Đi tìm Ronaldinho: Khi thần tượng không phải là biểu tượng

Tại Belo Horizonte, người ta không thể hiện tình yêu đối với các ngôi sao như Ronaldinho bằng cách vẽ họ lên kín các bức tường.
Đi tìm Ronaldinho: Khi thần tượng không phải là biểu tượng ảnh 1Ronaldinho đang trải qua những ngày tháng tưới đẹp cùng Atletico Mineiro. (Nguồn: Reuters)

Những hình vẽ về bóng đá và các ngôi sao đầy kín trên những bức tường của Rio de Janeiro đã tạo cho tôi một suy nghĩ, rằng ở Brazil, tình yêu bóng đá luôn được thể hiện một cách nồng nhiệt ở bất cứ đâu, trên những bức tường, những quán bar, những gia đình và từng cá nhân mỗi người.

Nhưng khi đến Belo Horizonte, tôi sững sờ nhận ra điều ấy hầu như không tồn tại. Những bức vẽ vẫn có, nhưng rất thưa thớt, và những thần tượng lớn của người hâm mộ hầu như không xuất hiện. Điều gì đã xảy ra, phải chăng họ yêu bóng đá theo cách khác, không như ở Rio?

Ro vẩu, người giải cứu Atletico từ thất bại

“Ronaldinho à, chúng cháu yêu anh ấy. Anh ấy là thần tượng của cả nhà cháu, của cháu và anh ruột cháu.” Thằng bé nói, chỉ sang ông anh ngồi cạnh. Tôi gặp hai anh em nhà Gomes lên chiếc xe bus trên đường đi đến sân Mineirao khi chúng vừa đi mua diều về. Hai anh em là cổ động viên của Atletico Mineiro. Ông già ngồi bên cạnh tôi cũng thế. Họ đều yêu mến Ronaldinho.

Cậu quân cảnh trẻ măng có tên Leandro Morais Campos mà tôi gặp trong một đồn cảnh sát ở gần trung tâm Belo Horizonte cũng thế. Leandro có thể nói nửa tiếng đồng hồ liên tục về người mà anh tôn thờ, dù đôi khi, anh không tìm được một từ tiếng Anh thích hợp để diễn tả. “Atletico Mineiro không sản sinh ra nhiều cầu thủ huyền thoại như Flamengo hay Corinthians, những đội bóng nhiều người hâm mộ. Đội bóng của chúng tôi chỉ thuộc về nhóm giỏi của Brasileirao (giải ngoại hạng Brazil), chứ không phải ứng viên vô địch và đã từng có thời điểm tụt xuống hạng 2. Nhưng nhờ có Ronaldinho mà người ta lại nhắc đến Atletico. Anh ấy không còn trẻ, nhưng luôn tạo ra một sự thu hút rất lớn trong các trận đấu của Atletico Mineiro. Đội bóng cũng có được nhiều tiền từ truyền hình hơn nhờ có anh.”

Trên thực tế, đội bóng áo sọc trắng-đen này không phải là đội bóng số 1 trong trái tim các cổ động viên ở thành phố Belo Horizonte, mà là Cruzeiro, vốn đã từng làm mưa làm gió một thời trên bầu trời bóng đá Brazil và sinh ra những Tostao, Dirceu, Dida hay Fred, tiền đạo hiện tại của đội tuyển Brazil.

Atletico Mineiro, rất ít khi được coi đội bóng chơi một thứ bóng đá đẹp và quyến rũ, ngược lại, gần với lối đá cục mịch và thực dụng của người Uruguay hơn, là một đội bóng giàu truyền thống ở Brazil. Nhưng kể từ năm 1997, khi chiến thắng ở Cúp Conmebol, họ không giành được nhiều chiến tích quan trọng nào. Đội đã tụt xuống hạng 2 vào năm 2005 và nhờ sự có mặt của Ronaldinho mà năm ngoái, họ đoạt Cúp Libertadores, một dạng Champions League của Nam Mỹ. Belo Horizonte đã bùng nổ trong những đêm ăn mừng chiến thắng của các cổ động viên Atletico Mineiro, những người coi đó như  một cuộc trả thù Cruzeiro, kẻ thù lớn nhất của họ, đội bóng đã luôn vượt trội họ trong những trận derby Minas Gerais gần nhất, một trong những trận derby kinh điển của giải Brasileirao, bên cạnh các trận derby Flamengo-Fluminense ở Rio de Janeiro, hay Corinthians-Sao Paolo ở bang Sao Paolo.

Làm thế nào mà một người tưởng đã hết thời như Ronaldinho lại tới Atletico Mineiro, đội bóng không được coi là lớn vào thời điểm năm 2012, khi anh rời Flamengo “thành thị” để tới chốn “nhà quê” này, trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm lấy lại một vị trí ở đội tuyển Brazil cho World Cup 2014? Báo chí ở Belo Horizonte bảo rằng, anh, cãi nhau với lãnh đạo Flamengo và tố cáo họ quỵt lương anh 4 tháng.

Trong một nỗ lực để cứu vãn hình ảnh của mình trước Cruzeiro cũng như ở giải Brasileirao, Atletico, vô địch Brazil lần đầu tiên và duy nhất vào năm 1971, đã đưa anh về. Hàng vạn cổ động viên áo trắng-đen đã đón anh ở sân Mineirao trong ngày ra mắt ở câu lạc bộ. Và chàng trai răng hô Ronaldinho, người tiếp nối dấu chân của một số cựu binh khi trở về nhà sau một thời gian dài thi đấu ở Châu Âu, cảm thấy vô cùng xúc động.

Nhật báo Tempo xuất bản ở Belo Horizonte đã viết thế này: “Chúng ta hy vọng rằng, anh vẫn có thể cống hiến điều gì đó tốt đẹp cho chúng ta sau khi đã vắt kiệt tinh hoa của mình vì những đồng euro trên đất châu Âu.” Nhưng điều đó không có nghĩa là anh trở về Brazil là để về hưu và chấp nhận nghèo đi. Atletico Mineiro trả Ronaldinho không thiếu một xu nào trong khoản lương 700.000 USD hàng tháng mà anh đòi hỏi, khiến anh trở thành cầu thủ thu nhập cao nhất nhì Brasileirao.

Anh đến, anh đi, nhưng không để lại khoảng trống mênh mông

Các cổ động viên yêu mến Ronaldinho, điều đó ai cũng rõ, nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên khi đến Belo Horizonte là anh vô hình. Anh không tồn tại trên những bức vẽ ở ngoại ô thành phố, hình ảnh của anh không xuất hiện bất cứ đâu ở những khu phố yêu bóng đá nhất, vốn đã chia thành phố thành nhiều nơi cuồng một trong bốn đội bóng của Belo Horizonte. Anh cũng không xuất hiện ở sân Independencia, sân nhà của đội America, đội bóng lớn thứ 3 của Belo Horizonte, nhưng là nơi mà Atletico Mineiro chuyển đến thi đấu sau khi sân Mineirao được tu sửa cho World Cup. Không một dòng chữ nào nhắc đến anh. Trên một bức tường ngay cạnh sân là dòng chữ nhắc đến “Reinaldo”, tên của một trong số những cầu thủ huyền thoại mà Atletico đã sở hữu trong những năm 1970 hào hùng cùng với những Toninho Cerezo, Eder, cũng là những tuyển thủ quốc gia.

Ở dịp World Cup, tên của Ronaldinho chỉ xuất hiện một đôi lần trên báo chí, một lần là khi anh tuyên bố vẫn rất mong muốn trở lại đội tuyển, vốn gạt anh từ 5 năm trước, còn lần kia là khi anh bảo anh sẵn sàng cho thuê biệt thự của mình dịp này. Tại sao người ta yêu mến anh mà không coi anh là một tượng đài?

Leandro nói: “Ronaldinho không phải là một tượng đài của Atletico như Reinaldo hay Eder ngày xưa, vì anh ấy không biết hy sinh. Anh ấy đòi mức lương quá cao trong một thời điểm mà kinh tế Brazil đang khủng hoảng, và hàng triệu người nghèo cảm thấy mức lương ấy là một sự sỉ nhục.” Everisto, một lái xe taxi già và là cổ động viên Cruzeiro: “Cậu ấy không coi Belo Horizonte là nhà, và vì thế, ở đây, các cổ động viên thần tượng cậu ta vì Atletico từ nhiều năm qua chẳng có ai để mà thần tượng, nhưng họ không mù quáng. Cậu ấy đem đến cho Atletico những thành công, nhưng cậu ấy sẵn sàng đến đội khác trả tiền cao hơn.”

Khi World Cup ùa đến Belo Horizonte, các cổ động viên của Atletico Mineiro cũng biết tin Ronaldinho đang thương lượng với đội Zamalek của Ai Cập để chuẩn bị cho một hành trình mới. Ở đấy, anh được hưởng mức lương cao hơn số tiền anh được trả ở Belo Horizonte, một khoản tiền mà Atletico Mineiro không thể nào trả nổi. Leandro: “Nếu anh ấy muốn đi, cứ đi. Tôi sẽ không quên anh ấy. Nhưng tôi cũng sẽ có một thần tượng mới. Ai đi cứ đi, ai đến rồi sẽ đến. Chỉ có câu lạc bộ là vĩnh cửu."

Ronaldinho đã từng có một ngôi nhà trong trái tim các cổ động viên Atletico Mineiro, nhưng anh không ở trong đó. Anh đến đây trong một điểm dừng chân ngắn, trước khi tìm đến một bến đỗ mới, ở bất cứ nơi nào có thể, nhưng anh vẫn thắp lên những giấc mơ cho bao đứa trẻ, như thằng bé mua diều mà tôi đã gặp trên chuyến xe bus kia. Nó ngưỡng mộ sự thành công của anh, những triệu dollar mà anh đã kiếm được trong sự nghiệp, cũng như một cuộc sống xa hoa mà có lẽ nó sau này không thể có được. Belo Horizonte này rộng quá, ồn ào quá, và những gì thằng bé thấy bây giờ chỉ là cảnh sát đứng đầy các con đường vì tỉ lệ tội phạm đang tăng mạnh, những khu phố trung tâm nhếch nhác và bẩn thỉu, những cô gái mại dâm già và sập xệ mới nhá nhem tối đã ngồi ghếch chân lên những bậu cửa hàng vừa nghỉ, những nhà thổ ở trung tâm công khai cho các cô gái bán mình, những “motel” (nhà nghỉ) tối như hút nút và ở cửa dán đầy hình gái hở hang.

Ở tuổi 34, Ronaldinho vẫn mang đến những giấc mơ đổi đời để thoát khỏi hiện thực tàn nhẫn ở nơi này. Nếu anh sang Ai Cập, Atletico chưa chắc đã cảm thấy những khoảng trống mênh mông mà anh để lại. Atletico Mineiro tuyên bố đã ký được hợp đồng với Anelka, 35 tuổi, bị West Brom đá đít sau khi có những hành vi bài Do thái. Con ngựa chứng này đã đi khắp nơi, từ Pháp (PSG), sang Anh (Arsenal, Liverpool, Bolton, Man City, Chelsea và West Brom), qua Tây Ban Nha (Real Madrid), Thổ Nhĩ Kì (Fenerbahce), Trung Quốc (Thân Hoa Thượng Hải) cho đến Italy (Juventus). Nhưng liệu con người có cá tính mạnh mẽ, từ lâu đã không chơi một thứ bóng đá đỉnh cao ấy, có thể đem lại giấc mơ gì cho những cậu bé như tôi đã gặp?

Không ai biết, nhưng những bức tường cũ kỹ ở Belo Horizonte vẫn sẽ không có những bức tranh về Ronaldino và Anelka, nhưng vẫn luôn có những dòng chữ cho Reinaldo, con người của một thuở bóng đá không đồng nghĩa với tiền bạc, mà là đam mê…/.

Chói sáng trở lại cùng Atletico Mineiro

“Hết thời” là từ đáng ghét nhất mà Ronaldinho không muốn nghe, và vì thế, anh không muốn cuộc trở về Brazil để chơi cho Flamengo và Atletico Madrid là một chặng nghỉ trong một sự nghiệp thành công và đem lại cho anh không ít tiền bạc. Ronaldinho kí một hợp đồng 6 tháng với Atletico Mineiro vào tháng 6/2012, chỉ 4 ngày sau khi rời Flamengo.

Tại Atletico, anh mang số áo 49, là năm sinh của mẹ anh. Đấy là một mùa bóng thành công của Ronaldinho, khi anh đưa câu lạc bọ này đoạt ngôi á quân Brasileirao và đoạt vé dự Cúp Libertadores. Cũng năm ấy, Ronaldino được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất Brazil, một danh hiệu khiến anh vô cùng hãnh diện và hạnh phúc. Mùa bóng sau đó, Ronaldinho giúp Atletico giành chức vô địch bang Minas Gerais và lần đầu tiên trong lịch sử đoạt Cúp Libertadores.

Đầu năm 2014, Ronaldinho gia hạn hợp đồng với Atletico. Nhưng hiện tại, Assis Moreira, anh trai và cũng là người đại diện của anh tuyên bố, anh này không phủ nhận việc cựu cầu thủ của PSG, Barcelona, Milan và Flamengo đang thương lượng với đội Zamalek của Ai Cập. Hiện Ronaldinho đang cùng Atletico Mineiro đi du đấu ở Thượng Hải, Trung Quốc.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục