Vai trò của ASEAN trong "cuộc chiến" giữa Mỹ và Trung Quốc

Những căng thẳng gần đây giữa các nước lớn ở khu vực, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc đã cho thấy một đòi hỏi bức thiết đối với ASEAN trong việc tiếp cận vấn đề này một cách chặt chẽ hơn.
Vai trò của ASEAN trong "cuộc chiến" giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: ASEAN SAS)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài phân tích của tác giả Endy Bayuni với tựa đề: “Vai trò của ASEAN trong 'cuộc chiến' giữa Mỹ và Trung Quốc."

Nội dung bài viết như sau:

Một "cuộc chiến tranh lạnh" giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên hiện hữu và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng có thể sẽ trở thành sân khấu chính diễn ra các cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong khi sự chú ý tập trung chủ yếu vào các cuộc chiến tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thì hai quốc gia này vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện về quân sự của mình và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trung Quốc đang làm điều này một cách tinh tế hơn bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng lớn vào hàng chục quốc gia thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Việc tăng cường xây dựng các cảng biển ở Ấn Độ Dương và các hành động ở Biển Đông là dấu hiệu rõ ràng nhất của việc Trung Quốc có ý định xây dựng sức mạnh hàng hải của mình. BRI cũng bao quát cả khu vực Tây Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Mỹ đang thực hiện việc này một cách công khai hơn bằng cách xây dựng các liên minh để kiềm chế Trung Quốc và xây dựng chiến lược mới ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thông báo rằng Mỹ sẽ xây dựng một căn cứ hải quân ở Papua New Guinea. Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC 2018 tại Port Moresby, ông Pence nói rằng Mỹ sẽ hợp tác với Australia trong việc phát triển căn cứ hải quân Lombrum trên Đảo Manus “để bảo vệ chủ quyền và quyền tự do hàng hải đối với các đảo ở Thái Bình Dương."

Indonesia và các quốc gia thành viên khác của ASEAN đang và sẽ phải đối mặt với những rủi ro khi phải ở giữa “cuộc chiến tranh lạnh mới” giữa Mỹ và Trung Quốc, vì Đông Nam Á nằm ở vị trí cầu nối giữa hai đại dương.

ASEAN sẽ phải vận dụng tất cả các kỹ năng ngoại giao để đảm bảo rằng khu vực này không bị ảnh hưởng bởi các cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.

[G20 kỳ vọng tạo cơ hội giải quyết hàng loạt vấn đề quốc tế quan trọng]

ASEAN từng có một công cụ hiệu quả giúp nó tồn tại trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đâym đó là Hiệp định Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) được ký kết tại Kuala Lumpur năm 1971 với năm thành viên ban đầu gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Các quốc gia khác gia nhập ASEAN sau đó đã tự động công nhận thỏa thuận này.

ZOPFAN không chỉ giúp hướng dẫn việc tự do lưu thông hàng hải đối với các tàu thuyền qua vùng biển của thời kỳ đó, mà còn trở thành tài liệu tham khảo cho các hiệp định và thỏa thuận trong tương lai nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực, kể cả Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC) được ký kết tại Bangkok năm 1976 và Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á phi hạt nhân (SEA-NWFZ) cũng được ký kết tại Bangkok năm 1995.

Một trong những nội dung quan trọng của ZOPFAN là không cho phép có sự hiện diện của các căn cứ quân sự nước ngoài trong khu vực, đặc biệt là các căn cứ Subic và Clarke của Mỹ ở Philippines cũng như căn cứ Cam Ranh mà Liên Xô từng sử dụng ở Việt Nam.

ZOPFAN không mở rộng ra ngoài biên giới các quốc gia Đông Nam Á, vì vậy ASEAN đã không có phản ứng gì trong quyết định của Papua New Guinea mời Mỹ phát triển căn cứ hải quân ở Lumbrum, điều tương tự cũng xảy ra đối với việc Australia cho phép Mỹ sử dụng căn cứ Darwin vào năm 2011 để xây dựng căn cứ quân sự của Mỹ.

Sự phát triển ngày càng tăng của các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực, từ căn cứ ở Darwin và mới đây là ở Papua New Guinea cũng như việc Trung Quốc đang ráo riết hoàn thiện và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã cho thấy mức độ nguy hiểm tiềm tàng trong tương lai đối với ASEAN.

ASEAN cần có phản ứng kịp thời không chỉ để bảo vệ đường biên giới riêng của mình mà còn phải đảm bảo hòa bình và ổn định cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tổ chức này đã có một số sáng kiến bao gồm cả các cuộc đàm phán đang diễn ra với Trung Quốc về một Bộ Quy tắc ứng ứng xử đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông (COC) và sáng kiến của Indonesia về kiến trúc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương có tính đến Trung Quốc nhiều hơn so với khái niệm trước đó được đưa ra bởi Mỹ.

Không ai có thể buộc tội ASEAN trong việc thiếu các sáng kiến. Nhưng sự cạnh tranh chiến lược, những căng thẳng gần đây giữa các nước lớn ở khu vực, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc đã cho thấy một đòi hỏi bức thiết đối với ASEAN trong việc tiếp cận vấn đề này một cách chặt chẽ hơn, cần có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để góp phần duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục