Lý giải về danh tiếng của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger

Mặc dù thường được ca ngợi như nhà tư tưởng định hình chính sách đối ngoại của Mỹ, sự nghiệp của cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger không hoàn toàn ấn tượng như người ta vẫn tưởng.
Lý giải về danh tiếng của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ảnh 1Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. (Ảnh: Reuters)

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã tổ chức sinh nhật lần thứ 100 vào tháng 5 với sự tham gia của hàng chục nhân vật quan trọng.

Điều này là bằng chứng cho địa vị và danh tiếng của Kissinger, bởi rất ít chính khách nhận được sự đối đãi tương tự như vậy khi họ còn sống.

Chia sẻ trên tạp chí Foreign Policy, ông Stephen M. Walt - Giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc trường Harvard Kennedy cho rằng dù người ta nghĩ gì, Kissinger đã sống "một cuộc đời phi thường."

Trong bài viết về Kissinger trên Foreign Policy, Giáo sư Stephen M. Walt nói rằng ông này là một người tị nạn Do Thái chạy trốn khỏi Đức Quốc xã, cuối cùng vươn lên nắm quyền lực hàng đầu ở Mỹ, và là người có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của Mỹ trong gần bảy thập kỷ.

Sau một thế kỷ, những người ngưỡng mộ ca ngợi ông là "nhà tư tưởng chiến lược vĩ đại nhất" mà Mỹ từng sản sinh ra.

Tuy nhiên, có một câu hỏi về cuộc đời của Kissinger. Mặc dù ông thường được ca ngợi như một nhà hoạch định chính sách đối ngoại có chiều sâu, trí tuệ và sự sáng suốt, nhưng sự nghiệp của ông không hoàn toàn ấn tượng như người ngưỡng mộ vẫn nghĩ.

Không thể phủ nhận Kissinger là một người có trí thông minh và thành tích phi thường - điều mà ngay cả những người chỉ trích ông gay gắt nhất cũng phải thừa nhận. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu danh tiếng mà ông có được sau một thế kỷ có được kiểm chứng đầy đủ hay không?

Để hiểu câu hỏi này, cần chia sự nghiệp của Kissinger thành ba phần. Giai đoạn đầu tiên là sự nghiệp học thuật tại trường Harvard, nơi ông giảng dạy từ năm 1954 đến năm 1969.

Giai đoạn thứ hai là sự phục vụ của ông trong chính phủ với vai trò là Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Richard Nixon về các vấn đề an ninh quốc gia, và sau đó là Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Nixon và Gerald Ford.

Giai đoạn thứ ba là sự nghiệp của ông với tư cách là một chuyên gia và là người đứng đầu Kissinger Associates, công ty tư vấn mà ông thành lập sau khi rời chính phủ.

Trong giai đoạn đầu - với tư cách là một học giả tại Harvard - Kissinger đã xuất bản một số cuốn sách và nhiều bài báo, đồng thời bắt đầu mối quan hệ lâu dài với Nelson Rockefeller và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Mặc dù một số cuốn sách của Kissinger đã nhận được sự chú ý rộng rãi, nhưng những đóng góp của ông cho học thuật trong thời kỳ này là không đáng kể.

Trong bài viết trên tạp chí Foreign Policy, tác giả Stephen M. Walt nhận xét không cuốn sách nào của Kissinger xứng đáng được coi là tác phẩm kinh điển, và rất ít tác phẩm được các học giả ngày nay nghiên cứu hoặc thảo luận rộng rãi.

Chắc chắn Kissinger có thể tạo ảnh hưởng lớn hơn với giới học thuật nếu ông chọn tập trung sức lực vào đó. Nhưng sự thật là với tư cách một học giả, Kissinger không phải là người có ảnh hưởng quan trọng.

Lý giải về danh tiếng của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ảnh 2Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger bắt tay ông Lê Đức Thọ sau khi ký Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973. (Ảnh: AFP)

Hồ sơ của Kissinger với tư cách là Cố vấn an ninh quốc gia và Ngoại trưởng đang và sẽ luôn gây tranh cãi.

Kissinger đạt được một số thành tựu đáng chú ý, bao gồm việc mở cửa với Trung Quốc, đàm phán các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng với Liên Xô, và đối với một số nhà quan sát là cách ông xử lý các xung đột Arab-Israel.

Nhưng những thành tựu này phải được tính toán để cân bằng với thái độ ủng hộ của Kissinger trong cuộc chiến tranh Việt Nam và vai trò trực tiếp của ông trong việc kéo dài cuộc chiến vô vọng của Mỹ - mặc dù Kissinger nhận thức được rằng Mỹ không thể nào giành chiến thắng.

Nixon và Kissinger cũng chọn mở rộng chiến tranh sang Campuchia, vô tình mở ra cánh cửa cho chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Sự ủng hộ của Kissinger đối với cuộc đảo chính quân sự của nhà độc tài Augusto Pinochet ở Chile và cách ông xử lý cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971 cũng bị chỉ trích gay gắt.

Vào giai đoạn ba trong sự nghiệp, Kissinger đưa ra những lời khuyên chiến lược cho các tập đoàn, chính phủ và công chúng nói chung.

Kissinger đã xuất bản rất nhiều cuốn sách kể từ khi rời chính phủ, nhưng ngoài ba tập hồi ký của ông (Những năm ở Nhà Trắng, Những năm biến động, Những năm đổi mới), không cuốn sách nào trong số đó mang tính đột phá hoặc đóng góp đặc biệt đáng kể cho học thuật.

Cuốn sách tham vọng nhất của ông - Ngoại giao (1995) và Trật tự thế giới (2014) là những suy ngẫm dài dòng và uyên bác về các chủ đề tương ứng, nhưng không đưa ra được một tầm nhìn hay cách giải thích mới mẻ.

[Chính phủ Mỹ tái khẳng định chính sách ngoại giao châu Á]

Ngược lại, các cuốn hồi ký của Kissinger là một thành tựu quan trọng, được coi như hồi ký cá nhân hay nhất từng được viết bởi một chính khách cấp cao của Mỹ.

Giống như các cuốn hồi ký khác, nội dung cuốn sách bảo vệ những gì Kissinger đã làm khi còn đương chức và do đó cần phải nghiền ngẫm với con mắt hoài nghi.

Mặc dù vậy, những cuốn hồi ký của Kissinger đem lại cho độc giả một cách nhìn cận cảnh về việc trở thành nhà ngoại giao và chiến lược gia hàng đầu của một quốc gia hùng cường nhất trên thế giới, liên tục ứng biến giữa mâu thuẫn về áp lực và ưu tiên trong thời gian thực.

Lý giải về danh tiếng của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ảnh 3Ông Henry Kissinger thông báo với các phóng viên về chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev ngày 14/6/1973. (Ảnh: AP)

Tuy vậy, cần phải thừa nhận rằng Kissinger đã mắc một số sai lầm nặng nề, mang tính chiến lược. 

Chẳng hạn, Kissinger là người sớm ủng hộ việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một quyết định mà các nhà quan sát đã dự đoán sẽ không tạo ra hòa bình lâu dài ở châu Âu, mà thay vào đó dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.

Kissinger cũng ủng hộ cuộc xâm lược Iraq năm 2003 - chắc chắn là một trong những sai lầm chiến lược lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ - và phản đối thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran.

Kissinger cũng đã không lường trước được rằng việc giúp Trung Quốc trỗi dậy thông qua chính sách can dự sẽ đẩy nhanh sự xuất hiện của một đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ.

Điều này không có nghĩa là Kissinger đã sai lầm về mọi thứ. Phân tích các sự kiện đương đại là một công việc khó khăn và không ai có thể hiểu đúng mọi thứ. Vậy điều gì giải thích cho danh tiếng lẫy lừng mà Kissinger có được ngày nay?

Một phần của câu trả lời là tuổi thọ của Kissinger. Việc Kissinger đón sinh nhật thứ 100 trong khi hầu hết những người chỉ trích và đối thủ chính đã qua đời, cho phép thời gian xóa nhòa đi ký ức về những sai lầm trong quá khứ và giúp người ủng hộ đánh bóng danh tiếng của ông.

Ngoài ra, không ai từng làm việc chăm chỉ hoặc sống lâu hơn để đạt được và duy trì ảnh hưởng, uy tín như Kissinger.

Điều đáng chú ý là đến nay, Kissinger vẫn chưa dừng lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục