VCPMC đặt chỉ tiêu thu 10 triệu USD tiền tác quyền trong năm 2022

Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cho biết số tiền bản quyền thu về đã tăng đáng kể qua các năm và mục tiêu hướng đến là quản lý tác quyền hiệu quả hơn nữa.
VCPMC đặt chỉ tiêu thu 10 triệu USD tiền tác quyền trong năm 2022 ảnh 1Đại diện Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam nhận bằng khen từ Ban Tuyên giáo, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, cờ thi đua từ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trung tâm. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Ông Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết cơ quan này đặt mục tiêu thu trên 230 tỷ đồng tiền tác quyền trong năm 2022, chạm chỉ tiêu thu về 10 triệu USD một năm.

Đây là con số được ông Cẩn đưa ra tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập VCPMC diễn ra vào sáng 7/10, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội).

Theo nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, nếu như số tiền bản quyền âm nhạc trong năm đầu thành lập (2002) chỉ thu được 78 triệu đồng thì đến năm 2013 đã thu 48 tỷ đồng và con số này của năm 2021 là 160 tỷ đồng. 

[Thu gần 37 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc trong quý Hai năm 2021] 

Vào năm 2009, VCPMC đã là thành viên chính thức của Hiệp hội Quốc tế các Nhà soạn Nhạc và Lời (CISAS), thường xuyên có mặt tại các sự kiện, hội thảo và sự kiện liên quan đến bảo vệ quyền tác giả trên thế giới và trong khu vực.

Tính đến tháng 9/2022, VCPMC đã ký thỏa thuận ủy quyền với 86 tổ chức quốc tế với phạm vi ở 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, trung tâm đã và đang hợp tác với nhiều tên tuổi lớn như Apple Music, Spotify, Google, Facebook, YouTube… để khai thác bản quyền âm nhạc trên không gian mạng.

Hiện nay, VCPMC đã và đang ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc phát triển và xử lý các vi phạm về bản quyền âm nhạc ở nhiều lĩnh vực: Sản xuất âm nhạc trực tuyến, mạng xã hội, nhạc phim, nhạc tại khu vực công cộng như nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim… Trong số đó, trung tâm đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực phát sóng trực tuyến và biểu diễn trực tiếp.

VCPMC đặt chỉ tiêu thu 10 triệu USD tiền tác quyền trong năm 2022 ảnh 2Tại lễ kỷ niệm, các thành viên của VCPMC cũng tưởng nhớ người đặt viên gạch đầu tiên - cố nhạc sỹ Phó Đức Phương. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Bên cạnh đó, số lượng thành viên cũng đã tăng từ 274 nhạc sỹ lên gần 5.300 tác giả vào thời điểm hiện tại.

Cũng theo Giám đốc VCPMC, trong tương lai 10 năm tới, trung tâm đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao bộ máy; đón đầu các công nghệ hiện đại; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, cá nhân để thành lập các văn phòng đại diện tại nhiều tỉnh thành-khu vực trên cả nước nhằm tiến tới đồng bộ quản lý; thực hiện quỹ phát triển theo tiêu chí của CISAS; khuyến khích và hỗ trợ kịp thời để các nhạc sỹ phát huy tài năng, yên tâm sáng tác…

[Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc: Tạo môi trường cho nghệ sỹ sáng tạo]

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Benjamin Ng-đại diện CISAS khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhận định thành công mà VCPMC đạt được trong hai thập kỷ qua là đáng nể. Theo ông, trung tâm đang từng bước phát triển lớn mạnh và đã tạo dựng được bộ phận cấp phép chuyên nghiệp, đưa ra quy trình chi trả tác quyền công khai minh bạch cũng như tổ chức được một hệ thống lưu trữ dữ liệu chính xác. 

Tại lễ kỷ niệm, VCPMC đã nhận bằng khen từ Ban Tuyên giáo cho tập thể và hai cá nhân là Giám đốc Đinh Trung Cẩn và Phó Giám đốc Hoàng Văn Bình; nhận cờ thi đua của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các bằng khen của Hội Nhạc sỹ Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục