Tỷ lệ người mù của Indonesia cao thứ hai thế giới

Quốc gia quần đảo Indonesia có tới trên 3,5 triệu người bị mù, tương đương khoảng 1,5% dân số, tỷ lệ cao thứ hai trên thế giới.
Tiến sỹ Hikmat Wangsaatmadja, Giám đốc Bệnh viện Mắt Cicendo ở Bandung, tỉnh West Java, Indonesia cho biết quốc gia quần đảo này có tới trên 3,5 triệu người bị mù, tương đương khoảng 1,5% dân số, tỷ lệ cao thứ hai thế giới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới hiện nay có khoảng 45 triệu người bị mù, 135 triệu người đang phải chịu các vấn đề về thị lực, và 90% trong số này là ở các nước đang phát triển.

Tiến sỹ Hikmat Wangsaatmadja nhấn mạnh rằng mù là một trong những yếu tố góp phần làm giảm năng suất, dẫn đến các vấn đề kinh tế và xã hội. Vì vậy với tỷ lệ 1,5% dân số bị mù thì đây không còn là vấn đề sức khỏe mà là vấn đề xã hội của Indonesia. Nếu cứ tính một người mù sẽ ảnh hưởng đến 2 người thân xung quanh thì thiệt hại về vật chất do bệnh mù đem lại cho xã hội, chưa kể đến khía cạnh tinh thần, là rất lớn. Điều này đòi hỏi Indonesia nói riêng và thế giới nói chung cần quan tâm đúng mức đến việc giảm thiểu tỷ lệ mù lòa trong người dân, nhất là người nghèo và các vùng xa xôi hẻo lánh.

Trong khuôn khổ nỗ lực giảm tỷ lệ mù lòa, Chính phủ Indonesia đã tích cực tham gia chương trình "Tầm nhìn 2020" do Tổ chức Y tế Thế giới phát động, và mới đây đã tổ chức một cuộc hội thảo chuyên đề với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế nhằm xây dựng “Chương trình quốc gia phòng chống mù lòa” cho giai đoạn 2013-2015. Chương trình này sẽ được Bộ Y tế Indonesia chính thức công bố sau khi thành lập Ủy ban Quốc gia về bệnh mù lòa.

Tiến sỹ Hikmat Wangsaatmadja nói rằng mục tiêu phấn đấu của Indonesia ít nhất cũng phải bằng, nếu không cao hơn so với mục tiêu của WHO đưa ra trong "Tầm nhìn 2020,” giảm tỷ lệ mù lòa xuống 0,5% dân số trên phạm vi toàn thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Indonesia, Ali Ghufron Mukti cho biết 80% trong số 3,5 triệu người mù ở Indonesia là do đục thủy tinh thể đục. Bệnh mù vì đục thủy tinh thể có thể chữa được, song đáng tiếc là nhiều người dân không biết điều này, hoặc không đủ khả năng tài chính để chữa trị.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác gây mù như bệnh tăng nhãn áp, rối loạn khúc xạ và các bệnh khác liên quan đến tuổi già. Chính phủ Indonesia vì vậy đang cố gắng tiến tới cung cấp bảo hiểm y tế cho tất cả người nghèo và người có thu nhập thấp./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục