USMCA vấp phải sự phản đối của nghiệp đoàn lao động lớn nhất nước Mỹ

Chủ tịch của Liên đoàn lao động AFL-CIO lớn nhất nước Mỹ đã phản đối việc phê chuẩn Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) do hoài nghi việc Mexico sẽ thực thi cải cách lao động theo hiệp định này.
USMCA vấp phải sự phản đối của nghiệp đoàn lao động lớn nhất nước Mỹ ảnh 1Quốc kỳ Canada, Mexico và Mỹ tại vòng 3 tái đàm phán NAFTA. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ông Richard Trumka, Chủ tịch của Liên đoàn lao động AFL-CIO lớn nhất nước Mỹ, ngày 23/4 đã phản đối việc phê chuẩn Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) do hoài nghi việc Mexico sẽ thực thi cải cách lao động theo hiệp định này.

Theo người đứng đầu của nghiệp đoàn lao động gồm 12,5 triệu thành viên này, Quốc hội Mỹ khó có thể phê chuẩn Hiệp định USMCA cho đến khi Mexico đạt được tiến bộ lớn hơn.

Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế ở thủ đô Washington, ông Richard Trumka nêu rõ: "Nếu họ thay đổi luật lao động theo hiệp định, thì họ phải cho chúng tôi thấy rằng họ có cơ sở hạ tầng và nguồn lực để có thể làm điều đó."

[Thỏa thuận NAFTA mới giữa Mỹ, Mexico và Canada gặp khó]

Trước đó, sau một năm thương lượng khó khăn, cuối tháng 9/2018, Mỹ, Mexico và Canada đã hoàn tất việc nâng cấp, hiện đại hóa Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Đến ngày 30/11/2018, lãnh đạo ba nước đã chính thức ký Hiệp định USMCA, phiên bản mới của NAFTA. Tổng thống Trump mô tả USMCA là một “thỏa thuận thương mại tuyệt vời,” thay thế cho phiên bản cũ hay một “thỏa thuận thương mại tồi nhất từ xưa đến nay.”

USMCA đã có những thay đổi kỹ thuật căn bản về các quy tắc sản xuất ôtô và xe tải, vấn đề mở cửa thị trường ngành công nghiệp sữa Canada, phạm vi trải rộng của tác quyền và quy tắc giải quyết tranh chấp... Hiệp định mới cũng yêu cầu Mexico phải cải cách sâu rộng luật lao động nước này.

Dự kiến, việc thông qua USMCA tại Quốc hội mỗi nước có thể kéo dài tới tháng 8/2019 và hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục