UAE thiết lập cầu hàng không cứu trợ người tị nạn Rohingya

Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc hỗ trợ người tị nạn Rohingya ở Myanmar chạy sang Bangladesh lánh nạn, UAE đã thiết lập cầu hàng không để cung cấp hàng cứu trợ khẩn cấp.
UAE thiết lập cầu hàng không cứu trợ người tị nạn Rohingya ảnh 1Người tị nạn Hồi giáo Rohingya trên đường tới lánh nạn tại trại tị nạn Nayapara, Bangladesh ngày 3/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người tị nạn Rohingya ở Myanmar chạy sang Bangladesh lánh nạn, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã thiết lập cầu hàng không để cung cấp hàng cứu trợ khẩn cấp.

Ngày 3/10, hãng tin WAM cho biết chuyến hàng viện trợ đầu tiên đã cất cánh ngày 2/10 và dự kiến trong các ngày 11, 13 và 15/10 tới sẽ có những chuyến hàng tiếp theo, mang theo hàng trăm tấn hàng hóa cứu trợ, gồm lều bạt, lương thực và nước uống phục vụ hơn 8.000 người tị nạn.

Tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo người dân Myanmar đi lánh nạn có Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Lưỡi liềm đỏ UAE, Tổ chức Di cư quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua Kho hàng Dự trữ phản ứng nhân đạo của Liên hợp quốc ở Dubai.

[Liên hợp quốc hoan nghênh việc Myanmar tổ chức thị sát bang Rakhine]

Tính đến nay, đã có hơn 270 tấn hàng cứu trợ đã được đưa đến Bangladesh và con số này tiếp tục tăng lên.

Trong tháng 9 vừa qua, gần một nửa triệu người tị nạn Rohingya đã chạy sang Bangladesh do bạo lực leo thang tại bang Rakhine, miền Bắc Myanmar giáp giới Bangladesh. Các tổ chức quốc tế đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ tại đây. Liên quan vấn đề này, Bangladesh và Myanmar đã nhất trí thành lập một nhóm làm việc chung về hồi hương người tị nạn.

Bạo động bùng phát tại bang Rakhine từ cuối tháng 8 vừa qua trong bối cảnh quân đội Myanmar phát động các chiến dịch truy quét các phần tử tấn công các trạm kiểm soát biên giới. Giới chức Myanmar cáo buộc các tay súng tấn công là thành viên lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang nhỏ sắc tộc Rohingya hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước. Bạo lực khiến hơn 100 người thiệt mạng và nhiều người khác phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục