Vai trò 'cầm lái' của Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên

Dưới thời chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc đi đầu trong việc kéo Triều Tiên ra khỏi thế bị cô lập về ngoại giao và từng bước tham gia vào cộng đồng quốc tế.
Vai trò 'cầm lái' của Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: Getty Images)

Dưới thời chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc đi đầu trong việc kéo Triều Tiên ra khỏi thế bị cô lập về ngoại giao và từng bước tham gia vào cộng đồng quốc tế.

Từ việc "đơn giản hóa" các thủ tục để Triều Tiên tham gia tranh tài tại Thế vận hội Olympic mùa Đông tại Pyeongchang 2018 đến việc truyền đạt cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hàn Quốc kỳ vọng thiết lập nền hòa bình bền vững trên một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.

Theo bài viết mới đây trên trang mạng eastasiaforum.org, nếu cho rằng sức mạnh của mối quan hệ song phương là thành quả của hàng loạt cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo thì quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã "đơm hoa kết trái" theo cách đó trong năm 2018.

Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có 3 cuộc gặp thượng đỉnh liên tiếp chỉ trong một năm và nhiều kỳ vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ tư.

Trong khi mức độ đối thoại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là "chưa có tiền lệ", những nỗ lực của Seoul nhằm tiếp cận Bình Nhưỡng cũng gặp không ít thách thức.

Hàn Quốc đã phải nỗ lực vượt qua những trở ngại do những mối quan hệ đầy quyền năng của Triều Tiên ở khu vực.

Vị thế của Hàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên trở nên khó khăn hơn do những khác biệt về sức mạnh với các cường quốc trong khu vực và cả Mỹ, những nước luôn muốn bảo vệ lợi ích của mình ở bán đảo Triều Tiên.

Việc Hàn Quốc mới đây đạt được thỏa thuận với láng giềng phương Bắc đã cho thấy hai nguyên lý của ngoại giao quyền lực trung gian.

Trước hết, với lý do vấn đề an ninh vẫn là thách thức chính gây ra sự mất ổn định trên bán đảo Triều Tiên, chính quyền Moon Jae-in đang thực thi cách tiếp cận gây ảnh hưởng ngoại giao tối đa. Đối với một cường quốc tầm trung như Hàn Quốc, gây ảnh hưởng về ngoại giao là đặc biệt quan trọng.

Việc coi vấn đề hạt nhân Triều Tiên là một vấn đề ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu, những nỗ lực để giữ cho bán đảo Triều Tiên trở thành một khu vực an toàn hơn cũng góp phần nâng cao vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế.

Ngoại giao quyền lực trung gian của Hàn Quốc hướng tới một chiến lược chức năng nhằm ứng phó với những thách thức từ Triều Tiên. Điều này trái ngược với những chiến lược thông thường của các cường quốc tầm trung khi chỉ tập trung chủ yếu vào việc thiết lập những chuẩn mực hành xử và những tiêu chuẩn trong khu vực.


[Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Mỹ nắm bắt thời cơ với Triều Tiên]

Trong khi hai chiến lược không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau, kiểu hành xử của cường quốc tầm trung cho thấy sự khác biệt về các nguồn lực cũng như quan niệm về mối đe dọa được thể hiện sắc nét trong chính sách đối ngoại của các cường quốc tầm trung khu vực.

Thứ hai, Hàn Quốc cũng có thể chớp cơ hội để can dự với Triều Tiên những những nỗ lực của Seoul đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các nước lớn chủ chốt như Trung Quốc và Mỹ, cả hai vốn có lợi ích nhất định trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Chính bởi lý do này, Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tham vấn đối với cả Bắc Kinh và Washington ngay sau các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều để giúp "cập nhật" tình hình.

Ông Moon Jae-in cũng đã thừa nhận rằng Hàn Quốc vẫn cần phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong chiến lược đối với Triều Tiên.

Theo đó, Hàn Quốc đặt mục tiêu cân bằng các mối quan hệ đồng minh với cách tiếp cận hòa giải để cải thiện mối quan hệ liên Triều.

Chính quyền Moon Jae-in cũng đang đảm nhận vai trò "cầu nối" giữa Mỹ và Triều Tiên. Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong hồi tháng 3/2018 là người đã thông báo cho các quan chức Nhà Trắng rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẵn sàng gặp Tổng thống Donald Trump sớm nhất có thể.

Và sau khi ông Trump tuyên bố hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vốn đã được lên kế hoạch vào tháng 6/2018, ông Moon Jae-in đã nhanh chóng cử các quan chức tới Mỹ đồng thời có thêm cuộc gặp bất ngờ với ông Kim Jong-un ở khu phi quân sự Panmunjom.

Chỉ hai ngày sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đã được "lái" theo đúng quỹ đạo.

Điều này không cường điệu ảnh hưởng của Hàn Quốc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Nếu không có thiện chí đàm phán của cả Mỹ và Triều Tiên thì Hàn Quốc cũng không có nhiều cơ hội.

Bản thân ông Moon Jae-in cũng thừa nhận rằng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên không phải là vấn đề mà Hàn Quốc có thể là "người dẫn dắt."

Vai trò của Hàn Quốc cuối cùng cũng chỉ là "người dàn xếp" và "hòa giải."

Giá trị thực sự của Seoul nằm ở chỗ tạo môi trường mang tính xây dựng để Mỹ và Triều Tiên thảo luận. Điều này phản ánh vai trò của các cường quốc tầm trung trong các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu thay vì là "một người chơi" có ảnh hưởng nhất. Nói cách khác, cường quốc tầm trung chỉ giúp tạo nền tảng cho hành động.

Cuối cùng, Hàn Quốc có thể đạt được mục tiêu mong muốn trong vấn đề Triều Tiên hay không hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nắm bắt các cơ hội có được từ những tình huống hiện tại.

Việc Hàn Quốc thực hiện được sách lược ngoại giao cường quốc tầm trung trong vấn đề Triều Tiên hồi năm 2018 là nhờ có được những yếu tố bất ngờ.

Trong đó, phải kể tới sự xuất hiện của một chính phủ tiến bộ ở Hàn Quốc muốn đảm nhận "ghế tài xế" trong vấn đề Triều Tiên và tiến hành đối thoại cởi mở với Bình Nhưỡng; chính sách thực dụng của chính quyền Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên và thiện chí đối thoại (với Hàn Quốc) của ông Kim Jong-un được thể hiện trong bài diễn văn chào Năm Mới 2018.

Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài trước khi các bên liên quan đạt được một thỏa thuận cụ thể về vấn đề phi hạt nhân hóa, chính sách ngoại giao năng động của Hàn Quốc không chỉ giúp nâng cao vị thế của Seoul trên trường quốc tế mà còn góp phần hướng tới một bán đảo Triều Tiên hòa bình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục