Tỷ giá: Điều chỉnh nhanh để can thiệp mạnh thị trường

Cùng với việc nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%/năm bắt đầu từ ngày 1/12, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng áp dụng từ ngày 26/11 là 17.961 VND/USD và áp dụng biên độ tỷ giá mới cho giao dịch mua bán giao ngay giữa USD và VND là ± 3%.

Đây là một trong những động thái được coi là khá cương quyết của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định thị trường ngoại hối, vốn đang là tâm điểm chú ý của doanh nghiệp, người dân trong những ngày gần đây.
Cùng với việc nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%/năm bắt đầu từ ngày 1/12/2009, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng áp dụng từ ngày 26/11/2009 là 17.961 VND/USD và áp dụng biên độ tỷ giá mới cho giao dịch mua bán giao ngay giữa USD và VND là ± 3%. Đây là một trong những động thái được coi là khá cương quyết của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định thị trường ngoại hối, vốn đang là tâm điểm chú ý của doanh nghiệp, người dân trong những ngày gần đây. Loại bỏ ngoại tệ "3 giá" Liên tục trong hai tháng qua, thị trường ngoại hối (ngoại tệ và vàng) liên tục có những biến động bất thường, gây tâm lý bất an trong dân và làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và ngân hàng. Trong khi giá vàng liên tục cản phá những "đỉnh" giá mới, thì trên thị trường tự do giá đôla Mỹ cũng đã lần đầu tiên ngấp nghé ngưỡng 20.000 đồng/USD. Trong thị trường ngân hàng, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng phản ánh khó tiếp cận với nguồn cung ngoại tệ và thường phải chịu một chi phí nhất định mới có thể mua lại được USD... Tại cuộc gặp gỡ báo chí trưa nay (25/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng thừa nhận có tồn tại tình trạng "3 giá" trên thị trường ngoại tệ. "Gần hai tháng nay tôi có biết thị trường đang tồn tại "3 giá": Giá một số mặt hàng được ưu tiên cung ứng từ Ngân hàng Nhà nước, thứ hai là giá môi giới (doanh nghiệp muốn mua thì ngân hàng "chỉ chỗ" và ăn phí hoa hồng-đây là cái vừa qua chúng tôi đã xử lý) và thứ ba là giá thị trường tự do." - Thống đốc nói. Vì vậy, theo Thống đốc, việc điều chỉnh tỷ giá và áp dụng biên độ mới trong giao dịch mua bán ngoại tệ lần này đã được tính toán dựa trên các chỉ số vĩ mô, các quan hệ đối với lãi suất, tỷ giá. "Bình thường chúng ta có điều chỉnh "nhanh" và điều chỉnh "mềm" thì tối qua Chính phủ đã quyết định chọn cách điều chỉnh nhanh, với thông điệp quyết tâm can thiệp thị trường mạnh mẽ hơn.” - Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh. Cùng với việc này, Thống đốc Giàu cũng cho biết, Thủ tướng dự định yêu cầu một số tập đoàn xuất khẩu đang nắm giữ lượng ngoại tệ lớn bán lại một phần cho ngân hàng. Ông cho rằng “những doanh nghiệp phù hợp nhất là những tổng công ty xuất tài nguyên đi”. Tuy nhiên, Thống đốc khẳng định việc này không giống với kết hối ngoại tệ. “Kết hối là có bao nhiêu ngoại tệ anh phải cho ngân hàng theo một tỷ lệ bắt buộc và ngân hàng không đảm bảo cho việc anh được mua lại. Còn đây chỉ là việc đề nghị bán lại một phần ngoại tệ chứ không phải bán vĩnh viễn và nguồn ngoại tệ đó của doanh nghiệp coi như được luân chuyển nhanh hơn trong nền kinh tế, khi cần mua lại thì anh cũng được tạo điều kiện dễ dàng hơn.” - Thống đốc Giàu dẫn giải.  Nhận định về các biện pháp này của Ngân hàng Nhà nước, một số chuyên gia cho rằng, đây là một hướng điều chỉnh để thị trường dễ gặp nhau hơn, nhưng cần phải theo dõi phản ứng của thị trường trong thời gian tới. "Liều lượng thuốc có đủ không thì phải chờ phản ứng của "cơ thể". Cùng với đó, cung-cầu ngoại tệ phải được đáp ứng thì thị trường mới không bị bóp méo..." - ông Đỗ Ngọc Quỳnh-Phó Ban Quản lý Nguồn vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói. Theo ông Quỳnh, vấn đề chính hiện nay là cung-cầu ngoại hối trên thị trường đang bị bóp méo và dòng tiền không chạy theo bình thường. Bởi, nếu bình thường thì những nguồn thu về từ xuất khẩu, kiều hối, đầu tư nước ngoài... về cơ bản là phải chuyển hết ra Việt Nam đồng (VND) để giải quyết nhu cầu chi tiêu trong nước. Như vậy, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ mua được ngay ngoại tệ để thanh toán cho việc nhập khẩu nguyên liệu, máy móc... Thế nhưng, hiện nay những doanh nghiệp xuất khẩu và người nhận kiều hối lại không bán ngoại tệ cho ngân hàng mà giữ lại, vì thế dòng tiền đã bị "chốt lại", không lưu thông trên thị trường. "Chính vì vậy, biện pháp để dòng tiền lưu thông là 'ép' phải bán, nhưng lại không phải là mọi đối tượng mà chỉ là một nhóm nhất định (ở đây là các tập đoàn lớn-PV) và không định lượng được cụ thể là bao nhiêu thì liệu có thể đáp ứng được thị trường hay không?" - ông Quỳnh băn khoăn. Mặt khác, chưa kể đến là đối với người làm chính sách tốt thì phải có dữ liệu thống kê tốt để đưa ra "liều lượng" cho phù hợp. Nhưng cái khó hiện nay của chúng ta là cái số liệu thống kê lại chưa tốt, chưa phản ánh sát với tình hình thực tế. Sàn vàng sẽ bị "khép lại" Liên quan đến giá vàng, Thống đốc cho hay, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã cấp quota cho 11 doanh nghiệp (trong đó có 3 doanh nghiệp không phải là ngân hàng) được nhập khẩu 10 tấn vàng về để đáp ứng nhu cầu trong nước. "Tôi được biết các doanh nghiệp hiện đã nhập về 6,8 tấn và vì thế giá vàng trong nước đã bớt căng thẳng hơn, nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục theo dõi để có những biện pháp thích hợp để can thiệp." - ông Giàu cho hay. Trước thực trạng, giá vàng trong nước hiện cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới (khoảng 3 triệu đồng/lượng) và có thông tin một doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng phải đi thu gom ngoại tệ trên thị trường tự do để nhập khẩu, Thống đốc cho biết sẽ thẩm tra lại thông tin và sẽ có biện pháp thu hồi quota của doanh nghiệp đó, nếu xét thấy doanh nghiệp không đủ năng lực về nguồn ngoại tệ. Về hoạt động của các sàn vàng, ông Giàu cũng khẳng định: Việc kinh doanh vàng hiện nay và việc giá vàng tăng không tạo ra của cải vật chất cho xã hội, không thu hút lao động hay tạo ra lợi ích khác mà chỉ là sự đầu cơ ăn chênh lệch. Vì chúng ta đến nay chưa có văn bản nào điều tiết sàn vàng nên xu hướng sắp tới sẽ phải xem xét việc “khép lại”.  Ông Giàu cho rằng vẫn cần có các biện pháp mạnh hơn đối với thị trường vàng và ngoại tệ tự do.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá và biên độ lần này cũng đồng nghĩa với nghĩa vụ trả nợ quốc gia sẽ tăng lên, nhưng nếu ta điều hành nền kinh tế ổn định thì đến thời điểm nào đó sẽ giảm xuống. Đối với các doanh nghiệp đang vay ngoại tệ với bình quân lãi suất 5,5% hiện nay khi  điều chỉnh sẽ khiến lãi suất lên 5,7%.

Song, ông cũng cho hay, việc này sẽ có lợi vì hỗ trợ xuất khẩu và giúp hạn chế nhập siêu.

Về tác động của việc điều chỉnh này với cán cân thanh toán, Thống đốc Giàu cho biết cán cân thanh toán năm nay được dự báo thâm hụt khoảng 1,9 tỷ đô la Mỹ và tình hình có thể cải thiện nếu kiều hối cuối năm về nhiều.

Về ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, Thống đốc Giàu cho rằng sự chuyển dịch vốn từ thị trường này đến thị trường khác là điều tất yếu. Mục tiêu lớn nhất của chính sách là lợi ích xã hội hài hòa giữa các thị trường chứ không phải riêng một thị trường nào./.
Anh Quân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục