Vắcxin của AstraZeneca và vắcxin Sputnik V được nhiều nước sử dụng

Vắcxin Sputnik V hiện đã được cấp phép sử dụng tại Serbia, Guinea, Venezuela, Serbia, Argentia và vùng lãnh thổ Palestine trong khi Kuwait, Mexico sử dụng vắcxin của AstraZeneca.
Logo của Công ty dược AstraZeneca tại trụ sở ở Luton, Anh. (Ảnh: THX/TTXVN)
Logo của Công ty dược AstraZeneca tại trụ sở ở Luton, Anh. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Y tế Kuwait ngày 29/1 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca (Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) phối hợp phát triển.

Theo giới chức của Bộ Y tế, việc cấp phép trên nhằm hỗ trợ cơ quan chức năng nước này sớm triển khai chương trình tiêm chủng sau khi tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên của AstraZeneca, dự kiến sẽ tới Kuwait trong vài ngày tới.

Cùng ngày, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đã cấp phép sử dụng loại vắcxin này kèm khuyến cáo sử dụng mọi người trên 18 tuổi, bất chấp nhiều nước nghi ngại về hiệu quả của loại vắcxin này đối với người trên 65 tuổi.

Ủy ban Vắcxin của Viện Robert Koch (STIKO) của Đức cũng khuyến cáo chỉ nên tiêm vắcxin của AstraZeneca cho người dưới 65 tuổi, viện dẫn lý do chưa có đầy đủ số liệu để đánh giá hiệu quả của vắcxin đối với người trên 65 tuổi.

Trong khi đó, AstraZeneca đã bác bỏ thông tin cho rằng vắcxin của hãng này không hiệu quả với người trên 65 tuổi.

Tổng thống Mexico, Andres Orbrador ngày 29/1 công bố kế hoạch trong tháng Hai tới nhập khẩu 870.000 liều vắcxin của hãng AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ.

Hiện, Mexico và Argentina có hợp đồng sản xuất vắcxin với AstraZeneca phục vụ thị trường khu vực Mỹ Latinh với nguồn tài trợ từ quỹ của tỷ phú người Mexico Carlos Slim.

Cũng như nhiều nước khác, Mexico đang phải đối mặt với tình trạng giao chậm vắcxin so với kế hoạch. Nước này hy vọng vắcxin của hãng Pfizer sẽ tiếp tục được giao tới nước này vào ngày 10/2.

Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) và giới chức y tế ngày 29/1 thông báo Guinea đã trở thành quốc gia châu Phi thứ 2 cấp phép lưu hành vắcxin Sputnik V của Nga, sau Algeria.

[EC gây tranh cãi về nguồn cung vắcxin cho các nước thành viên EU]

Theo một nguồn tin giấu tên, hiện quốc Tây Phi này đang đàm phán để mua thêm 2 triệu liều vắcxin Sputnik V.

Ngoài hai nước châu Phi kể trên, vắcxin Sputnik V hiện đã được cấp phép sử dụng tại Venezuela, Serbia, Argentia và vùng lãnh thổ Palestine.

Người đứng đầu RDIF, ông Kirill Dmitriev vắcxin Sputnik V của nước này sẽ được phê chuẩn sử dụng trong nước tại 25 quốc gia trong vài tuần tới.

Theo ông, hiện vắcxin này đã đăng ký ở 14 nước và trong vài tuần tới, con số này sẽ là hơn 25 quốc gia.

Serbia cũng đã nhận thêm 40.000 liều vắcxin Sputnik V từ Nga.

Bộ trưởng Bộ Đổi mới Serbia, Nenad Popovic nêu rõ: "Vắcxin của Nga nhận được sự quan tâm lớn trên toàn thế giới. Serbia là một trong những quốc gia quan tâm đến Sputnik V và việc chúng tôi nhận được lô vắcxin này cho thấy mối quan hệ hai nước rất khăng khít."

Theo ông Popovic, các chuyên gia Nga dự kiến sẽ đến Serbia vào ngày 11/2 tới và phối hợp với các đồng nghiệp Serbia tại Viện Torlak để đánh giá các điều kiện để có thể để nhanh chóng khởi động sản xuất Sputnik V ở Serbia.

Tính đến nay, Serbia đã tiêm chủng cho hơn 420.000 trên tổng số 4,1 triệu người, kể từ khi bắt đầu quy trình tiêm chủng vào ngày 24/12/2020, đưa nước này lên vị trí thứ hai ở châu Âu về tỷ lệ công dân được tiêm chủng trên tổng dân số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục