Tiến sỹ Pierre Journoud (người ngồi giữa) tại một hội thảo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được tổ chức tại Paris vào tháng 11/2013. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Dựng lên một huyền thoại về "lòng quả cảm" và "sự hy sinh cao cả" của những người lính Pháp trước quân đội nhân dân Việt Nam để "bảo vệ tự do và danh dự nước Pháp" trong những trận đánh cực kỳ dũng cảm, bi thương và hùng tráng là cách mà giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Pháp đã làm để ứng xử với công luận trong nước sau thất bại thảm hại tại Điện Biên Phủ năm 1954.
Phóng viên TTXVN tại Pháp xin giới thiệu tóm lược quan điểm của tiến sỹ sử học Pierre Journoud trong một bài viết có nhan đề "Điện Biên Phủ: sự ra đời và số phận của một huyền thoại anh hùng" đăng trên tạp chí "Lịch sử và Văn học Tây Bắc Âu."
Ông Journoud là chuyên gia về Việt Nam của Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Quốc phòng Pháp, đồng thời là phó giáo sư tại Đại học Paris I.
Ngụy biện nhằm vớt vát danh dự
Theo tiến sỹ Pierre Journoud, khi nước Pháp nhận thức được rằng cuộc chiến tại Điện Biên Phủ sớm muộn sẽ trở thành thảm họa, giới chính trị và quân sự lúc bấy giờ đã làm tất cả mọi cách để giảm bớt mức độ nghiêm trọng. Họ tìm đến những bài học đạo đức về chủ nghĩa anh hùng và sự hy sinh dũng cảm nhằm biến một "thất bại thảm hại" thành một "thất bại vinh quang."
Giới lãnh đạo Pháp thông qua báo chí, đã cố gắng nặn ra một thứ "chủ nghĩa anh hùng" của những người lính Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ, tung hô họ là những người đã "chiến đấu cho vinh quang của nước Pháp" và kể cả khi họ thất bại thì cũng là một "thất bại trong vinh quang."
Một số cá nhân như Tướng De Castries, Bigeard, Langlais, hay bác sỹ Pau-Henri Grauwin và nữ y tá Genevière de Galard cứu chữa cho các thương bệnh binh tại Điện Biên Phủ đã được tôn vinh như những anh hùng của nước Pháp. Họ được độc quyền phát biểu với báo giới, với một sứ mạng duy nhất là không làm sứt mẻ hình ảnh người lính tại Điện Biên Phủ.
Việc giới lãnh đạo chính trị và quân sự dường như có sự giao kèo ngầm với báo giới đã tước đi cơ hội được phát biểu, bày tỏ cảm xúc và ký ức thực của hàng nghìn người lính vô danh khác của nước Pháp chính quốc hoặc trong khối Liên hiệp Pháp lúc bấy giờ.
Tiến sỹ Pierre Journoud cho rằng quá trình tạo ra thứ huyền thoại đó được tiến hành đồng thời tại Hà Nội khi các tướng lĩnh quân sự nhận thấy thất bại là điều không tránh khỏi, và tại Paris do sự xúc động của người dân khi đọc những dòng tin mô tả sự chống trả quyết liệt và tuyệt vọng của những người lính Pháp tinh nhuệ nhất dưới quyền tướng De Castries.
Giới lãnh đạo quân sự Pháp dường như đã nhận thức được rằng số phận của đội quân viễn chinh đã được định đoạt ngay từ cuối tháng 3/1954 sau khi con đường tiếp tế bằng hàng không bị phá hủy. Chính vì vậy, một mặt họ ra sức chuẩn bị cho các cuộc thương lượng tại Geneva, mặt khác họ động viên Tướng De Castries ráng cầm cự, càng lâu càng tốt, đồng thời đề cao các giá trị truyền thống như tinh thần quả cảm và sự bảo vệ danh dự của người lính nhằm khích lệ những người lính trên chiến trường.
Việc tin tức và hình ảnh về trận chiến Điện Biên Phủ gây xúc động xuất hiện ngày một dồn dập trên báo chí Pháp là sự tương phản với sự thờ ơ bấy lâu của người Pháp đối với chiến trường Đông Dương. Trên thực tế, cuộc chiến tranh ở Việt Nam chưa bao giờ là ưu tiên của nước Pháp.
Nước Pháp vào những năm 1946-1954 có quá nhiều mối bận tâm đối với một loạt vấn đề như quá trình tái thiết sau chiến tranh, các cuộc chiến tranh tại Bắc Phi, sự chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra chống lại chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô…
Vào ngày Điện Biên Phủ thất thủ, báo chí Pháp đã không tiếc lời ca ngợi và suy tôn anh hùng những người lính trên chiến trường.
Báo France-Soir ngày 8/5/1954 viết: "Xung quanh tướng De Castries là 15.000 binh sỹ, những người đã viết bằng máu của mình trang sử vinh quang."
Tạp chí Paris-Match (số ra từ 8-15/5/1954) viết: Họ chiến đấu anh dũng đến giờ tận phút cuối cùng, họ ngã xuống mà không hề kéo cờ trắng."
Báo Aurore ngày 8/5/1954 viết: "Nước Pháp tự hào về những người anh hùng." Báo France-Soir ngày 9/5/1954 còn gọi cuộc chiến Điện Biên Phủ là "Bản anh hùng ca."
Chính cách thông tin có chủ ý của giới lãnh đạo đã dẫn đến nhận thức sai lệch về những sứ mệnh cao cả của những người lính Pháp, khiến những người Pháp ngây thơ và thiếu thông tin quên đi việc đây là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc của họ đã bị lợi dụng nhằm che đậy sai lầm của chính giới.
Đổi trắng thay đen
Trong bài viết của mình, tiến sỹ Journoud cũng cho rằng việc so sánh trận Điện Biên Phủ với trận Verdun là khập khiễng.
Theo ông, các cách gọi "Trận Verdun Đông Dương," "Trận Verdun nhiệt đới," "Trận Verdun rừng già" bắt đầu xuất hiện khi một số tướng lĩnh và báo chí Pháp đi tham quan việc bố trí các cứ điểm trước khi trận Điện Biên Phủ mở màn. Họ đã tận mắt chứng kiến một hệ thống dày đặc các công sự, hầm trú ẩn và lô cốt.
Cảnh vật tại đây có phần nào gợi nhớ trận Verdun giữa quân đội Đức và Pháp vào năm 1916 với những đợt dội bom ác liệt, những đường hào đầy bùn đất nơi đã diễn ra các trận đánh lớn, nơi thi thể các binh sỹ Pháp và Đức chồng lên nhau.
Với người Pháp, trận Verdun là bài học lịch sử được ghi lại trong sách giáo khoa, trong các tác phẩm văn học, được tôn vinh trong các lễ kỷ niệm, và với một số người còn là câu chuyện được cha hoặc ông trực tiếp kể lại.
Trận Verdun là trận đánh kéo dài trong 10 tháng tại một thành phố xung yếu ở phía đông bắc nước Pháp, nơi quân Pháp anh dũng chống trả các đợt tấn công của quân Đức và kết thúc bằng thắng lợi của quân Pháp. Chiến thắng đó sau này cũng trở thành biểu tượng cho chiến thắng của cuộc Đại chiến Thế giới thứ nhất vào năm 1918.
Trong khi đó, vào mùa xuân năm 1954, quân Pháp bị dồn vào thế phòng ngự tại tại Điện Biên Phủ, một địa điểm có mục đích ban đầu là từ đây tỏa ra các mũi tấn công Việt Minh. Chính vì vậy, coi Điện Biên Phủ như là một trong những trận đánh lớn nối tiếp truyền thống trận Verdun là đưa một trận đánh tại một nơi xa xôi, bị dư luận trong nước phản đối, trở thành một cuộc chiến tranh vệ quốc nhằm bảo vệ lãnh thổ và độc lập của nước Pháp.
"Cách so sánh này chỉ có tác dụng là giảm bớt các tác động tiêu cực về mặt tâm lý cho những người đang ở trong vòng vây, đồng thời cũng nhằm làm cho cuộc chiến tranh cũng như cái chết đang đến ngày một gần không trở nên vô nghĩa," tiến sỹ Pierre Journoud chỉ rõ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các tờ báo ở Pháp đều vào hùa với Chính phủ trong việc khai thác "huyền thoại anh hùng" này. Có những tờ báo can đảm nói lên sự thật.
Tạp chí L’Express ngày 20/3/1954 đã gọi việc ca ngợi này là một việc làm mị dân, đáng hổ thẹn, thậm chí là sự "hèn nhát chính trị" đằng sau khẩu hiệu "Vinh quang của người lính."
Tăng cường liên minh Pháp-Mỹ
Không chỉ dừng lại ở việc thao túng dư luận trong nước, giới lãnh đạo Pháp đã nỗ lực trong việc làm cho người Mỹ cũng ủng hộ họ.
Về điểm này, suy nghĩ của người Pháp và người Mỹ đã gặp gỡ nhau, vì người Mỹ cũng nhận thức được lợi ích của việc sử dụng "huyền thoại anh hùng" tại Điện Biên Phủ như một công cụ để thực hiện những toan tính của mình.
Người Mỹ muốn dư luận trong nước quen dần với việc phải ngăn chặn làn sóng cộng sản và nước Mỹ có thể phải tiến hành can thiệp quân sự trực tiếp vào khu vực Đông Dương.
Và thế là báo chí Mỹ bắt đầu ca ngợi những người lính Pháp. Trong một việc làm hiếm hoi, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã mời nữ y tá Genevière de Galard, người được mệnh danh là "thiên thần Điện Biên Phủ" làm khách mời danh dự của nước Mỹ.
Nữ y tá đã được đón tiếp như một nguyên thủ quốc gia với các đám đông hàng trăm nghìn người tung hô trên đường phố New York. Nữ y tá cũng được Tổng thống Mỹ tiếp và trao tặng Huy chương Tự do.
Một chuyến đi đạt được nhiều kết quả: giữ cho hình ảnh quân đội Pháp luôn lấp lánh, tăng cường liên minh Pháp-Mỹ đồng thời chuẩn bị dư luận tại Mỹ về sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương, nhằm thực thi chiến lược toàn cầu.
Trong bài viết của mình, học giả Pierre Journoud cũng khẳng định: "Điện Biên Phủ nhất định là huyền thoại của Việt Nam."
Theo ông, huyền thoại đó có được là do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra "quyết định khó khăn nhất" trong cuộc đời, như ông đã tự nhận sau này, là lùi ngày tấn công lại hơn một tháng, chuyển từ phương án "đánh nhanh thắng nhanh" sang phương án "đánh chắc thắng chắc" ; huyền thoại đó có được còn do sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã thành công trong việc chuyển Điện Biên Phủ từ một trận đánh ít được chú ý thành một trận đánh có tính chất quyết định, để sau này trận đánh đó được lưu lại trong ký ức và trong lịch sử như một huyền thoại về một dân tộc bất khuất đã tự giải phóng khỏi xiềng xích thuộc địa.
Thay lời kết
Thái độ che giấu sự thật nhằm né tránh sự lên án của công luận về những sai lầm khủng khiếp trong cuộc chiến tranh Đông Dương của giới lãnh đạo nước Pháp từ lâu đã bị những người cộng sản Pháp chỉ trích.
Cùng với độ lùi của thời gian cho phép nhìn nhận lại lịch sử một cách toàn diện hơn, nhiều người Pháp có quan điểm khách quan cũng phản đối cách ứng xử thiếu trung thực của các chính phủ của nền Cộng hòa thứ IV.
Câu chuyện cách đây 60 năm về việc giới lãnh đạo Pháp không đủ can đảm nhìn thẳng vào sự thật và thừa nhận trách nhiệm của mình trong các chính sách dẫn đến thất bại thảm hại năm 1954 tại Điện Biên Phủ, đánh đồng cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa với việc "đem lại tự do cho nhân loại" vẫn có giá trị thời đại trong thế kỷ 21, khi mà trên thế giới vẫn có nhiều hành động can thiệp từ bên ngoài, núp dưới vỏ bọc "sứ mệnh cao cả," được đánh bóng bằng các chiến dịch truyền thông giúp đổi trắng thay đen bản chất, đang tiếp tục gây thêm đau khổ cho nhiều dân tộc./.
(Vietnam+)