Trang mạng của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai (valdaiclub.com) số ra mới đây có bài viết nhận định sự gay gắt của các cuộc đối đầu địa chính trị trên thế giới hiện nay không chỉ làm tăng thêm tính bất định của các dự báo, mà còn làm nổi bật lên những xu hướng dẫn đến một trật tự thế giới mới.
Mức độ trầm trọng của cuộc đấu tranh để phân chia lại thế giới cho thấy các mối quan hệ quốc tế không có nhiều thay đổi trong thế kỷ qua.
Bất kỳ biến thể nào của “quyền lực mềm” và “các thể chế quốc tế” cũng đều dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế, cân bằng giữa lực lượng và lợi ích, và cuối cùng là sức mạnh của ý chí.
Sức ảnh hưởng của Mỹ đang giảm dần
Tình hình ổn định của các quốc gia và khu vực trong quá trình tái phân chia thế giới phụ thuộc vào năng lực quốc phòng, nguồn cung cấp tài nguyên chiến lược và sự gắn kết nội bộ.
Liên quan đến vấn đề này, sự hội nhập Á-Âu lại mang một ý nghĩa khác. Đó không phải là hội nhập vào một “thị trường thế giới” hão huyền, mà là sự đảm bảo ổn định nội bộ và khả năng tự cung tự cấp của các quốc gia trong khu vực.
Tương lai của hội nhập Á-Âu được xác định bởi cấu hình mới của trật tự thế giới và kết quả cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Kết quả đối đầu giữa Nga với Mỹ và NATO không chỉ giới hạn trong vấn đề Ukraine.
Một mặt, chúng ta đang chứng kiến khu vực thống trị của Mỹ bị thu hẹp. Điều này được chứng minh qua việc Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và các quốc gia khác, nơi có hơn 2/3 dân số thế giới sinh sống, từ chối ủng hộ lập trường của Mỹ liên quan đến Nga.
Mặt khác, sức hấp dẫn của BRICS (một khối các nền kinh tế mới nổi lớn bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang tăng cao, theo sau Argentina và Iran - các quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập BRICS vào mùa Hè này và Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, và Algeria - những quốc gia đã bày tỏ mong muốn tham gia.
BRICS tuyên bố sẽ tạo ra một cấu trúc toàn cầu song song với phương Tây về các thể chế - quản lý, thanh toán, hậu cần. Các quốc gia lớn khác muốn gia nhập BRICS dường như không phải vì họ sẽ thách thức Mỹ mà thay vào đó, họ tìm cách “phòng ngừa rủi ro," muốn tăng cường quan hệ với các cực thay thế cho Mỹ, ví dụ như Nga và Trung Quốc.
Hiện nay, rõ ràng là một nước Nga hùng mạnh – yếu tố chính duy trì sự ổn định chính trị-quân sự của khu vực rộng lớn thuộc Liên Xô cũ, có nghĩa là Đại Á-Âu.
Các dự án địa chính trị của Mỹ đối với lục địa Á-Âu, vốn trước đây được ngụy trang dưới hình thức tích cực về kinh tế (Con đường Tơ lụa mới hay xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn), giờ đây đã nhường chỗ cho các động thái và thao túng quyền lực chính trị nhằm gây bất ổn cho lục địa Á-Âu.
Do đó, phản ứng tự nhiên của Nga và các nước lớn khác là thiết lập các thể chế thay thế cho phép tái thiết nhưng không phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của phương Tây (ví dụ như BRICS).
Đối với dự án hội nhập Á-Âu, trong toàn bộ thời kỳ hậu Xô Viết, Nga đã đóng một vai trò to lớn về kinh tế, nhưng lại nhỏ bé về mặt chính trị trong đời sống của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Việc duy trì nền kinh tế và chủ quyền của các quốc gia này đã và sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ với Nga. Tuy nhiên, giới tinh hoa của các nước này thường cố gắng làm hài lòng phương Tây và đánh lạc hướng người dân khỏi các vấn đề kinh tế xã hội bằng cách chống lại Nga.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia trong khu vực sẽ buộc phải điều chỉnh sự bất thường này. Chính trị phải được cân bằng với kinh tế và địa lý. Mức độ phối hợp giữa các hành động của giới cầm quyền các nước trong khu vực với Nga trong các vấn đề chính của chính sách đối ngoại, an ninh và nhân đạo về cơ bản nên được tăng cường.
[Nga: Sự ra đời của trật tự thế giới đa cực là tiến trình khách quan]
Các định dạng có thể khác nhau. Ví dụ, mở rộng năng lực của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) sang hợp tác an ninh và nhân đạo, với việc chuyển đổi sang một hình thức liên minh mới, hoặc hội nhập sâu hơn với Nga theo hình thức song phương.
Cũng có thể có nhiều hình thức hiệp hội chính trị khác nhau, đặc biệt nếu nguy cơ mất ổn định của các quốc gia trong khu vực gia tăng. Quá trình tái tổ chức có thể gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội toàn cầu ngày càng xấu đi và sự can thiệp của Mỹ.
Từ quan điểm kinh tế, đó là mong muốn mở rộng không gian kinh tế và liên minh hải quan thống nhất với vai trò dẫn đầu của Nga, bao gồm cả Uzbekistan và các nước khác trong khu vực. Điều này sẽ tạo ra một khu vực vĩ mô bền vững và tự cung tự cấp với khối lượng thị trường nội khối là hơn 200 triệu dân.
Mô hình quan hệ đối ngoại mới của khu vực vĩ mô này sẽ hình thành khi các mối quan hệ giữa Nga và các quốc gia lớn nhất Á-Âu được thiết lập. Điều này giúp những người tham gia EAEU giảm chi phí hậu cần, tiếp cận thị trường mới và thu phí quá cảnh với điều kiện họ được tích hợp hiệu quả vào các xu hướng vĩ mô do chính sách đối ngoại của Nga đặt ra.
Chính từ đó, nhu cầu nối lại quan hệ với Nga sẽ tăng lên
Trong một “phiên bản thu nhỏ," những đường nét của quá trình này có thể được nhận thấy trong khuôn khổ Nhà nước Liên minh Nga và Belarus. Với sự hỗ trợ của Nga, việc xây dựng cảng trung chuyển phân kali của Belarus đã bắt đầu được thực hiện với chi phí ước tính khoảng 0,5 tỷ USD.
Việc thực hiện các chương trình liên minh được thông qua vào năm 2021 giữa Belarus với Nga về mặt quản lý thuế, đặt hàng của nhà nước và tích hợp hệ thống thông tin của các cơ quan quản lý sẽ tiết kiệm cho ngân sách Belarus hơn 1,3 tỷ USD mỗi năm.
Và tất nhiên, những lợi ích chính là dầu khí với giá độc quyền, và tự do tiếp cận thị trường Nga, cũng như được hưởng “chiếc ô” an ninh. Đồng thời, các chương trình liên minh được thông qua năm 2021 nhằm mục đích tạo ra một nền kinh tế thống nhất hầu như không có rào cản trong khuôn khổ của Nhà nước Liên minh, nhóm quân đội thống nhất cũng đã được triển khai trên thực tế.
Mặc dù mô hình hội nhập Nga-Belarus không phải là lý tưởng và khó có thể hoàn thiện, nhưng mô hình này đã có những kết quả và triển vọng rõ ràng.
Sự bất đối xứng trong quan hệ song phương với Nga là rõ rệt, nhưng những mối quan hệ này giúp giải quyết các vấn đề quân sự-chính trị và xã hội quan trọng, đồng thời duy trì nền kinh tế, khả năng quốc phòng và nền hoà bình dân sự trong các quốc gia kết nối với Nga.
Các nền tảng văn minh (khu vực vĩ mô) là cần thiết để các quốc gia vừa và nhỏ có thể tin tưởng vào nhà nước dẫn đầu và tồn tại thông qua hội nhập với nhà nước đó.
Liên quan đến vấn đề này, hợp tác văn hóa và nhân đạo là phương tiện xây dựng lòng tin lẫn nhau và sẽ đóng vai trò công cụ chiến lược để hội nhập. Tầm quan trọng của lĩnh vực hợp tác này sẽ tăng lên trong tương lai gần.
Những liên minh như vậy cũng có thể bảo vệ các quốc gia khỏi sự mài mòn về văn hoá và nhân đạo. Việc phân chia lại thế giới đang diễn ra không chỉ ở cấp độ địa chính trị và công nghệ, mà còn ở cấp độ ý thức hệ.
Do đó, sự hỗ trợ kinh tế của Nga, việc tiếp cận thị trường Nga đối với các nước thân thiện cần gắn liền với hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực chính trị và nhân đạo.
Kinh nghiệm của các quốc gia “đa vector” trong thế giới hậu Xô Viết cho thấy sự bừa bãi trong các mối quan hệ và việc giới tinh hoa không có khả năng xây dựng mối quan hệ bền chặt với Nga dẫn đến một cuộc khủng hoảng về địa vị của nhà nước.
Trong bối cảnh kinh tế ngày càng bất ổn, một chính sách như vậy sẽ ngày càng đưa những người theo đuổi chính sách này vào những xung đột nội bộ, buộc các lực lượng lành mạnh phải tìm đến sự can thiệp của Nga./.