Vì sao bầu trời Hà Nội và các tỉnh miền Bắc mù mịt những ngày gần đây?

Trong những ngày qua, chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận luôn phổ biến ở ngưỡng cảnh báo rất xấu, rất có hại cho sức khỏe con người.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Hà Nội và nhiều địa phương ở miền Bắc hiện đang phải hứng chịu "mùa ô nhiễm không khí" nghiêm trọng nhất năm. Những ngày gần đây, tình trạng vẩn đục không khí, bầu trời mù mịt thường xuất hiện từ sáng sớm tới chiều.

Đáng chú ý, trên các hệ thống quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), PAM Air và Đại sứ quán Mỹ đều ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận phổ biến ở ngưỡng cảnh báo rất xấu (AQI từ 200-300, rất có hại cho sức khỏe con người).

Ngay thời điểm 13 giờ 30 chiều nay, 29/11, trên hệ thống quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường vẫn đang ngập tràn hai sắc màu đỏ (cảnh báo chất lượng không khí ở mức xấu với chỉ số AQI từ 151-200) và tím (chất lượng không khí ở mức rất xấu với chỉ số AQI từ 201-300) ở nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh.

Trong đó, một số điểm ở ngưỡng cảnh báo ô nhiễm không khí rất xấu như: 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) với chỉ số AQI 205; Ủy ban Nhân dân xã Xuân Lâm (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) với chỉ số AQI 258.

Thậm chí, trên các hệ thống quan trắc chất lượng không khí của PAM Air và Đại sứ quán Mỹ trong những ngày gần đây còn ghi nhận một số điểm quan trắc trong thời gian nhất định có chỉ số AQI từ 300 trở lên. Đây là mức nguy hiểm đến sức khỏe, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.

Lý giải về thực trạng trên, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nhấn mạnh hiện nay miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết giao mùa, khô hanh khiến bụi phát tán trong phạm vi rộng. Mặt khác, một số hoạt động của người dân ở ngoại thành và các tỉnh vùng ven Hà Nội cũng khiến ô nhiễm không khí diễn biến xấu.

Thời gian ô nhiễm nhất ở Hà Nội và các tỉnh ở miền Bắc thường tập trung từ sáng sớm đến chiều. Một số điểm ghi nhận chỉ số AQI cao nhất tập trung ở các khu vực khu công nghiệp, khu dân cư có mật độ giao thông và công trình xây dựng.

Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết đơn vị này đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, để người dân nắm bắt được thông tin, có phương án ứng phó.

o nhiem khong khi 2.PNG
Hệ thống quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường. (Nguồn: Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố cũng cần khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, nhất là với người dân có hoạt động ngoài trời vào khoảng thời gian từ 5-7 giờ sáng và 14-19 giờ tối.

Ngoài ra, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải; đặc biệt là các điểm đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn; đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Góp thêm ý kiến từ góc độ chuyên gia, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam - Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng lưu ý Hà Nội và miền Bắc hiện đang trong giai đoạn “mùa ô nhiễm không khí” nghiêm trọng nhất năm. Thông thường, ô nhiễm không khí kéo dài trong khoảng thời gian từ tháng Mười đến tháng Ba năm sau.

Do vậy, ông Tùng khuyến cáo người dân cần chủ động nắm bắt thông tin cũng như thường xuyên theo dõi các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí để có giải pháp bảo vệ sức khỏe kịp thời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục