Về Quất Động thăm làng nghề thêu tay truyền thống đầy tinh tế

Hòa cùng dòng chảy của thời gian, những đường kim, mũi chỉ tinh hoa đã trở thành niềm tự hào của biết bao thế hệ dân làng nghề thêu tay Quất Động.

Nằm liền kề Quốc lộ 1A, cách trung tâm Thành phố Hà Nội 25 km, không khó để tìm ra cái nôi khởi sinh của nghề thêu tay truyền thống tại Việt Nam - làng Quất Động giữa vùng đất được mệnh danh là “Mảnh đất trăm nghề - Thường Tín.”

Quất Động được biết đến là cái nôi của nghề thêu truyền thống. Đây là nơi ông tổ nghề - tiến sĩ Lê Công Hành đã dạy dân làng những mũi thêu đầu tiên từ vài trăm năm trước. Cho đến nay, nhiều người dân làng Quất Động vẫn coi thêu như một phần cuộc sống của mình.

Tìm hiểu về nghề thêu, các nghệ nhân cho biết, các công đoạn thêu sẽ bắt đầu từ vẽ mẫu, căng nền, chấm kiểu, chọn chỉ mầu rồi mới tiến hành thêu. Bằng đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân đã chắt lọc những gì tinh túy nhất của hồn dân tộc để tạo nên những tác phẩm rực rỡ, sinh động.

Các tác phẩm nổi bật của làng thêu là các bức tranh thêu phong cảnh… Để có những bức tranh đẹp, người thợ thêu có khi phải mất hàng tháng, lựa chọn từng loại chỉ màu phù hợp, khéo léo trong từng mũi kim để tạo những mảng màu thể hiện không gian bức tranh.

Từ những sợi chỉ mỏng manh nhiều màu sắc, người nghệ nhân bằng đôi bàn tay khéo léo đã tạo ra những con rồng, con phượng oai phong lộng lẫy, hay những đóa hoa, cành lá mang sức sống và tính thẩm mỹ cao. Với những người yêu thêu, có lẽ đó là sự kỳ diệu.

Rồi khi cuộc sống thay đổi, nhiều người ở làng Quất Động đã bỏ nghề thêu để tìm đến những công việc có thu nhập cao hơn. Nhưng những người nặng lòng với sợi chỉ kỳ diệu thì vẫn tiếp tục tìm cách giữ nghề để Quất Động luôn là một nơi để người ta tìm về với những giá trị của thời gian./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục