Văn hóa cần trở thành động lực phát triển của đất nước

Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 về xây dựng, phát triển nền văn hóa đã hoàn thành chương trình đề ra.
Văn hóa cần trở thành động lực phát triển của đất nước ảnh 1Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Chiều 15/1, Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, đã hoàn thành chương trình, nội dung, nhiệm vụ đề ra, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc.

Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và tổng kết hội nghị.

Các tham luận tại Hội nghị khẳng định những bước tiến quan trọng về nhận thức và hành động sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa; đồng thời kiến nghị bổ sung những nội dung về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Đinh Thế Huynh nêu rõ Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” sẽ tiếp thu những ý kiến hợp lý, xác đáng để hoàn thiện Báo cáo tổng kết làm cơ sở tiếp tục xây dựng Đề án trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 (khóa XI).

Từ thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, ông Đinh Thế Huynh đã làm rõ thêm một số vấn đề về nhận định tình hình văn hóa qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5; nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm; bổ sung, hoàn thiện các quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ và giải pháp; các kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.

Về bổ sung, hoàn thiện các quan điểm chỉ đạo, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa là sự kế thừa và phát triển truyền thống văn hóa dân tộc, các quan điểm của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, thể hiện rõ năng lực tư duy lý luận, bắt kịp tư duy thời đại về văn hóa, đúc kết thực tiễn những năm đầu đổi mới. Nghị quyết có tầm nhìn sâu rộng, định hướng sự nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Cho dù bối cảnh quốc tế và đất nước có nhiều biến đổi, các quan điểm chỉ đạo nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 về cơ bản vẫn còn giá trị. Việc bổ sung, phát triển nội dung của một số quan điểm là cần thiết, phù hợp quy luật phát triển và định hướng xây dựng, phát triển văn hóa từ nay cho đến năm 2020.

Hướng bổ sung, hoàn thiện là làm rõ mục tiêu, động lực của văn hóa không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo sự phát triển toàn diện của con người; làm rõ nhiệm vụ cơ bản của xây dựng nền văn hóa không những có tính tiên tiến, dân tộc mà trọng tâm, cốt lõi là xây dựng nhân cách con người, tư tưởng, đạo đức lối sống; nghiên cứu, bổ sung các luận điểm liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa, trong đó coi trọng xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế…

Về nhiệm vụ, giải pháp, ông Đinh Thế Huynh nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt là xây dựng, bồi dưỡng nhân cách con người, tư tưởng đạo đức, lối sống của con người.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa, văn nghệ không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị,” Báo cáo đề xuất một nhiệm vụ mới là xây dựng văn hóa chính trị và văn hóa trong kinh tế, đồng thời nêu vấn đề có tính chiến lược là xây dựng một nền công nghiệp văn hóa hiện đại đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân đồng thời với việc bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa dân tộc.

Giải pháp được đặt lên vị trí hàng đầu là việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhấn mạnh văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý và công tác cán bộ cho việc xây dựng và phát triển văn hóa.

Các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; các cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải nêu gương về văn hóa để thực sự là bộ phận tiên phong đồng hành cùng văn hóa dân tộc.

Thời gian tới, cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay,” các cấp ủy, chính quyền cần đặt rõ vấn đề xây dựng người cán bộ có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao trên lĩnh vực văn hóa.

Ông Đinh Thế Huynh nêu rõ quá trình xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm khoa học lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia văn hóa. Dự thảo Đề án còn lấy ý kiến của các ban, bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương.

Ông đề nghị đại biểu dự Hội nghị quan tâm đóng góp để Đề án này thể hiện được tinh thần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong những năm sắp tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục