tôi nỗi đau chia lìa vĩnh viễn. Chúng tôi vẫn biết ra trận là hy sinh, mất mát. Thế nhưng, khi ấy, chúng tôi vẫn là những thanh niên trẻ trung, tràn đầy sức sống. Lần đầu tiên chứng kiến đồng nghiệp, đồng chí vĩnh viễn nằm lại nơi rừng sâu, chúng tôi không khỏi bàng hoàng.”
Lúc đó là khoảng 10 giờ ngày 2/4/1973. Xe chở nhóm phóng viên B2 bị đổ ở gần thị xã Mường Mày (tỉnh Attapeu, Lào). Hai phóng viên Phạm Thị Kim Oanh và Trần Viết Thuyên cùng ông Lâm Văn Bang (cán bộ miền Nam tập kết) đã vĩnh viễn ra đi. Nhiều người bị thương nặng, phải chuyển ra Bắc và trở thành những thương binh: Nguyễn Văn Huê, Nguyễn Thu Hương, Đoàn Văn Đức…
Những phóng viên trẻ đã không thể vào tới chiến trường như ước vọng ngày lên đường. Khi chứng kiến các bạn ra đi, tim người may mắn sống sót như thắt lại. Ông Hoàng Đình Chiến và những đồng nghiệp GP10 năm ấy tự hứa với lòng mình rằng sẽ phải cố gắng hơn, làm nhiều hơn để thay các bạn hoàn thành nhiệm vụ.
Từ biệt những người bị thương nặng phải ở lại điều trị, nhóm phóng viên GP10 tiếp tục lên đường. “Chúng tôi lội bộ xuyên rừng qua những cung đường mòn Trường Sơn. Trước khi vượt sông Sekon, chúng tôi lấy nhật ký ra đọc lại rồi thả tất cả trôi theo dòng nước siết. Tuổi đôi mươi là vậy! Chúng tôi muốn để lại phía sau tất cả những ưu tư, lo lắng, bi thương để nhập cuộc,” nhà báo Hoàng Đình Chiến nói.
Với tâm thế ấy, thế hệ phóng viên GP10 đã góp phần quan trọng để giữ cho dòng tin không bị gián đoạn giữa chiến trường khốc liệt./.
Bài 2: Những tháng ngày duy trì mạch máu thông tin giữa mưa bom, bão đạn