Vi phạm về bảo tồn, hệ sinh thái tự nhiên bị phạt tới 400 triệu đồng

Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ, hành vi vi phạm về bảo tồn, hệ sinh thái có thể bị phạt tới 400 triệu đồng.
Vi phạm về bảo tồn, hệ sinh thái tự nhiên bị phạt tới 400 triệu đồng ảnh 1Một góc Vườn quốc gia U Minh Thượng. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm các quy định về bảo tồn và phát triển bền vững đối với hệ sinh thái tự nhiên (dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ), với mức phạt tiền có thể lên tới 400 triệu đồng.

Theo đó, hành vi đưa vật tư, thiết bị để xây dựng công trình, nhà ở, lán trại, cư trú trái phép vào phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Tương tự, hành vi đưa vật tư, thiết bị để xây dựng công trình, nhà ở, lán trại, cư trú trái phép vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Trường hợp xây dựng công trình, nhà ở, lán trại tại phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Mức phạt vi phạm tiếp tục tăng lên từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với các hành vi xây dựng công trình, nhà ở, lán trại; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn.

Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thuỷ sản quy mô công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.

[Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sửa đổi 8 nhóm chính sách về đất đai]

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất mức phạt lên tới 400 triệu đồng đối với hành vi tác động đến hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn gây thiệt hại đến cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên (như đào bới, san ủi, nổ mìn, đào, đắp ngăn nước, sử dụng lửa, các chế phẩm độc hại, lấn chiếm đất ngập nước, chuyển đổi mục đích sử dụng đất) không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đặc biệt, nội dung dự thảo này có thêm đề xuất mới là việc xử phạt nặng đối với hành vi lấn chiếm đất ngập nước, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phạt tiền từ 250 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với hành vi gây thiệt hại từ 2.000 m2 đất, đất ngập nước, mặt nước trở lên tại khu vực không thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn; hoặc gây thiệt hại từ 200 m2 trở lên đối với đất, đất ngập nước, mặt nước tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn.

Mức phạt tiền từ 250 triệu đồng đến 400 triệu đồng cũng được áp dụng đối với hành vi chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép từ 2.000 m2 đất ngập nước trở lên tại khu vực không thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn; hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép từ 200 m2 đất ngập nước trở lên tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung thêm khoản 4, phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với các hành vi gây suy thoái vùng đất ngập nước quan trọng, hủy hoại đến sinh cảnh của các loài chim nước, chim di cư quý hiếm; khai thác thủy sản trái phép ở các vùng đất ngập nước quan trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục