Văn hóa là sợi dây kết nối hai dân tộc Việt Nam-Ấn Độ

Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt cho rằng Việt Nam và Ấn Độ cần chú trọng giao lưu văn hóa bởi đây là sợi dây kết nối hai dân tộc.
Văn hóa là sợi dây kết nối hai dân tộc Việt Nam-Ấn Độ ảnh 1Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengan, Geetesh Sharma trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Tiến Hiển/Vietnam+)

Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengan, Geetesh Sharma bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ mở ra những triển vọng mới nhằm phát triển và tăng cường hơn nữa mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Ấn Độ và Việt Nam, vì hòa bình và phát triển không chỉ của hai nước mà cả khu vực châu Á.

Cụ Geetesh Sharma được biết đến là người luôn nỗ lực vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Trong 40 năm qua, cụ Sharma đã tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây, cũng như công cuộc phát triển đất nước hiện nay của nhân dân Việt Nam.

Dù đã ở tuổi trên 80, cụ Sharma vẫn minh mẫn, năng động và tích cực tham gia hoặc đứng ra tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy mối tình keo sơn giữa Việt Nam và Ấn Độ lên những mức cao hơn, sâu hơn.

Cụ Sharma cho biết, cụ đã hoạt động tích cực trong Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt (Indo-Vietnam Solidarity Committee) bang Tây Bengan từ những năm đầu của thập niên 70 thế kỷ 20. Thời đó, cụ Sharma đã tham gia các cuộc biểu tình bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng đất nước.

Cụ đã được gặp các nhà lãnh đạo lỗi lạc của Việt Nam như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, thậm chí cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2010, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, và nhiều nhà lãnh đạo khác.

Mới đây, cụ Sharma đã viết cuốn sách “Những dấu tích văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam”, trong đó đề cập đến những thực tế rằng quan hệ giữa hai nước có từ thế kỷ thứ nhất, thậm chí có thể trước đó nữa.

Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengan đã tổ chức hai cuộc triển lãm ảnh về kiến trúc tháp Chàm và những tượng Thần của đạo Hindu do chính cụ và bà Kusum Jain, Tổng thư ký của Ủy ban chụp trong những chuyến thăm Việt Nam, mô tả sống động mối quan hệ qua hàng thế kỷ gữa Việt Nam và Ấn Độ.

Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengan cũng đã tham gia Hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới tại Kolkata, trong đó giới thiệu với bạn đọc nhiều sách và tạp chí về Việt Nam; Ủy ban đã tổ chức kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengan và tổ chức cuộc mít tinh quần chúng nhân dịp này.

Quyển tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Hindi do cụ Sharma biên soạn, sắp xuất bản sẽ là quyển sách đầu tiên và độc nhất vô nhị về loại này. Cụ Sharma cảm thấy tự hào khi nói rằng phát triển và thúc đẩy quan hệ Ấn-Việt thông qua kênh “ngoại giao nhân dân” đã mang lại hiệu quả.

Cụ Sharma đánh giá quan hệ Việt Nam-Ấn Độ ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, thương mại. Tuy nhiên, theo cụ, lĩnh vực văn hóa và du lịch vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.

Chính phủ hai nước cần triển khai các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ giữa người dân với người dân thông qua văn hóa, văn học và du lịch. Ở cấp Chính phủ, hai nước đã ký nhiều văn bản ghi nhớ, nhưng cần theo dõi sát sao để triển khai thực hiện và đây phải là một tiến trình liên tục.

Cụ Sharma nhấn mạnh Việt Nam và Ấn Độ cần chú trọng hơn nữa đến quan hệ giao lưu văn hóa và văn học giữa nhân dân hai nước bởi đây là sợi dây kết nối tình cảm của hai dân tộc một cách sâu sắc.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều lĩnh vực chưa được chú ý, chẳng hạn chưa có trường đại học nào ở Ấn Độ thành lập khoa Việt Nam học, chưa có viện bảo tàng nào tại Ấn Độ có quan hệ với các viện bảo tàng tại Việt Nam và chưa có cuộc khảo sát nào nhằm thúc đẩy phát triển du lịch giữa hai nước.

Mặc dù MOU đầu tiên liên quan đến dịch vụ hàng không được ký từ năm 1994, nhưng cho đến nay hai nước vẫn chưa có đường bay thẳng. Cụ Sharma đề xuất, Kolkata không chỉ là trung tâm thương mại lớn nhất ở miền Đông Ấn Độ, mà còn là điểm gần Việt Nam nhất và là cửa ngõ tới Đông Á.

Do đó, Kolkata sẽ góp phần thúc đẩy không chỉ quan hệ thương mại, mà cả mối quan hệ giữa người dân và phát triển du lịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục