Liên hợp quốc hoan nghênh việc Myanmar tổ chức thị sát bang Rakhine

Liên hợp quốc mong muốn củng cố lòng tin và hợp tác với mọi nhóm sắc tộc và chính phủ Myanmar, bởi điều này "có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vấn đề gốc rễ."
Liên hợp quốc hoan nghênh việc Myanmar tổ chức thị sát bang Rakhine ảnh 1Người dân tại làng Pan Taw Pyin, Maungdaw, bang Rakhine, Myanmar ngày 27/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 2/10, Liên hợp quốc đã hoan nghênh việc chính phủ Myanmar tổ chức một chuyến thăm cho 3 đại diện của Liên hợp quốc tới bang miền Bắc Rakhine, nơi đang diễn ra cuộc di cư quy mô lớn của người Hồi giáo Rohingya do xung đột dữ dội tại đây, khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Farhan Haq, phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cho biết "đây là một bước đi tích cực" và đại diện Liên hợp quốc tại Myanmar tin rằng nó có thể giúp cho những nỗ lực của cơ quan này trong việc tìm hiểu cách thức Liên hợp quốc hợp tác với nhà chức trách Myanmar để giảm nhẹ tình hình khó khăn tại Rakhine.

Theo ông Haq, Liên hợp quốc mong muốn củng cố lòng tin và hợp tác với mọi nhóm sắc tộc và chính phủ Myanmar, bởi điều này "có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vấn đề gốc rễ và tạo ra con đường bền vững hướng đến hòa bình và thịnh vượng cho mọi người dân" ở bang Rakhine, bất kể sắc tộc, tôn giáo hay quy chế công dân. Ông cũng cho biết hiện Liên hợp quốc đang chờ báo cáo từ thực địa và sẵn sàng hỗ trợ nhà chức trách Myanmar đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo và nhân quyền ở Rakhine hiện nay.

[Myanmar phát hiện mộ tập thể do phiến quân người Rohingya sát hại]

Trước đó cùng ngày, đại diện chính phủ Myanmar cùng các nhà ngoại giao nước ngoài, đại diện các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, và giới truyền thông đã tới thị sát 3 khu vực khác nhau ở Rakhine. Đoàn đã tới thành phố Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, trước khi chia thành 3 nhóm để tới thăm nhiều ngôi làng và cơ quan hành chính huyện Maungtaw.

Tại các điểm đến, thành viên trong đoàn đã được nghe dân làng, giới chức địa phương thông báo về tình hình tại đây kể từ tháng 8 - thời điểm xung đột nổ ra, khiến nửa triệu người Rohingya phải tị nạn sang Bangladesh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục