Vai trò của Henry Kissinger trong vụ Mỹ ném bom rải thảm Campuchia

Sau khi các tài liệu được giải mật về chiến dịch ném bom rải thảm của Mỹ tại Campuchia, Henry Kissinger bị chỉ trích dữ dội vì vai trò lãnh đạo và bị một số người cáo buộc là “tội phạm chiến tranh.”

Cố vấn Tổng thống Henry Kissinger trả lời báo chí tại San Clemente, California năm 1973. (Ảnh: AP)
Cố vấn Tổng thống Henry Kissinger trả lời báo chí tại San Clemente, California năm 1973. (Ảnh: AP)

Không ở đâu cuộc tranh luận về di sản của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger lại gay gắt hơn ở các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách quân sự của ông này, chẳng hạn như tại Campuchia.

Theo các nhà sử học, những quyết định của Kissinger đã dẫn đến tình trạng bạo lực kéo dài hàng thập kỷ gây ám ảnh xã hội Campuchia.

Đối với nhiều người dân Campuchia, tác động của Kissinger không trừu tượng mà hiện hữu và vẫn tiếp tục ngay cả sau khi ông này qua đời. Một ví dụ điển hình là những quả mìn được gài trong cuộc chiến kéo dài ba thập kỷ ở Campuchia, diễn ra một phần do sự can thiệp của Mỹ, vẫn còn phát nổ cho đến ngày nay.

Sophal Ear, một nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Campuchia, cho biết: “Thực tế đáng buồn là ông ta đã để lại di sản mà rất nhiều người Campuchia vẫn phải trả giá. Cho đến ngày nay, vẫn có nhiều người… mất đi tay chân và mạng sống trong quá trình mưu sinh ở vùng đất đầy bom đạn.”

Ném bom rải thảm

Từ năm 1969 đến năm 1973, với tư cách là Cố vấn An ninh Quốc gia kiêm Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Richard M. Nixon, Kissinger đã chỉ đạo ném bom rải thảm nhiều vùng đất rộng lớn ở Campuchia.

Ben Kiernan, nhà sử học tại Đại học Yale và là học giả hàng đầu về di sản của Mỹ ở Campuchia, ước tính rằng Mỹ đã ném khoảng 500.000 tấn bom xuống Campuchia trong thời kỳ này và giết chết khoảng 150.000 dân thường.

nem-bom-campuchia-8050.jpg
Khói bốc lên sau một vụ ném bom của Mỹ gần thủ đô Phnom Penh của Campuchia ngày 25/7/1973. (Ảnh: AP)

Quy mô của chiến dịch ném bom, có tên gọi Operation Menu, đã được giữ bí mật với công chúng Mỹ trong nhiều thập kỷ, mặc dù các hồ sơ bị rò rỉ và giải mật tiết lộ rằng đích thân Kissinger “đã phê duyệt từng đợt trong số 3.875 cuộc ném bom Campuchia.”

Năm 1970, theo bản ghi lại nội dung các cuộc điện đàm được giải mật, Kissinger đã nói chuyện với Nixon về tình hình ở Campuchia trước khi chuyển lời cho cấp phó của mình: “Tổng thống muốn một chiến dịch ném bom quy mô lớn ở Campuchia… Đó là mệnh lệnh, phải được thực hiện."

Trong những thập kỷ sau đó, đặc biệt khi các tài liệu được giải mật thể hiện chi tiết về mức độ tấn công của Mỹ vào Campuchia, Kissinger đã bị chỉ trích dữ dội vì vai trò lãnh đạo và bị một số người gán cho là “tội phạm chiến tranh.”

Kissinger bác bỏ những lời chỉ trích này và khẳng định vụ ném bom Campuchia ít dữ dội hơn các chiến dịch ném bom sau này của Mỹ.

Ông ta nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2014 với NPR: “Tôi cá rằng nếu ai đó tính toán trung thực thì số dân thường thương vong ở Campuchia sẽ ít hơn so với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ.”

Nhiều nhà nghiên cứu tranh cãi về điều này. Nhà sử học Greg Grandin, người viết cuốn sách “Cái bóng của Kissinger,” nói rằng ít nhất một khu vực “tập trung khá lớn” dân thường ở Campuchia đã bị ném bom gần 250 lần.

Sự ra đời của chế độ diệt chủng

Các nhà sử học cũng thừa nhận chiến dịch ném bom của Mỹ đã góp phần vào sự trỗi dậy của chế độ Khmer Đỏ toàn trị - chế độ đã thực hiện một loạt tội ác tàn bạo trong suốt 4 năm cai trị, bao gồm cả diệt chủng các nhóm thiểu số.

Ước tính có khoảng 2 triệu người - hay khoảng 1/4 người Campuchia vào thời điểm đó - đã bị giết hại dưới thời Khmer Đỏ. Các nhà nghiên cứu cho biết trong số 5 triệu người Campuchia sống sót, ít nhất 1/4 phải chịu nhiều thương tật.

khmer-do-8796.jpg
Lực lượng Khmer Đỏ tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia ngày 17/4/1975. (Ảnh: AFP)

Youk Chhang, Giám đốc điều hành Trung tâm Tài liệu Campuchia có trụ sở tại Phnom Penh cho biết các vụ ném bom rải thảm của Mỹ đã trở thành công cụ được Khmer Đỏ sử dụng để chiêu mộ các thành viên mới.

"Richard Nixon và Kissinger đã cho phép Khmer Đỏ nắm bắt những cơ hội vàng,” Kaing Khek Iev, một quan chức Khmer Đỏ được biết đến với biệt danh Duch, từng khai trong phiên tòa xử ông ta hồi năm 2009.

Một số lãnh đạo cấp cao của Khmer Đỏ đã bị tòa án xét xử và tuyên án chung thân. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền cho biết Kissinger cũng phải chịu trách nhiệm về vai trò trong thảm họa diệt chủng này.

Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở châu Á cho biết: “Ông ấy chưa bao giờ thừa nhận những gì mình đã làm. Kissinger sẽ luôn có lý do biện hộ nào đó”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục