Tối 26/7, cùng với tuổi trẻ cả nước, Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã triển khai đồng loạt ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam chương trình “Tuổi trẻ Thông tấn nặng nghĩa tri ân-ơn sâu đền đáp, Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ.”
Tại nghĩa trang liệt sỹ thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội), lễ thắp nến tri ân tỏ lòng thành kính trước vong linh các anh hùng liệt sỹ an nghỉ nơi đây đã diễn ra trọng thể, kỷ niệm 70 năm ngày thương binh-liệt sỹ (27/7/1947-27/72017).
Nghĩa trang liệt sỹ Chúc Sơn là nơi an nghỉ của 62 liệt sỹ trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc. Đặc biệt, đây chính là nơi an nghỉ của liệt sỹ, nhà báo Trần Kim Xuyến, nhà báo-liệt sỹ đầu tiên của TTXVN và cũng là của nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung.
Trong đêm tối, cả nghĩa trang bỗng sáng bừng lên bởi những ngọn nến lung linh, thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của tuổi trẻ hôm nay với các thế hệ đi trước. Chương trình do Ủy ban Nhân dân thị trấn Chúc Sơn, Đoàn Thanh niên thị trấn Chúc Sơn và Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam phối hợp tổ chức.
Mở đầu buổi lễ, lãnh đạo địa phương và đoàn viên hai đơn vị đã làm lễ dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã vị quốc vong thân. Những ngọn nến sáng, những nén hương thơm dâng lên phần mộ của các liệt sỹ tuy nhỏ bé nhưng đã thể hiện vẹn tròn tấm lòng của hậu thế.
[Photo] Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ trên mọi miền đất nước
Trong không khí linh thiêng của buổi lễ tri ân, anh Bùi Bá Thắng, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Chúc Sơn đã xúc động đọc những câu thơ: “Hỡi các anh, hỡi các chị. Tuổi thanh xuân đã hiến dâng cho Tổ quốc. Máu đào đã đem lại màu xanh cho quê hương. Nơi chín suối hồn thiêng thành sông núi.”
Trước anh linh của các liệt sỹ, anh Bùi Bá Thắng đã thay mặt các thanh niên hứa sẽ tiếp bước truyền thống của thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng nước Việt Nam hiện đại của thời đại mới.
Riêng đối với Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam, ai nấy đều vô cùng xúc động khi được thắp nén tâm hương lên mộ phần và cùng nhau ôn lại những trang vàng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà báo, liệt sỹ Trần Kim Xuyến, người lãnh đạo, bậc tiền bối tài năng, dũng cảm của TTXVN.
Nhà báo Trần Kim Xuyến sinh năm 1921, tại Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ông sớm giác ngộ cách mạng, từng giữ chức Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa I. Ngày 3/3/1947, Pháp phát hiện đài phát sóng của ta ở chùa Trầm nên huy động quân giới ào ạt tấn công. Nhà báo Trần Kim Xuyến đạp xe đi các nơi để chỉ huy việc sơ tán tài liệu. Khi vừa hoàn thành nhiệm vụ thì ông bị trúng đạn liên thanh của quân Pháp, hy sinh tại Đầm Sen, xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn), huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Trước mộ phần của nhà báo Trần Kim Xuyến, thế hệ trẻ TTXVN đã hứa với anh linh người, sẽ luôn cố gắng phấn đấu, làm việc theo tinh thần của nhà báo, cùng nhau xây dựng cơ quan Thông tấn Quốc gia ngày càng phát triển.
Cũng với tinh thần “Mỗi ngọn nến, một tấm lòng. Mỗi đoàn viên thanh niên, một việc làm ý nghĩa thiết thực,” trong suốt những ngày tháng 7, đoàn thanh niên của thị trấn Chúc Sơn và Thông tấn xã Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.
Cùng với hoạt động thắp nến tri ân tại Hà Nôi, tuổi trẻ Thông tấn xã Việt Nam cũng tổ chức hoạt động thắp nến tri ân “Tuổi trẻ Thông tấn – Theo bước chân những người anh hùng” tại Nghĩa trang Hòa Vang (Đà Nẵng) và nghĩa trang liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là lần đầu tiên Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trên cả nước đồng loạt tổ chức một hoạt động thanh niên trong một ngày và cùng một thời điểm.
Đây thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị hết sức ý nghĩa, giúp các thế hệ trẻ hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị của “độc lập-tự do” và tự ý thức được trách nhiệm của bản thân mình.
Kể từ khi ra đời đến nay, lịch sử phát triển của TTXVN luôn gắn chặt với sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước của nhân dân ta. Không một cơ quan báo chí nào ở Việt Nam có nhiều liệt sỹ như TTXVN. Trong khoảng 450 liệt sĩ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, riêng TTXVN có trên 260 phóng viên, biên tập viên, điện báo viên, kỹ thuật viên và lái xe hy sinh trong các cuộc kháng chiến cứu nước.
Trong đợt sinh hoạt chính trị tháng 7 lịch sử “Theo bước chân những người anh hùng” Đoàn Thanh niên TTXVN đã triển khai nhiều hoạt động tri ân sôi nổi như chương trình tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng của TTXVN trên mạng xã hội qua các câu chuyện gắn với thông tin đồ họa về các gương nhà báo-liệt sỹ TTXVN; chương trình nhắn tin ủng hộ chương trình Tri ân liệt sỹ Việt Nam; Thăm, tặng quà các gia đình chính sách của cơ quan.