USAID hỗ trợ người dân Cần Thơ thích ứng biến đổi khí hậu

USAID ký thỏa thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hỗ trợ 50 triệu USD để giúp người dân Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển sinh kế.
USAID hỗ trợ người dân Cần Thơ thích ứng biến đổi khí hậu ảnh 1Đoàn công tác của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại buổi làm việc. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) quan tâm đến việc tăng cường hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng thay đổi nhằm đảm bảo nguồn sinh kế.

Đó là vấn đề mà bà Samantha Power, Giám đốc Toàn cầu USAID nêu tại buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ và các sở, ban ngành diễn ra trưa 9/3.

Nhận định biến đổi khí hậu tác động đến sinh kế, môi trường, cuộc sống con người, bà Samantha Power cho rằng khi chúng ta tìm cách tăng trưởng kinh tế, phát triển nông nghiệp và tăng cường thích ứng của ngành nông nghiệp thì phải đối mặt với khó khăn về lựa chọn vấn đề ưu tiên, tập trung vào giải quyết.

Vì nguồn lực hạn chế nên USAID quyết định ký thỏa thuận mới với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hỗ trợ 50 triệu USD để giải quyết khó khăn trên.

[Phát triển xây dựng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu ở ĐBSCL]

Ngoài ra, tại buổi làm việc, USAID cũng bày tỏ quan tâm hợp tác với thành phố Cần Thơ ở các hoạt động khác nhằm tăng cường hành động chống lại ô nhiễm rác thải nhựa, hỗ trợ những người bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu và lĩnh vực về y tế để chăm sóc sức khỏe người dân bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

USAID hỗ trợ người dân Cần Thơ thích ứng biến đổi khí hậu ảnh 2Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường tặng quà lưu niệm cho bà Samantha Power, Giám đốc Toàn cầu USAID. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Nhấn mạnh thành phố Cần Thơ ưu tiên hàng đầu đến những lĩnh vực USAID quan tâm như biến đổi khí hậu, y tế công và giáo dục ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho rằng gần đây, hàng loạt đập thủy điện ở nhiều nước trên thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Rõ nhất là tình trạng nước biển dâng. Theo dự đoán của các nhà khoa học, Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập sâu trong vài chục năm tới. Đây là vấn đề Cần Thơ cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rất quan tâm, để tìm cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình trạng xâm nhập mặn. Vì vậy, Cần Thơ mong muốn USAID quan tâm nghiên cứu hỗ trợ để địa phương và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng được với biến đổi khí hậu.

USAID hỗ trợ người dân Cần Thơ thích ứng biến đổi khí hậu ảnh 3Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cũng cho biết Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, xác định Cần Thơ là trung tâm về chính trị, văn hóa, quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là trung tâm về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, logistics.

Thực hiện Nghị quyết 59-NQ/TW là áp lực lớn đối với Cần Thơ bởi xuất phát điểm của thành phố thấp hơn so với các thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Thành phố Cần Thơ có tiềm năng, lợi thế, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Hạ tầng giao đường bộ có tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vẫn còn đoạn khoảng 40km chưa kết nối với thành phố Cần Thơ, do đó khi đi từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống Cần Thơ chỉ 170km nhưng phải mất 3 tiếng.

Giao thông đường thủy có hệ thống cảng có thể tiếp nhận tàu 20.000-30.000 tấn nhưng do luồng Định An bị bồi lấp nên chỉ những tàu tải trọng khoảng 5.000 tấn trở lại vào được, những tàu lớn hơn không vào được đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển logistics đường biển.

Vì vậy để xuất khẩu nông, thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (mỗi năm khoảng 20-23 triệu tấn), doanh nghiệp phải chở container lên thành phố Hồ Chí Minh, khiến giá logistics tăng.

Bên cạnh đó, Cần Thơ là địa phương duy nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sân bay quốc tế nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, chưa vận chuyển hàng hóa dẫn đến hạn chế trong vận chuyển nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm qua, Quốc hội ban hành Nghị quyết 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, trong đó, có cơ chế thành lập Trung tâm liên kết, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xã hội hóa nạo vét luồng Định An để có thể đón những con tàu tải trọng 10.000 tấn trở lên. Hiện, Bộ Giao thông đã mời gọi các nhà đầu tư.

Hai cơ chế này được triển khai thuận lợi sẽ là cơ hội lớn cho Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của cả vùng.

Cần Thơ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ USAID để triển khai các cơ chế này thuận lợi, hỗ trợ tốt nhất cho nông dân, doanh nghiệp chuyên sản xuất nông sản.

Trước những mong muốn hợp tác từ phía Cần Thơ, Giám đốc Toàn cầu USAID Samantha Power cho biết phía USAID có nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực Cần Thơ quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ địa phương phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục