Từ triển lãm 1000 tựa sách không bản quyền…

1000 tựa sách không có bản quyền được trưng bày, chỉ là một phần nhỏ trong hội thảo và họp báo do do FAHASA và các nhà xuất bản nước ngoài tổ chức.
Sáng 9/7, tại khách sạn Continental (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), hội thảo và họp báo “Sách vi phạm bản quyền của các nhà xuất bản nước ngoài - Thực trạng và giải pháp phòng chống”, do FAHASA và các nhà xuất bản nước ngoài đã được tổ chức.

Từ khoảng 1.000 tựa sách không có bản quyền được triển lãm và cả những dư luận hành lang ở hội thảo này, có thể thấy rằng chuyện bản quyền sách tại Việt Nam hiện nay vẫn còn gây đau đầu cho khá nhiều người.

Thiệt hại có thể lên tới 19 triệu USD?

Trong danh mục sách vi phạm bản quyền được trưng ra lần này, ban tổ chức nêu đích danh các đơn vị vi phạm như Nhà xuất bản Đồng Nai, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát hành sách Sài Sòn (nhà sách Quỳnh Mai), Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News), nhà sách Minh Cường, Công ty Lương Vĩnh, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Tổng hợp, Nhà xuất bản Lao động, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Công ty Văn hóa Nhân văn, nhà sách Tiến Thọ, nhà sách Minh Trí, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Nhà xuất bản Hải Phòng, Nhà xuất bản Thanh niên… và rất nhiều đầu sách không đề xuất xứ, hay sách photocopy.

Trong danh mục đợt này, Nhà xuất bản Đồng Nai và nhà sách Quỳnh Mai tỏ ra “ưu trội”, khi chiếm đến khoảng 90% số sách vi phạm bản quyền.

Ông Võ Đại Phúc (đại diện cho Nhà xuất bản Oxford tại Việt Nam) khẳng định: “Theo kết quả khảo sát, có khoảng 90% sách dạy ngoại ngữ ở phần lớn các trung tâm dạy ngoại ngữ tại Việt Nam hiện nay là sách in lậu, sách photocopy. Sau 4 năm gia nhập Công ước Berne, tình hình vi phạm bản quyền vẫn còn diễn ra phức tạp. Mỗi năm, chỉ tính riêng tiền bản quyền của sách, đã gây thiệt hại cho chủ thể giữ bản quyền lên đến 19 triệu USD”.

Ông Phúc cũng nói thêm rằng để tạo ra một cuốn sách thật thường mất tối thiểu 1-3 năm, trong khi để làm một cuốn sách giả chỉ cần 1-3 ngày. Ông kết luận rằng hiện nay có 3 hình thức làm giả sách phổ biến: “Thứ nhất, là những đầu sách photo 100% ruột, chỉ có bìa là được in màu, với số lượng in khá lớn. Thứ hai, sách liên kết xuất bản; sách có đề tên nhà xuất bản và tên của dịch giả, có giấy phép hẳn hoi, nhưng không mua hay xin phép bản quyền. Thứ ba, các sách 'xào nấu,' 'biên soạn,' cắt xén vô tội vạ, và rất nhiều sai sót”.

Trao đổi với đại diện của các nhà xuất bản như Oxford, Cambridge, Pearson, Cengage, McGraw-Hill, Macmillan…đều cho rằng số sách giả, sách lậu hiện nay là quá lớn, và không thể kiểm soát được. Cho nên, danh mục đưa ra lần này chỉ là thêm một con số cụ thể, chứ chưa phản ánh đúng và đầy đủ thực trạng. Đại diện Nhà xuất bản Oxford cho biết chỉ bán bản quyền mỗi năm có vài chục đầu sách, vậy mà khi ra các tiệm sách, hay ngay cả ở vỉa hè, thì cũng đã thấy hàng ngàn đầu sách có ghi tên Oxford.

“Nửa vời” trong việc sử dụng các biện pháp tự bảo vệ

Ông Vũ Mạnh Chu (Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Văn hóa nghệ thuật) cho rằng hiện nay hàng giả đang tràn lan khắp thế giới và gần như lĩnh vực nào cũng có, sách chỉ là một mặt hàng ở trong đó.

Theo ông Chu, có 3 con đường để các chủ thể giữ bản quyền tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đó là dân sự, hành chính và hình sự. Biện pháp dân sự là trực tiếp đến gặp cá nhân, đơn vị vi phạm để đòi quyền lợi và yêu cầu chấm dứt vi phạm. Hành chính là nhờ đến cơ quan làm thanh tra văn hóa và các cơ quan chuyên trách khác để xử lý, mức phạt cao nhất hiện nay là 500 triệu đồng, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng mà bị xử phạt đúng mức, có thể khiến họ “sập tiệm”. Còn biện pháp hình sự, có tòa xử lý, ngoài số tiền bồi thường, còn phải chịu mức án tù, nếu nghiêm trọng.

Ông Chu nói đến nay các vụ án, vụ việc vẫn diễn ra ở mức độ nửa vời, số tiền phạt và số lượng vụ vẫn còn quá ít so với thực tế vi phạm. Cho nên ông nói các chủ thể giữ bản quyền phải tích cực và cụ thể hơn nữa trong việc sử dụng ba con đường này.

Đại diện của Nhà xuất bản Pearson tại Việt Nam và các Nhà xuất bản khác cho rằng vi phạm bản quyền là vi phạm quyền sở hữu, quyền định đạt, quyền sử dụng tác phẩm. Họ cũng phân tích để chứng minh rằng việc vi phạm là đi ngược lại tinh thần văn hóa, lịch sử giáo dục… của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là thủ tiêu sáng tạo và đóng góp về văn hóa, bởi các tác giả, các đơn vị làm sách quá nản lòng. Họ cũng nêu ra các quyền lợi của việc sử dụng sách thật, và những thiệt thòi của việc dùng sách giả.

Hé lộ một chiêu làm sách giả cực “tinh vi”

Tuy nhiên, ở các trao đổi bên ngoài hành lang hội thảo, các đại biểu còn cho biết có một “chiêu” thức làm sách giả khá tinh vi mà hội thảo chưa đem ra mổ xẻ. Một “cá bé” trong giới làm sách không muốn bị “nuốt” bởi các “cá lớn” xin giấu tên, cho biết từ ngày vào Công ước Berne, vì lợi nhuận và trốn thuế, nhiều đơn vị làm sách vẫn còn vi phạm bản quyền nghiêm trọng.

Nhân vật này phân tích rằng có những sách do “cá bé” thực hiện, có đầy đủ bản quyền, nhưng khi gửi sang phát hành, họ “ém” sách thật lại, để in và bán sách giả, do chính họ “liên kết thực hiện” từ một cuốn sách thật.

Cho nên, nếu chỉ nhìn vào bìa sách hay danh mục sách, có những cuốn đúng là có bản quyền, nhưng chỉ cho 1.000 cuốn sách thật, thường khó bán, còn hàng ngàn cuốn sách giả thì được bán tràn lan.

“Chiêu” này không phải là cách in nối bản (trốn thuế, trốn phép, trốn bản quyền) như các hội thảo hay báo chí thường đề cập, mà là một cách “hớt tay trên” của các “cá lớn” đang giữ cửa phát hành. Nhiều “cá bé” biết chuyện này, nhưng phải câm nín để mà tồn tại./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục