Tưởng niệm 150 năm ngày anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết

Trương Định là hình ảnh tiêu biểu của nhân dân Gò Công, nhân dân Nam Bộ bất khuất chống giặc Pháp xâm lược; là người con ưu tú, góp phần làm rạng rỡ quê hương Quảng Ngãi kiên cường.

Sáng 17/8, tại Đền thờ Trương Định, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 150 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864 - 20/8/2014).

Dự lễ dâng hương có nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố trong nước cùng đông đảo nhân dân địa phương.

Mở đầu là lễ rước tượng đồng bán thân Anh hùng dân tộc Trương Định (do Tạp chí Xưa và Nay phối hợp với dòng họ Trương trao tặng) và Bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đền thờ Trương Định về Đền thờ Trương Định.

Ngay sau đó là lễ Giỗ theo nghi thức truyền thống của dòng họ.

Trước đó, tối 16/8, tại Quảng trường đường Phạm Văn Đồng, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Lễ tưởng niệm 150 năm ngày anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1964-20/8/2014) và Chương trình nghệ thuật “Anh hùng dân tộc Trương Định - người con ưu tú của Quảng Ngãi.”

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng; đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, tỉnh Tiền Giang, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghệ An cùng đông đảo nhân dân Quảng Ngãi đã dự lễ.

Ông Lê Viết Chữ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, Trương Định là hình ảnh tiêu biểu của nhân dân Gò Công, của nhân dân Nam Bộ bất khuất chống giặc Pháp xâm lược vào thời điểm chúng vừa đặt chân lên đất nước ta.

Ông cũng là người con ưu tú, góp phần làm rạng rỡ quê hương Quảng Ngãi kiên cường.

Đối với nhân dân Quảng Ngãi, phẩm chất anh hùng và sự hy sinh cao cả của Trương Định trở thành một tấm gương ngời sáng.

Anh hùng dân tộc Trương Định sinh năm 1820, người làng Tư Cung, nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi.

Năm 24 tuổi, ông theo cha vào Nam, chiêu mộ dân cày, khẩn hoang lập ấp, trở thành bậc tiền hiền mở đất khai cơ ở vùng Tân An-Định Trường.

Năm 1854, Trương Định xuất tiền của chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận. Ông được phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ.

Tháng 2/1859, khi quân Pháp tấn công thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công.

Năm 1862, triều đình ký hòa ước Nhâm Tuất, giao ba tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang.

Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sỹ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây Đại nguyên soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp.

Rạng sáng 20/8/1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại Đám lá tối trời, Gò Công Đông. Trương Định bị trọng thương.

Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng.

Sự nghiệp của ông đã mở đầu cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục