Tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS

Giao dịch thanh toán không tiền mặt qua hệ thống NAPAS tiếp tục tăng mạnh trong năm qua, đặc biệt giao dịch rút tiền mặt của người dân tiếp tục giảm.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 11/1/2024, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã tổ chức "Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024" tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống NAPAS, thúc đẩy sự tăng trưởng chung của toàn ngành.

Theo đó, tổng số lượng giao dịch của hệ thống NAPAS tăng hơn 52% và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 12% so với năm 2022. Riêng giao dịch trên ATM tiếp tục giảm 16,9% về số lượng giao dịch và 19,5% về giá trị giao dịch, đến nay tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS. Con số trên phản ánh rõ nét nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển tiền nhanh NAPAS 247, thanh toán quét mã QR.

Với việc xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tổ chức vận hành hạ tầng chuyển mạch bù trừ an toàn, ổn định và thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và hỗ trợ hoạt động kinh tế, trong năm qua, NAPAS đã triển khai các giải pháp tăng cường năng lực xử lý của hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn kể cả trong các thời gian cao điểm với số lượng giao dịch có sự tăng cao (hơn 27 triệu/ngày). Chỉ số cam kết chất lượng dịch vụ (SLA) đối với các dịch vụ chuyển mạch ATM/POS, thanh toán thẻ trực tuyến và dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 trong năm 2023 đều đạt 99,98%.

Đối với các giai đoạn cao điểm như dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán, NAPAS luôn chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng về hệ thống và nguồn lực; xây dựng phương án, kịch bản ứng cứu sự cố và dự phòng cho các hệ thống thông tin quan trọng; tăng cường nhân sự liên tục trực 24/7 để sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng, trung gian thanh toán và doanh nghiệp.

Bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tổ chức thành viên trong triển khai sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, NAPAS tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, đặc biệt tập trung vào các giao dịch thanh toán nhỏ lẻ (dưới 1 triệu đồng), thanh toán dịch vụ công. Tổng phí đã giảm trong năm 2023 ước đạt 757 tỷ đồng. Trong số đó, tỷ lệ giao dịch miễn phí qua hệ thống chuyển mạch chiếm gần 65% tổng giao dịch xử lý của hệ thống NAPAS.

vietqr2-5332.jpg
Tổng số lượng giao dịch của hệ thống NAPAS tăng hơn 52%. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh chỉ số chất lượng dịch vụ đạt 99,98% đã thể hiện nỗ lực của NAPAS trong tổ chức vận hành hạ tầng chuyển mạch và bù trừ an toàn, ổn định và thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh số lượng giao dịch qua hệ thống hiện nay tăng trưởng mạnh mẽ gấp 10 lần trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng đánh giá điểm sáng trong hoạt động của NAPAS năm 2023 là việc triển khai kết nối thanh toán dịch vụ công qua phương thức điện tử tới nhiều bộ, ngành, địa phương. Đến nay, cổng thanh toán dịch vụ công đã được hỗ trợ đầy đủ các hình thức thanh toán qua thẻ, tài khoản, mã QR.

Trong năm 2024, Phó Thống đốc đề nghị NAPAS tăng cường giám sát, đảm bảo hoạt động liên tục, an ninh, an toàn hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; tiếp tục kế hoạch triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công, hành chính công, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và tiếp tục xem xét áp dụng chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng đề nghị NAPAS tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo chương trình kết nối thanh toán song phương qua mã QR giữa Việt Nam và các quốc gia theo phân công của Ngân hàng Nhà nước. Phối hợp với các đơn vị liên quan trao đổi thông tin, ngăn ngừa, phát hiện, phòng, chống tội phạm trong hoạt động thanh toán và tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng liên quan, nâng cao sự chủ động và giải pháp kỹ thuật để đóng góp và hỗ trợ tốt hơn vào công tác phòng chống rửa tiền./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục