Ưu tiên tăng trưởng xanh trong phục hồi kinh tế

Liên hợp quốc cho rằng kinh tế toàn cầu vẫn mong manh và cần tập trung ưu tiên cho sự tăng trưởng xanh trong chiến lược phục hồi.
Ngày 21/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng hệ thống kinh tế toàn cầu hiện vẫn còn mong manh và yêu cầu các nước trong chiến lược phục hồi của mình cần tập trung ưu tiên cho sự phát triển, tăng trưởng xanh và nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất.

Trong thư gửi lãnh đạo các nước G-20 trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tại Canada, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế tại các nước trên thế giới là khác nhau.

Tại nhiều nước, sự phục hồi vẫn còn rất mong manh. Do đó, không thể có một giải pháp chung cho tất cả các nước. Cách tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển mạnh, bền vững và cân bằng là coi phát triển là ưu tiên hàng đầu và đầu tư cho sự phục hồi kinh tế xanh.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp cao, giá lương thực và hàng hóa tăng, cùng với việc bất bình đẳng vẫn tồn tại dai dẳng đã làm đói nghèo, bất ổn xã hội gia tăng. Do đó, hơn bao giờ hết, việc đầu tư cho các đối tượng nghèo nhất của thế giới trở thành một nhu cầu cấp thiết để có thể tiếp tục theo đuổi các mục tiêu phát triển, trong đó có các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, ông ủng hộ những hỗ trợ cho các sáng kiến nhằm duy trì sự phục hồi, đồng thời tăng cường sự ổn định kinh tế toàn cầu, sự bền vững về môi trường và đạt được MDGs.

Ông cũng hoan nghệnh ý định của G-20 nhằm mở rộng trọng tâm của mình, bao gồm cả sự phát triển trong những tháng tới và tại Hội nghị thượng đỉnh ở Seoul, Hàn Quốc vào tháng 11/2010.

Ông Ban Ki-moon cho rằng, cách tiếp cận như thế có thể giúp giải quyết vấn đề an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo vấn đề tạo việc làm.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng công bố bản báo cáo "Tiếng nói của những người dễ tổn thương" cho thấy những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Các số liệu của báo cáo cho thấy rằng dù ở các nước kinh tế đã phục hồi, đang phát triển trở lại thì những tác động của cuộc khủng hoảng đối với các hộ gia đình vẫn rất lớn. Các tác động tức thì có vẻ không lớn, nhưng nó có nguy cơ tác động đến tiềm năng phát triển trong dài hạn.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon sẽ triệu tập Hội nghị thượng đỉnh tại New York vào tháng Chín tới để các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra các cam kết hành động cụ thể nhằm đạt MDGs vào năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục