UNICEF: Đa số Mục tiêu SDG liên quan trẻ em bị chệch lộ trình

UNICEF nêu rõ để đạt các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến trẻ em, lãnh đạo các nước phải đi đầu về bảo vệ, đặt quyền lợi trẻ em làm trung tâm của các chính sách và kế hoạch ngân sách.
UNICEF: Đa số Mục tiêu SDG liên quan trẻ em bị chệch lộ trình ảnh 1Trẻ em xếp hàng nhận lương thực cứu trợ tại tỉnh Aleppo, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố báo cáo mới cho thấy chỉ có 1/3 trong nhóm các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) có liên quan tới trẻ em đang được triển khai đúng lộ trình đề ra.

Trong Báo cáo "Tiến bộ về Phúc lợi Trẻ em: Đặt Quyền lợi Trẻ em làm Trọng tâm Chương trình Nghị sự 2030," UNICEF cho biết đến nay, nửa hành trình thực hiện chương trình nghị sự đã trôi qua nhưng mới chỉ có 6% tổng số trẻ em trên thế giới (khoảng 150 triệu em) sinh sống ở 11 quốc gia đạt được 50% các SDG được đặt ra liên quan nhóm dân số non trẻ này.

Theo báo cáo, nếu tốc độ tiến bộ vẫn duy trì ở mức dự kiến thì đến năm 2030, chỉ có 60 quốc gia (với 25% tổng số trẻ em trên thế giới) đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đề ra. Điều này đồng nghĩa rằng 1,9 tỷ trẻ em ở 140 quốc gia khác bị bỏ lại phía sau.

Tính trên toàn cầu, trong số 48 Mục tiêu Phát triển Bền vững có liên quan đến trẻ em, 33% đang được thực hiện đúng lộ trình là đạt 50% mức mục tiêu đề ra, trong khi 19% chệch lộ trình (chưa đạt đến 50% mức mục tiêu đề ra) và 48% còn lại không đủ dữ liệu để đánh giá.

Trong nhóm các nước thu nhập cao, 36% được đánh giá đi đúng lộ trình, 8% chệch lộ trình. Trong khi đó, ở nhóm các nước thu nhập thấp, chỉ có 19% đúng lộ trình trong khi 37% chệch lộ trình.

Nhìn chung trên toàn cầu, tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm đáng kể, khoảng 59% kể từ năm 2000. Về tiêm chủng phòng bệnh, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng đã tăng đều từ năm 2000.

[Tổng thư ký LHQ kêu gọi giải cứu các mục tiêu phát triển bền vững]

Trong khi hầu hết các quốc gia đều đạt tiến bộ trong các tiêu chí như tỷ lệ học hết tiểu học, tỷ lệ thất học mới chỉ giảm ở 10% số các nước thành viên trong giai đoạn từ 2015-2020.

Bên cạnh đó, ít nhất 33% các nước báo cáo suy giảm trình độ học tập và chất lượng đào tạo giáo viên bậc mầm non và tiểu học.

Giám đốc điều hành UNICEF, Catherine Russell, nêu rõ 7 năm trước, thế giới đã cam kết xóa nghèo, đói và bất bình đẳng, đảm bảo mọi người, đặc biệt là trẻ em, được tiếp cận những dịch vụ cơ bản chất lượng. Dù vậy, đến nay, thời gian biến những cam kết phát triển bền vững thành hiện thực không còn nhiều, những hậu quả của sự chậm trễ này phản ánh trên chính cuộc sống của trẻ em và sự bền vững của Trái Đất.

Do đó, các nước cần nhanh chóng trở lại lộ trình, bắt đầu bằng việc ưu tiên trẻ em trong mọi hành động nhằm đạt SDG.

Báo cáo được phát hành cùng thời điểm Hội nghị thượng đỉnh về SDG diễn ra tại New York bên lề Khóa họp 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc.

UNICEF kêu gọi các lãnh đạo đưa ra cam kết ở cấp độ quốc gia và đặt mục tiêu cao hơn, gắn liền với thực tế và có hành động phù hợp. Bà Russell nhấn mạnh 7 năm còn lại có thể chứng kiến nhiều điều. Các nước có thể làm mới và đặt lại trọng tâm cho các nỗ lực và kiến tạo một thế giới công bằng và lành mạnh hơn.

Để làm được điều đó, các lãnh đạo các nước phải đi đầu về bảo vệ trẻ em, đặt quyền lợi trẻ em làm trung tâm các chính sách trong nước và các kế hoạch ngân sách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục