Về xã Phú Đình, nơi quyết định đánh trận Điện Biên Phủ

Trong căn lán trên đồi Tỉn Keo là những kỷ vật và hình ảnh thiêng liêng tái hiện cuộc họp lịch sử quyết định mở trận đánh "chấn động địa cầu" Điện Biên Phủ.

Qua những rừng cọ, nương chè xanh bát ngát, chúng tôi trở lại ATK Định Hóa (Thái Nguyên) cùng những đoàn xe từ mọi miền đất nước hành hương về nguồn.

Vẫn những nếp nhà sàn đặc trưng của đồng bào Tày-Nùng ẩn hiện trong trập trùng đồi núi xanh ngát, vẫn những di tích thời "chín năm kháng chiến" hào hùng, vẻ vang, ATK Định Hóa giờ đây đã được công nhận là Di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của Quốc gia.

Trong căn lán đơn sơ trên đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình - Trung tâm ATK trong thời kỳ kháng chiến, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, chúng tôi tận mắt thấy được những kỷ vật và hình ảnh thiêng liêng tái hiện cuộc họp lịch sử của Trung ương Đảng quyết định mở trận đánh "chấn động địa cầu" Điện Biên Phủ.

Theo các tài liệu lịch sử được lưu trữ tại Ban quản lý Di tích lịch sử và sinh thái ATK Định Hóa, sự kiện lịch sử đó diễn ra vào ngày 6/12/1953, sau khi nghe Tổng Quân ủy báo cáo tình hình chiến sự, Bác Hồ và các Ủy viên Bộ Chính trị (Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái) đã nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh "Trần Đình," thành lập Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ và cử Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch. Quyết định này được coi là quyết định quan trọng nhất liên quan tới vận mệnh của toàn dân tộc.

Trong những ngày diễn ra chiến dịch, Hồ Chủ tịch đã chuyển về ở ngay trong cơ quan Bộ Tổng tham mưu ở Khẩu Quắc, xã Thanh Định (Định Hóa). Dưới sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Bác, Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi, tạo nên một mốc son lịch sử chói lọi, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương...

Tại nơi Bác và Bộ Chính trị ra quyết định đặc biệt quan trọng đối với lịch sử dân tộc ấy giờ đây đã trở thành điểm thăm quan quan trọng trong quần thể Di tích lịch sử ATK Định Hóa. Căn lán đơn sơ cùng hệ thống giao thông hào, nhà làm việc của Trung ương Đảng, cây hoa dâm bụt do chính Bác Hồ trồng, Nhà trưng bày ATK... được cán bộ, công nhân viên của Ban quản lý Di tích lịch sử và sinh thái ATK Định Hóa phục dựng, bảo quản cẩn thận, đảm bảo giữ nguyên di tích gốc, mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách về thăm quan, tìm hiểu...

Tự hào với truyền thống anh hùng vẻ vang, nơi ra đời quyết định đánh trận Điện Biên Phủ, vùng đất cách mạng Phú Đình năm xưa, nay đang đổi mới, chuyển mình từng ngày, dần trở thành một vùng nông thôn miền núi giàu đẹp, trù phú.

Anh Trương Văn Vựng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Đình cho biết với số dân trên 5.600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng, Kinh, Sán Chí... cư trú tại 22 thôn bản, dù còn nhiều khó khăn do địa hình chia cắt, đồi núi dốc, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện nhưng hiện nay bà con các dân tộc ở Phú Đình đã có đời sống kinh tế khá ổn định, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 3 đến 4%, thu nhập bình quân đạt khoảng 12 triệu đồng/người/năm.

Tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt trên 2.000 tấn, giá trị sản phẩm trên mỗi hécta đất nông nghiệp đạt 53 triệu đồng, tỷ lệ người dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh sử dụng đạt trên 70%, 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường, hệ thống trường học, trạm y tế đã cơ bản được kiên cố hóa và đạt chuẩn...

Từ các thôn bản có địa hình khá khó khăn như Khuôn Tát, Đèo De, Khẩu Đưa... cho tới Đồng Giắng, Nà Mùi, Đồng Hoàng..., điều dễ nhận thấy nhất ở Phú Đình hôm nay đó là việc bà con các dân tộc đã biết khai thác tốt tiềm năng đất nông, lâm nghiệp. Với hơn 300ha đất cấy lúa hàng năm, bà con chủ yếu gieo trồng giống Bao Thai đặc sản có giá trị kinh tế cao, sản lượng đạt trung bình 51 tạ/ha.

Ngoài cây lúa, bà con đã biết trồng xen canh, đưa thêm các giống cây trồng có gia trị như đỗ, khoai lang, ngô... vào các cánh đồng thuận lợi nước tưới để gieo trồng.

Đặc biệt, với lợi thế là vùng thu hút đông đảo khách du lịch, nhiều hộ dân tại các thôn bản có lợi thế về đất đồi ở Phú Đình đã thực hiện thâm canh chè đặc sản, nâng diện tích trồng chè lên hơn 200ha; trong đó có gần 30 hộ tại thôn Phú Ninh 3 thực hiện thâm canh chè theo chương trình sản xuất thực phẩm an toàn VietGap, sản xuất và tiêu thụ ngay tại chỗ, phục vụ du khách tham quan ATK, mở ra nhiều hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp...

Chính vì vậy, hiện nay, ở Phú Đình đã có những mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như mô hình phát triển nông lâm tổng hợp của ông Ma Đình Được (bản Đồng Hoàng); mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông Hoàng Văn Hà (bản Nà Mùi), mô hình trồng chè đặc sản của gia đình ông Nguyễn Văn Thủy (thôn Phú Ninh 1)... Cùng với thế mạnh về phát triển nông lâm nghiệp, để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Phú Đình còn đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng cơ sở.

Được sự hỗ trợ có hiệu quả của tỉnh và huyện, năm qua, xã đã khẩn trương hoàn thành các tuyến đường liên thôn Khẩu Đưa-Đồng Chẩn, Đồng Chùng-Nà Mùi, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng; đồng thời xây dựng công trình đập Đồng Ban, giúp nhiều hộ dân trong xã chủ động được nguồn nước tưới trong sản xuất, tuyến đường liên xã Phú Đình-Sơn Phú cũng cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng...

Là xã đi đầu trong phong trào cách mạng, Phú Đình hôm nay ra sức phấn đấu trở thành xã đi đầu trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Theo kế hoạch đề ra; trong thời gian tới, xã phát huy thế mạnh về thăm quan, du lịch, phát triển trồng lúa, chè, nuôi trồng thủy sản... với tổng kinh phí đầu tư lên tới hơn 380 tỷ đồng, trước mắt là việc nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hệ thống giao thông liên thôn, liên xã, cứng hóa hệ thống thủy lợi nội đồng, xây mới trạm biến áp, hệ thống cấp điện...

Riêng trong năm nay, toàn xã phấn đấu đạt sản lượng cây có hạt trên 2.400 tấn, nâng giá trị sản phẩm trên đất sản xuất nông nghiệp lên 63 triệu đồng/ha, nâng số gia đình đạt chuẩn các tiêu chí văn hóa lên 70% và 60% thôn bản đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa...

Ngoài những nỗ lực để thoát khỏi tình trạng xã miền núi chậm phát triển, Phú Đình đang tập trung xây dựng thành một trung tâm du lịch sinh thái, lịch sử, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc vùng Việt Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục