Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao thách thức nhà tuyển dụng ngành bán lẻ

Các vấn đề về văn hóa doanh nghiệp đang là nguyên nhân hàng đầu khiến tỷ lệ nhân viên ngành bán lẻ nghỉ việc khá cao, thế nhưng nhiều nhà tuyển dụng trong ngành vẫn còn coi nhẹ vấn đề này.
Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao thách thức nhà tuyển dụng ngành bán lẻ ảnh 1Tỷ lệ nhân viên ngành bán lẻ nghỉ việc cao. (Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN)

Các vấn đề về văn hóa doanh nghiệp đang là nguyên nhân hàng đầu khiến tỷ lệ nhân viên ngành bán lẻ nghỉ việc cao nhưng nhiều nhà tuyển dụng trong ngành vẫn còn coi nhẹ vấn đề này.

[Nhận lương trăm triệu vẫn không hài lòng về chính sách nhân sự]

Đây là thông tin được đưa ra trong Báo cáo nhân sự ngành Bán lẻ với những thách thức hiện tại và trong 5 năm tới do Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group vừa công bố ngày 2/10.

Tỷ lệ nghỉ việc cao

Theo kết quả khảo sát của Navigos Group tại trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks và công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, ngành bán lẻ từ trước tới nay vẫn có sức hút rất lớn đối với ứng viên do tính chất công việc luôn đòi hỏi sáng tạo và cực kỳ năng động. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà nhà tuyển dụng trong ngành này phải đối mặt là tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao.

Chia sẻ cụ thể về thách thức lớn nhất này, 28% nhà tuyển dụng cho rằng ứng viên không cam kết lâu dài và thường xuyên thay đổi công việc. Có tới 49% nhà tuyển dụng cho biết, các ứng viên trong ngành này hay dao động khi đối thủ cùng ngành tiếp cận và mời họ làm việc. Thách thức này của nhà tuyển dụng cũng tương đồng với sự phản ánh từ phía ứng viên cho thấy, có 60% ứng viên tham gia khảo sát chia sẻ, thời gian làm việc trung bình tại một công ty của họ chỉ từ 2-3 năm.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của Navigos Search chi biết, theo kết quả của khảo sát ghi nhận khoảng cách giữa nhà tuyển dụng và ứng viên trong mối quan tâm về văn hóa doanh nghiệp. Có đến 99% ứng viên ngành bán lẻ tham gia khảo sát cho biết họ quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp thông qua môi trường làm việc (30%), yếu tố con người (33%), tầm nhìn của doanh nghiệp (29%).

“Trong khi đó, ở phía doanh nghiệp, mặc dù có 51% nhà tuyển dụng coi sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp là yếu tố bắt buộc khi tuyển dụng nhưng cũng có tới 40% nhà tuyển dụng còn lại cho biết việc ứng viên chưa phù hợp văn hóa doanh nghiệp cũng không phải là vấn đề lớn,” bà Nguyễn Phương Mai nói.

Liên quan đến yếu tố văn hóa doanh nghiệp, khi được hỏi lý do chuyển việc gần đây nhất của ứng viên tham gia khảo sát, vượt trên cả lý do lương thưởng không như ý (22%), việc thăng tiến chậm hoặc không có (16%) thì có tới 29% các ứng viên cho biết việc không phù hợp với phong cách của người quản lý trực tiếp là lý do hàng đầu khiến họ nghỉ việc nhiều nhất.

Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao thách thức nhà tuyển dụng ngành bán lẻ ảnh 2Các ứng viên quan tâm nhiều đến văn hóa doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: TTVN)

Cũng liên quan trực tiếp đến người quản lý, 40% ứng viên trả lời rằng họ cảm thấy rất khó khăn nếu chuyển sang một doanh nghiệp mới (cùng ngành hoặc khác ngành) nếu họ không phù hợp với phong cách của người quản lý trực tiếp. Chính vì vậy, việc cân nhắc đến sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của ứng viên đặc biệt quan trọng, ứng viên sẽ lựa chọn các doanh nghiệp mà họ thấy phù hợp nhất để gắn bó và phát triển.

“Mỗi doanh nghiệp đều có nét văn hóa riêng, tuy nhiên, nhằm giảm thiểu tỷ lệ chuyển việc, doanh nghiệp cần chú trọng vào hai yếu tố là phát triển một đội ngũ lãnh đạo với kỹ năng quản lý con người và thường xuyên cung cấp những khóa đào tạo để phát triển nguồn nhân lực,” bà Nguyễn Phương Mai lưu ý.


Ứng viên nước ngoài là đối thủ “đáng gờm”

Sự dịch chuyển lao động trong khu vực dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ ứng viên nước ngoài. 50% nhà tuyển dụng cho biết hiện nay họ có chính sách tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao nước ngoài. Về phía ứng viên, 46% cho rằng công việc của họ đang gặp phải sự cạnh tranh từ ứng viên nước ngoài.

Chia sẻ về năng lực của ứng viên nước ngoài, 33% ứng viên tham gia khảo sát cho rằng ứng viên từ châu Âu giỏi nhất trong ngành bán lẻ; 26% đánh giá cao năng lực của ứng viên đến từ Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc); 22% nghĩ rằng ứng viên thuộc khu vực Đông Nam Á là giỏi nhất trong ngành này.

Bên cạnh đó, xu hướng số hóa trong các hoạt động kinh doanh của ngành bán lẻ cũng ảnh hưởng đến mức độ chênh lệch trong việc trả lương cho ứng viên. Nhà tuyển dụng cho rằng họ sẵn sàng trả lương cho ứng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce) cao hơn ứng viên không có kinh nghiệm trong mảng này, 37% cho biết họ trả lương cao hơn từ 10-20%; 5% nhà tuyển dụng trả cao hơn từ 21-30%.

Bà Nguyễn Phương Mai nhận định: “Do lĩnh vực thương mại điện tử còn khá mới với thị trường Việt Nam nên có đến gần một nửa ứng viên (48%) tham gia khảo sát không có kinh nghiệm trong mảng này. Gần một nửa còn lại (46%) cho biết họ có một vài năm kinh nghiệm và 6% cho biết họ có nhiều năm kinh nghiệm về thương mại điện tử.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục