Họ đứng đó, gần sân Maracana trước trận Bỉ-Nga, mặt và người bôi trắng xóa, thành hai hàng ngay ngắn, và trong khi những người tò mò đứng xem còn đang nghĩ họ là những diễn viên, những thanh niên ấy giơ ra hàng chữ “Trong nấm mộ, bạn sẽ đi đâu, bởi ở đó không có việc làm, không có kế hoạch, không tri thức và sự sáng suốt.” Không, đấy không phải là một vở kịch câm, mà là một cuộc biểu tình hòa bình chống chính phủ trong dịp World Cup.
“Cắt giảm của chính phủ khiến chúng tôi chết đói”
Đấy không phải là những zombie trong những bộ phim kinh dị, không phải robot, dù những cử động của họ trông không khác những người máy, mà là những sinh viên của một trường đại học lớn của Rio de Janeiro. Một cuộc biểu tình trong im lặng, không giống như những cuộc biểu tình khác, với cảnh sát trang bị tận răng căng thẳng nhìn những người chống đối. Nhưng “màn trình diễn kịch câm” của họ thu hút sự quan tâm của không ít người, bởi cái cách mà hơn 20 sinh viên và một giáo viên ấy đã thực hiện.
Người đã tổ chức cuộc biểu tình câm này, cô giáo Ana Paula, nói với tôi: “Có rất nhiều cách để thể hiện sự bất bình đối với chính sách của chính phủ trong thời gian này. Có những vụ bạo động đã nổ ra. Có những phong trào lớn của công nhân khi họ đình công và làm tê liệt giao thông công cộng. Chính phủ đã thỏa hiệp với họ trên một số vấn đề. Nhưng trên khía cạnh giáo dục, chính phủ đã không lùi bước. Và các trường đại học, các trường cấp dưới ngày càng lâm nguy.”
Những cuộc biểu tình của các giáo viên và sinh viên ở Rio de Janeiro không biến thành bạo lực. Họ không cho là phù hợp với giáo dục. Từ nhiều ngày nay, một nhóm giáo viên đại học đã đứng phát tờ rơi ở Botafogo, một trong những ga tàu điện ngầm đông khách nhất Rio, là bến chính dẫn đến những bãi biển nổi tiếng Copacabana và Ipanema.
“Những cắt giảm của chính phủ khiến chúng tôi chết đói. Suất ăn hàng ngày của chúng tôi ở trường không đủ để chúng tôi dạy học,” những lời được viết trong một tờ rơi. Viết bằng hai thứ tiếng Anh và Bồ Đào Nha, tờ rơi giống như một bản luận tội chính quyền bang Rio và chính phủ về việc đã bỏ rơi họ trong cơn khủng hoảng về tài chính của nền giáo dục, trong khi đã chi hàng tỉ dollar cho các công trình phục vụ World Cup.
“Trong các ngôi trường của chúng ta, các lớp học đã đầy kín học sinh, trong khi theo tiêu chuẩn giáo dục, mỗi giáo viên chỉ có thể quản lý được 25 học sinh,” và “các văn phòng nhà trường trở nên quá tải và không đủ khả năng tiếp tục duy trì nhiệm vụ. Trong những năm qua, 158 trường học đã bị đóng cửa. Chính quyền bang Rio phải chịu trách nhiệm về việc hơn nửa triệu học sinh không được tiếp cận giáo dục”.
“World Cup làm giàu cho bọn tham nhũng”
Sự thật là World Cup này đã trở thành một dịp quan trọng để những người làm giáo dục ở Rio de Janeiro nói riêng và những người bất mãn với chính phủ nói chung thể hiện tiếng nói của mình, khi các cơ quan truyền thông thế giới tập trung ở đây, và đưa hình ảnh về ánh sáng và bóng tối của Brazil đi khắp thế giới.
Trong một đất nước mà một cuộc thăm dò dư luận cho thấy, 61% không ủng hộ việc Brazil đăng cai World Cup, thì không có gì khó hiểu trước sự tức giận của người dân về việc chính phủ đã “dùng tiền thuế của chúng tôi để xây các sân vận động và làm giàu cho bọn tham nhũng”-như lời của Ademir, một ông già về hưu ở Niteroi, bang Rio, đã nói với tôi.
Đam mê bóng đá, ủng hộ đội tuyển Brazil, mong muốn Brazil đoạt được “Hexa” (chức vô địch thế giới lần thứ 6) và phản đối chính phủ về những chi phí tốn kém mà họ đã bỏ ra cho việc tổ chức World Cup, trong khi đất nước này còn nhiều vấn đề về kinh tế và xã hội là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Ademir, một giáo viên ngoại ngữ về hưu, khẳng định rằng World Cup chỉ là một dịp để làm giàu cho một số người có đặc quyền đặc lợi. “Tôi lo sợ là Brazil sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng sau khi giải đấu kết thúc. Brazil đã làm hết mình cho World Cup, đã chi rất nhiều tiền và trên thực tế là bội chi. Nhưng sau khi “gánh xiếc” rút đi, chúng tôi sẽ còn lại gì? Và thử tưởng tượng xem, nếu Brazil không vô địch thì thảm họa sẽ còn lớn đến mức nào,” ông nói.
Nỗi lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra với Brazil thực ra là điều mà nhiều người đã nói trước World Cup, vì trên thực tế, Brazil đăng cai giải đấu này khi họ đang chịu áp lực nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự chống đối của một bộ phận xã hội đã chia rẽ không ít người.
Marcio, một người công nhân vệ sinh sống với mức lương tương đương tháng khoảng 350 dollar Mỹ, nói với tôi: “Trong gia đình tôi, mọi người cãi nhau về việc có nên đi biểu tình không. Một số anh em thì nói rằng, World Cup này là cơ hội để xem bóng đá trên quê hương mình. Nhưng những người khác thì bảo rằng, chúng ta rồi cũng sẽ chết đói để phục vụ cho cả thế giới và một số tên triệu phú sống trong khu nhà giàu sung sướng.”
Niềm đam mê bóng đá tồn tại. Tình yêu với đội Selecao (đội tuyển Brazil) không bớt đi. Nhưng đã len lỏi vào đó từ lâu nỗi lo ngại từ cuộc sống thường nhật. Khi Brazil khởi đầu không tốt ở World Cup này, là mối lo ngại khác: Họ sợ rằng Brazil sẽ không vô địch. Graca, bà chủ nhà nơi tôi đang trọ, không tin rằng Brazil sẽ đăng quang, dù có vẻ như FIFA đang cố gắng tạo những lợi thế cho họ, như một sự đền bù sau biết bao điều Brazil đã làm cho việc tổ chức giải. “Xã hội này sẽ loạn thực sự nếu điều đó xảy ra,” bà nói.
“World Cup này là của ai đó, không phải của chúng tôi”
Bây giờ, các cuộc biểu tình đã lắng xuống. Nhưng Brazil cũng giống như một cái nồi áp suất. Có vẻ như người ta đang âm ỷ những chống đối trong lòng để chờ dịp bùng lên. Các chính đảng đối lập với đảng Lao động (PT) cầm quyền của Tổng thống Dilma Roussef cũng không bình luận gì về World Cup hay các phong trào chống đối. Họ cũng chờ dịp để tấn công bà.
Những cuộc thăm dò dư luận công bố cuối tuần trước trên tạp chí Istoe cho thấy, uy tín của bà đã tụt xuống ngưỡng 34% và còn có khả năng xuống thấp hơn nữa, trong khi cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra sau đây 4 tháng, vào tháng 10. World Cup mặc nhiên trở thành một cuộc chiến không chỉ trên sân cỏ, nơi Brazil phải thắng và phải vô địch để giải quyết những vấn đề không chỉ của bóng đá, mà còn là một cuộc đấu đá căng thẳng về chính trị.
Trong khi ấy, sự bất mãn đã đi vào âm nhạc và một bài hát của rapper Paulo Ito đã trở thành “hit” được phát đi phát lại trên các đài phát thanh, với một câu đại loại là “tại sao ta không được phép lựa chọn giữa một bát cơm và một quả phạt đền.”
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, rapper Edu Krieger, tác giả của một bài hát chống World Cup, nói: “Tôi không ghét bóng đá, nhưng tôi căm ghét bọn kẻ cướp của FIFA.” Trên đường phố, thỉnh thoảng lại xuất hiện những dòng chữ “FIFA go home” (FIFA biến về nhà), hoặc “No vai ter Copa” (Không đến xem World Cup) mang tên của một phong trào chống đối.
Kể từ trước World Cup, vật giá đã leo thang trung bình 20% và không có nhiều khả năng sẽ trở lại mức ban đầu sau khi giải đấu kết thúc. Đối với những người ăn lương hưu như Ademir, đấy là một gánh nặng thực sự trút lên đầu ông và hàng triệu người nghèo khác. Năm ngoái, người ta đã biểu tình chỉ vì cước phí xe bus tăng 20 xu. Và với việc tăng trưởng GDP đang chững lại, lạm phát được dự kiến có thể sẽ tăng mạnh sau World Cup, đẩy hàng triệu người đã thoát khỏi đói nghèo trong các chương trình xóa đói đầy tham vọng của cựu Tổng thống Lula da Silva vào cảnh khó khăn một lần nữa.
Nhấp một ngụm bia và mắt không rời tivi đang chiếu trận Bỉ-Nga trong một quán nhậu vỉa hè gồm toàn các ông già, Ademir kết luận: “World Cup này là của ai đó, không phải của chúng tôi.”
“Ở đây, FIFA điều hành tất cả”
Những lời chỉ trích về chính phủ có thể được nghe ở bất cứ nơi nào tại Rio. Có những người nói ra, có những người giữ im lặng và những người bịt tai. Nhưng cảm giác chung cũng giống như ở World Cup 2010 tại Nam Phi, khi một số chính trị gia đối lập lên tivi và tuyên bố: “Chính phủ không điều hành đất nước trong dịp World Cup, mà là FIFA. Chúng ta phải làm tất cả mọi việc để làm họ hài lòng.”
Sau World Cup, những sân bóng được xây hồi đó hầu như bị để hoang phí. Brazil cũng có khả năng như vậy. Ademir nói: “Họ xây một sân Manaus, một sân ở tận vùng Amazon xa xôi, lấy lý do là để thu hút đầu tư phát triển khu vực này. Một sân bóng đẹp trong một vùng hoang vu, nóng ẩm và không có lấy một đội bóng mạnh nào. Thật nực cười.”
Trên nhật báo New York Times, Vanessa Barbara, một nhà bình luận người Brazil viết rằng, “chúng tôi đã chi hơn 12 tỷ dollar, 85% trong đó từ ngân sách nhà nước. Chúng tôi đuổi người dân ra khỏi nhà họ để xây các sân vận động và các công trình hạ tầng, và tạo ra an ninh nghiêm ngặt xung quanh các điểm thi đấu. Chúng tôi cũng đàn áp dã man những ai lên tiếng phản đối sư kiện này, bắn hơi cay vào những người tay không và tìm cách cáo buộc họ tội khủng bố. Chúng tôi tự thuyết phục mình rằng, đây là một cơ hội kinh tế khổng lồ, bất chấp mọi bằng chứng chống lại điều đó. Thế mà FIFA vẫn không hài lòng.”
Sau World Cup 2014 là Thế vận hội mùa hè 2016. Những công trường xây dựng cho World Cup vừa đưa vào sử dụng lại tiếp tục được dựng lên ở những nơi khác, cho sự kiện sau đây 2 năm nữa. Barbara kết luận: Và Brazil lại làm nô lệ cho Tổ chức Olimpic quốc tế (IOC). Chính họ cũng khẳng định là không hài lòng với tiến độ xây dựng các công trình ở một đất nước mà tham nhũng và quan liêu đã trở thành một truyền thống đáng buồn. Trong khi ấy, những người nghèo vẫn nghèo và người giàu càng giàu thêm, khi khoảng cách giàu nghèo sau World Cup được cho là sẽ nới rộng ra.