Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố báo cáo "Gắn kết hệ thống tài chính trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để phát triển bền vững", trong đó nhấn mạnh đến sự cần thiết đầu tư 2.500 tỷ USD mỗi năm vào các hoạt động kinh tế xanh nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong khu vực.
Báo cáo cho thấy việc điều chỉnh luồng tài chính hướng tới hoạt động kinh tế xanh, hiệu quả và toàn diện ở châu Á-Thái Bình Dương, tránh các hoạt động gây ô nhiễm và ngốn nhiều tài nguyên, là rất quan trọng để giúp khu vực tăng trưởng bền vững, hướng tới sự thịnh vượng trong tương lai.
Là ngôi nhà của hơn một nửa dân số thế giới, nhưng lại có ít hơn một nửa nguồn tài nguyên, khu vực châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc nhiều vào chất lượng của môi trường thiên nhiên để đạt được sự phát triển kinh tế thịnh vượng, bền vững.
Trong khi đó, nguồn tài nguyên - bao gồm cả các nguồn tài nguyên không tái tạo, rừng, đất nông nghiệp và thủy sản - đang suy giảm trên toàn khu vực, và đã bị thu hẹp từ 1/3 đến 1/2 ở hầu hết các nước trong khu vực trong vòng 5 năm qua.
Để có thể thu hẹp khoảng cách các dịch vụ, cơ sở hạ tầng cơ bản và bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần đầu tư hàng năm 2.500 tỷ USD, chưa bằng 1/3 số tiền 8.400 tỷ USD bỏ ra để cứu trợ các công dân của khu vực này riêng trong năm 2012.
Châu Á-Thái Bình Dương có một lịch sử lâu dài trong các hoạt động cho vay và đầu tư có định hướng, mà từ đó có thể gắn kết với các mục tiêu phát triển bền vững.
Các chính phủ trong khu vực đã thành lập "khu vực cho vay ưu tiên" như là một công cụ chính sách quan trọng để cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng cho các lĩnh vực như nông nghiệp, hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chẳng hạn Ấn Độ yêu cầu các ngân hàng phải dành 40% các khoản vay cho các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm nông nghiệp, các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Malaysia và Việt Nam thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên.
Với 1,6 tỷ người vẫn sống trong cảnh nghèo đói và 800 triệu người không có điện để sử dụng, châu Á-Thái Bình Dương phải đối mặt với nhu cầu cấp thiết để huy động vốn đầu tư nhằm tạo việc làm cho dân số trẻ và đang phát triển, đồng thời thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng và xây dựng một cuộc sống có chất lượng./.