"TV là phương tiện truyền thông phổ biến nhất VN"

Tại Việt Nam, tivi là đồ dùng gia đình phổ biến nhất với 83% hộ gia đình có tivi, trong đó 27% hộ gia đình có từ 2 tivi trở lên.
Kết quả nghiên cứu thị trường truyền thông cho thấy tivi là đồ dùng gia đình phổ biến nhất tại Việt Nam, với 83% hộ gia đình có tivi, trong đó 27% hộ gia đình có từ 2 tivi trở lên.

[Quảng cáo trên truyền hình không còn đạt hiệu quả]


Ngày 11/9, TNS Media Việt Nam (thuộc Kantar Media) đã công bố kết quả nghiên cứu thị trường truyền thông lần đầu tiên do công ty này thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Đây là cuộc nghiên cứu thói quen sử dụng các phương tiện truyền thông theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên qua phỏng vấn trực tiếp 4.800 hộ gia đình và 4.800 người (mỗi hộ chọn một người ngẫu nhiên) trong độ tuổi từ 15 đến 54.

Cuộc khảo sát được phân chia theo sáu vùng miền gồm Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Các phương tiện truyền thông được khảo sát gồm Truyền hình, Phát thanh, Báo in và tạp chí, Internet và Điện thoại di động.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tivi là đồ dùng gia đình phổ biến nhất (xe máy chỉ đứng thứ hai), chiếm tỷ lệ 83% hộ gia đình có tivi, trong đó 27% hộ gia đình có từ 2 tivi trở lên.

Đa số người dân Việt Nam đều xem tivi hàng ngày, từ 200-256 phút/ngày, vì thế truyền hình là phương tiện truyền thông phổ biến nhất và hiệu quả nhất.

Ở Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ xem tivi nhiều nhất, chiếm 87%, tiếp theo là Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung với 86%, Đông Nam Bộ là 83%, Tây Nguyện là 82%, Đồng bằng sông Cửu Long là 81%; Trung du và miền núi phía Bắc là 72%.

Ở tất cả các nơi, trừ Đồng bằng sông Cửu Long, Internet có tỷ lệ người sử dụng đứng thứ hai và cũng là phương tiện truyền thông phổ biến thứ hai, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với truyền hình, chiếm tỷ lệ bình quân là 25% trên toàn quốc.

Tỷ lệ này ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là 32% và 31%. Tây Nguyên có tỷ lệ 23%, Trung du và miền núi phía Bắc và , Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có tỷ lệ là 22%.

Ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ đọc báo in và tạp chí nhiều hơn ở phía Bắc, với tỷ lệ tương ứng là 27% và 17%.

Ở phía Nam có số lượng báo và tạp chí xuất bản nhiều nhất cả nước. Tỷ lệ này ở Đồng bằng sông Hồng chỉ là 15% và ở Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 14%, Tây Nguyên là 12%, Trung du và miền núi phía Bắc là 4%.

Tính ra, ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long trung bình người dân đọc báo 28 và 21 phút/ ngày; Đồng bằng sông Hồng là 14 phút/ngày, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 12 phút/ ngày. Các vùng còn lại là dưới 10 phút/ngày.

Tỷ lệ xem băng đĩa ở phía Nam cao hơn phía Bắc: Đồng bằng sông Cửu Long là 12%, Đông Nam Bộ là 11%, Tây Nguyên là 10%, 8%, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 8%, Đồng bằng sông Hồng là 4%.

Ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ nghe đài là 24%, trong khi ở các vùng miền còn lại chỉ là hơn 10%.

Hiện nay, 88% người dân trong độ tuổi từ 15 đến 54 sử dụng điện thoại di động, trong đó 65% dân số dưới 24 tuổi và 50% dân số 25- 34 tuổi sử dụng để nghe nhạc. Trên 20% lớp trẻ dùng điện thoại di động để nghe radio và truy cập Internet.

Theo TNS Media Việt Nam, với sự phát triên nhanh chóng của công nghệ và giá của điện thoại thông minh ngày càng rẻ thì điện thoại di động sẽ nhanh chóng trở thành thiết bị đa phương tiện và có khả năng trở thành đối thủ của ti vi trong tương lai.

Đa số người dân các vùng trong cả nước cho rằng truyền hình là phương tiện cung cấp nhiều thông tin nhất.

Báo in được đánh giá đứng thứ hai ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi ở các vùng khác thì Internet đứng thứ hai.

Với giới trẻ ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, tỷ lệ sử dụng Internet có xu hướng gia tăng, và internet có khả năng cạnh tranh với truyền hình trong những năm tới trong khung giờ ngoài “giờ vàng” của truyền hình là từ 19-22 giờ./.

Hạnh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục