Uống thuốc điều trị cảm cúm như thế nào cho nhanh khỏi và an toàn?

Nếu bệnh nhân bị cảm cúm có kèm theo triệu chứng ho nhiều, các cơn ho gây đau rát cổ họng, khó chịu, bác sỹ có thể sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng thêm thuốc trị ho.

(Nguồn: Getty images)
(Nguồn: Getty images)

Bệnh cúm là tình trạng viêm đường hô hấp cấp tính thường gặp, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Cảm cúm có biểu hiện đặc trưng như cơ thể mệt mỏi, hắt hơi, nhức đầu, đau mỏi toàn thân,… Những triệu chứng như chảy nước mũi, tức ngực, ít tiểu, khản tiếng thường xuất hiện ở giai đoạn sau của bệnh.

Virus cúm được chia thành các chủng A, B và C, trong đó chủng A và B là thường gặp nhất. Virus cúm khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ gây ra các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Trong điều kiện thuận lợi, bệnh có thể lây truyền từ người này sang người kia một cách dễ dàng.

Thời điểm giao mùa là lúc bệnh cúm bùng phát mạnh mẽ. Vì thế, bạn cần chủ động phòng ngừa cúm. Nếu chẳng may mắc bệnh, bạn nên tìm hiểu bị cúm uống thuốc gì và điều trị làm sao cho nhanh khỏi để mau chóng hồi phục, tránh nguy hiểm cho sức khỏe.

1. Khi bị cúm uống thuốc gì?

Cảm cúm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày. Vì thế nên nhiều người đã tìm mua các thuốc điều trị cảm cúm để khắc phục những khó chịu do tình trạng này gây ra. Vậy bị cảm cúm uống thuốc gì để nhanh khỏi?

Trước tiên, người bệnh cần uống oresol để bù điện giải, kèm theo sử dụng các thuốc dưới đây để hỗ trợ điều trị.

Thuốc hạ sốt

Một trong những triệu chứng cơ bản của cúm là sốt. Lúc này, cơ thể sẽ gia tăng nhiệt độ để chống lại sự tấn công của virus cúm, và bạn có thể dùng thuốc hạ sốt để hạ nhiệt cho cơ thể. Có thể kể đến những loại thuốc như paracetamol, ibuprofen hoặc naproxen.

Lưu ý, không sử dụng thuốc hạ sốt aspirin vì thuốc có thể gây tác dụng phụ không mong muốn (hội chứng Reye, rất hại cho não và gan). Tác dụng phụ này đặc biệt nghiêm trọng với trẻ dưới 19 tuổi.

ha sot2.jpg
(Nguồn: Getty images)

Thuốc trị ho

Nếu bệnh nhân bị cảm cúm có kèm theo triệu chứng ho, bác sỹ có thể sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng thêm thuốc trị ho. Bạn chỉ cần sử dụng thuốc ho nếu bị ho nhiều, các cơn ho gây đau rát cổ họng, khó chịu.

Đối với những người bị ho khan, có thể dùng thuốc chứa codein hoặc dextromethorphan. Còn nếu bị ho khan kèm biểu hiện nghẹt mũi, sổ mũi thì nên dùng thuốc có các thành phần atussin, decolgen, rhumenol,...

Với tình trạng ho khan, ho liên tục, kéo dài, đặc biệt là ho về đêm nhiều, các loại viên ngậm trị ho sẽ có tác dụng xoa dịu cơn đau họng, rát cổ, nhờ đó mà cắt giảm những cơn ho hiệu quả.

thuoc ho.jpg
(Nguồn: Getty images)

Thuốc xịt mũi

Để giảm bớt tình trạng sưng nề niêm mạc bên trong mũi, viêm xoang, bạn nên dùng các thuốc có công dụng co mạch. Các thuốc này thường được bào chế dưới dạng thuốc nhỏ mũi (naphazolin, xylometazolin,...) giúp co tĩnh mạch hang, co động mạch nhỏ, thúc đẩy tuần hoàn máu đi nơi khác nên các hốc xoang sẽ thông thoáng hơn.

Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng thuốc trong khoảng 3-5 ngày. Nếu dùng kéo dài có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn như đau đầu, phù nề niêm mạc, viêm mũi, giảm chức năng khứu giác,...

xsit mui.jpg
(Nguồn: Getty images)

Thuốc kháng virus

Trường hợp bị cúm lâu ngày và có nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm, bác sỹ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng virus. Lưu ý, thuốc chỉ được sử dụng theo yêu cầu của bác sỹ, bạn tuyệt đối không tự ý dùng.

Một số thuốc kháng virus có thể được chỉ định trong điều trị cảm cúm dạng nặng như Tamiflu được dùng cho bệnh nhân bị cúm do virus với biểu hiện bệnh trong vòng 48 giờ đầu tiên.

Ngoài ra, Tamiflu cũng phù hợp sử dụng cho những trường hợp bệnh nhân tiếp xúc với nguồn lây nhiễm nhưng chưa có triệu chứng. Không được tự ý dùng Tamiflu cho những người bị cảm lạnh thông thường. Nếu bạn bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu như đau cơ, sốt, nghẹt mũi, ớn lạnh, đau họng,... thì có thể bắt đầu dùng thuốc.

Trong trường hợp xảy ra các tác dụng phụ như khó thở, nổi mề đay, phát ban, sưng môi, lưỡi,... thì nên ngừng thuốc và đi khám ngay.

cam cum2.jpg
(Nguồn: Getty images)

Relenza là một loại thuốc phòng ngừa và điều trị cúm dạng hít, công dụng chính là giúp ngăn chặn enzyme neuraminidase do virus sản xuất ra. Loại enzyme này có khả năng khiến virus nhanh chóng lây lan trong cơ thể nên nếu kiểm soát được hoạt động của neuraminidase sẽ giúp làm giảm triệu chứng của cúm. Thuốc cũng có thể gây ra những phản ứng phụ là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, đau đầu.

Một số loại thuốc cũ như rimantadine và amantadine đã từng được cấp phép trong điều trị cúm A. Nhưng sau này do sự xuất hiện của nhiều chủng cúm mới có sức đề kháng mạnh với hai loại thuốc này nên hiện nay chúng gần như không còn được chỉ định để điều trị cúm.

2. Một số cách điều trị cúm tại nhà

Song song với uống thuốc đúng cách, bạn cũng cần áp dụng một số cách điều trị cúm tại nhà để bệnh nhanh khỏi.

Nghỉ ngơi thư giãn

Bạn hãy dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. Những việc này sẽ giúp hệ miễn dịch được cải thiện, nhờ đó mà cơ thể mau khỏe hơn.

Uống thật nhiều nước

Nếu bị cúm kéo theo nôn và tiêu chảy thì cơ thể sẽ bị mất nước nghiêm trọng. Lúc này, bạn cần bù nước cho cơ thể bằng cách uống thật nhiều nước (oresol, nước lọc, nước trái cây) và ăn nhiều thức ăn loãng (cháo, canh, súp, phở).

cam cum3.jpg

Mặc quần áo thoải mái

Khi bị sốt do cúm, bạn cần mặc quần thoáng mát, thoải mái để cơ thể tỏa nhiệt dễ hơn. Tuyệt đối không mặc đồ quá dày hay mặc nhiều lớp quần áo vì sẽ khiến cơ thể bí bách, ngột ngạt, toát nhiều mồ hôi và mồ hôi không thoát ra ngoài được mà thấm ngược vào cơ thể, càng khiến bệnh trầm trọng hơn.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân

Đây là việc làm quan trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân và cho cả mọi người xung quanh. Khi ho, hắt hơi, cần lấy tay che miệng và rửa tay ngay sau đó. Bạn cũng cần tắm rửa và súc miệng thường xuyên để cơ thể luôn sạch sẽ. Khi ra ngoài, nhất thiết phải đeo khẩu trang để vừa phòng ngừa ô nhiễm không khí, vừa tránh lây bệnh sang người khác.

Đối với nhà ở, đặc biệt là phòng ngủ, phải thường xuyên lau chùi, quét dọn để không gian luôn sạch sẽ, thoáng mát./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục