UNESCO giúp Mali phục hồi, bảo tồn di sản phi vật thể

UNESCO ngày 29/10 thông qua khoản viện trợ khẩn cấp hơn 300.000 USD để giúp Mali thống kê và phục hồi kho tàng di sản phi vật thể.

Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 29/10 đã thông qua khoản viện trợ khẩn cấp hơn 300.000 USD để giúp Mali thống kê và phục hồi kho tàng di sản phi vật thể.

Dự án này bao gồm việc thống kê số di sản phi vật thể trên toàn lãnh thổ Mali và được tiến hành theo hai giai đoạn, với mỗi giai đoạn kéo dài 12 tháng. Giai đoạn đầu sẽ được thực hiện ở Gao, Tombouctou, Kidal ở phái Bắc Algeria và Mopti ở Trung Algeria là những vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất do cuộc xung đột vũ trang và đã bị chiếm đóng trong cuộc nổi dậy của người Touareg và các nhóm Hồi giáo vũ trang.

Trong giai đoạn hai, dự án sẽ được mở rộng xuống bốn vùng ở miền Nam gồm Kayes, Koulikoro, Ségou và Sikasso. Ngoài ra, UNESCO sẽ giúp đào tạo chuyên ngành cho 190 cán bộ bảo tồn bảo tàng Mali cũng như thực hiện hai vở kịch, quay một cuốn phim tài liệu và xây dựng một chương trình phát thanh phục vụ công tác tuyên truyền và bảo tồn.

Sau chuyến đi thị sát vào đầu tháng Bảy vừa qua tại Bắc Mali, một phái bộ của UNESCO khẳng định thiệt hại do quân nổi dậy Touareg và nhóm Hồi giáo vũ trang gây ra đối với di sản văn hóa trong vùng là rất đáng lo ngại.

Từ tháng 7/2012 cho đến khi quân Pháp chiếm lại các thành phố ở miền Bắc Mali vào tháng Một năm nay, các nhóm Hồi giáo cực đoan đã phá hủy nhiều di tích lịch sử, 14 trong tổng số 16 lăng tẩm và thư viện, với lý do các di sản này không phù hợp với nhãn quan Hồi giáo.

Bộ Văn hóa Mali đánh giá trong tổng số 300.000 cuốn sách viết tay được thống kê, khoảng 3.000 cuốn đã bị phá hủy hoàn toàn; chưa tính tới hơn 4.200 cuốn ở Trung tâm nghiên cứu Ahmed Baba đã bị lấy đi; đồng thời cơ sở này còn bị nhóm Hồi giáo vũ trang phá hủy một phần trong thời gian chúng chiếm đóng.

Theo UNESCO, phải cần tới 11 triệu USD mới đủ để phục hồi số sách viết tay ở riêng thành phố Tombouctou. Sách viết tay là một kho báu văn hóa của Mali, có từ thời thành phố Tombouctou huyền thoại là thủ đô văn hóa và tinh thần của đạo Hồi ở châu Phi trong các thế kỷ 15 và 16.

Tại miền Bắc Mali, thành phố Tombouctou là một trung tâm văn hóa, tôn giáo và khoa học lớn của vùng Nam sa mạc Sahara và cũng là biểu tượng của thời kỳ hoàng kim của châu Phi dưới thời các đế chế Mali và Songhai từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 16./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục