Vì sao điệu múa rồng dân gian thường gắn bó với các võ đường?

Điệu múa rồng đẹp đòi hỏi không chỉ thể lực người múa, mà còn cả những cảm nhận tinh tế nhất để tạo nên chuyển động vừa mềm mại, vừa dũng mãnh và uy quyền của con rồng.

Múa rồng đòi hỏi thể lực tốt, sự uyển chuyển và cảm nhận tinh tế để toát lên phong thái rồng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Múa rồng đòi hỏi thể lực tốt, sự uyển chuyển và cảm nhận tinh tế để toát lên phong thái rồng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Rồng là sinh vật hư cấu duy nhất trong 12 con giáp và đứng đầu tứ linh của Việt Nam, được gửi gắm rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Mỗi vương triều trung đại xưa tại Việt Nam đều có những hình tượng rồng riêng, biểu tượng quyền uy theo quan niệm riêng của một thời.

Một trong những hình thức giải trí dân gian rõ nét nhất xoay quanh linh vật này là múa rồng. Tuy nhiên có nhiều lý do khiến một điệu múa có yêu cầu cao xuất hiện khá ít trong đời sống dân gian Việt Nam ngày nay.

Múa rồng “thua” múa lân

Múa rồng, múa lân tại Việt Nam đều được du nhập từ Trung Quốc đã nhiều đời. Tuy nhiên tại Việt Nam, người ta dễ thấy múa lân ở nhiều nơi và nhiều dịp, như Tết Nguyên đán, Trung Thu, lễ hội đầu Xuân, sự kiện văn hóa, khai giảng, khai trương cửa hàng… hơn là múa rồng.

múa lân.jpg
Múa lân thường bắt mắt, dễ thực hiện hơn so với múa rồng. (Ảnh minh họa: Hoài Nam/Vietnam+)

Các đoàn múa lân Việt thường dùng đầu sư tử từ vùng Nam Trung Quốc vì có thiết kế sinh động và đẹp mắt, dễ tạo nên không khí tưng bừng. Mỗi lần chỉ cần 2 người, không đòi hỏi không gian rộng lớn nên được chuộng hơn nhiều.

Ngược lại, một con rồng dài 20 mét cần có gấp 5 lần số người, thậm chí 10-15 lần cho những con lớn hơn. Để múa cho đẹp, người múa rồng phải có thể lực tốt, tinh tế để cảm nhận được thần thái con rồng cũng như phối hợp nhuần nhuyễn, ăn ý với đồng đội.

Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Văn Quang - Trưởng Ban lý luận Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam, Nguyên giám đốc Học viện Múa Việt Nam nhấn mạnh vai trò của từng cá nhân.

Người múa đầu rất quan trọng vì là khởi nguồn chuyển động của con rồng. Theo ông Quang, đây chính là phần quyết định sự uy quyền, giúp toát lên thần thái con rồng. Sau đó, chuyển động truyền đến khúc nào, người múa khúc đó phải vừa nhớ bài, vừa phải “cảm” được con rồng cũng như các đồng đội.

Nếu không phối hợp tốt, con rồng trông sẽ cứng và rời rạc các khúc. “Bởi vậy họ phải ăn ý y như cách các cầu thủ đá bóng trên sân vậy, chuyền được cho nhau thì mới ghi bàn,” ông Quang phân tích.

vnp-mua-rong-8-5630.jpg
Một đội múa rồng trong cuộc thi thuộc Festival Thanh niên Quốc tế lần thứ II, năm 2023. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Đạo cụ con rồng chủ yếu làm từ vải và chất liệu nhẹ, nhưng phần đầu và đuôi lại nặng hơn nhiều. Nhìn chung, múa rồng đòi hỏi người múa có thể lực tốt để uốn mình theo nhịp điệu của rồng, được khơi nguồn từ nhịp trống dồn. Có khi rồng đột ngột chuyển hướng và xuống thấp, người múa cũng phải nghiêng lườn theo, chân tấn xuống vững chãi.

Theo huấn luyện viên võ thuật Bùi Viết Tưởng (huyện Chương Mỹ-Hà Nội), các võ sinh đủ thể lực đi thi múa rồng thường từ lớp 7 trở lên, chiều cao tối thiểu khoảng 1m45. Có những động tác đòi hỏi người múa rồng hạ sát đầu gối xuống đất rồi lập tức đứng lên và chạy múa tiếp động tác khác, nếu không dẻo dai sẽ không thể làm được.

Đây là lý do nhiều đoàn múa lân, sư, rồng đều bắt nguồn từ võ đường. Các võ sinh ứng dụng các bộ pháp trong bộ môn võ thuật để tạo nên nét rồng uyển chuyển nhưng vẫn đầy dũng mãnh.

Duy trì nét đẹp rồng trong dân gian

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa (tác giả loạt trách về tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng…), múa rồng vốn được người làm nông dùng để cầu mưa, nay có thêm mục đích chúc phúc, cầu bình an. Nhưng cũng vì vậy mà nhiều người dân cho rằng múa rồng chỉ là một điệu múa dân gian, thay vì mang tính nghi lễ.

“Các cuộc thi múa rồng sẽ giúp nâng cao nhận thức về kỹ thuật múa, từ đó mới nâng cao tay nghề sao cho đẹp,” bà Thu Hòa nhận xét. Bà cũng gợi ý sự tham gia của các cấp quản lý trong việc nghiên cứu để loại hình được đánh giá sâu hơn, có tính thẩm mỹ cao hơn.

vnp-doi-mua-rong-8-8322.jpg
Anh Bùi Viết Tưởng cùng các võ sinh cấp tập hoàn thiện đồ rồng trong những ngày trước Tết Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Việc chấn chỉnh, định hướng về múa rồng là cần thiết, để múa rồng phát triển đúng cách và làm giàu cho văn hóa Việt Nam,” nhà nghiên cứu này nhận định.

Trong lúc chờ đợi những thay đổi lớn hơn, múa rồng tiếp tục là hình thức giải trí không thể thiếu với nhiều địa phương ngoại thành, nông thôn. Đặc biệt là trong năm Giáp Thìn 2024 này.

Những ngày này, cơ sở của Câu lạc bộ võ thuật Tưởng Nghĩa Đường (xã Quảng Bị, Chương Mỹ) của anh Bùi Viết Tưởng bận rộn với việc may đồ rồng, luyện tập các điệu múa lân-sư, rồng. Từ đội hình chính đến đội hình dự bị, tất cả đều rạo rực với việc luyện tập cho Tết, các lễ hội Xuân.

vnp-doi-mua-rong-14-9772.jpg
Điệu múa rồng đẹp đòi hỏi sự quyết tâm, sự chăm chỉ rèn luyện nghiêm túc của người thực hiện. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Nguyễn Viết Quyết (sinh năm 2001) là một học trò của anh Bùi Viết Tưởng. Ở đây Quyết gọi bạn bè là những huynh đệ. Sự gắn kết, thân thiết và đồng tâm hiệp lực cũng toát ra từ đó. Quyết quan niệm đã múa lân-sư-rồng, đặc biệt là múa rồng, thì phải thật tâm huyết, bởi “để múa được rồng thì mình phải thực sự thả hồn vào con rồng, không phải múa cho hết bài hay cho trọn thời gian là xong.”

Đi 30km từ làng Thanh Lãm (phường Phú Lãm, Hà Đông) sang Tưởng Nghĩa Đường, chị Phạm Thị Thủy đến để đặt thêm 1 con lân cho điệu múa lễ hội Xuân năm 2024. 4 con lân đủ màu sắc sẽ tô điểm cho màn múa rồng chính.

“Hiện nay có nhiều hình thức giải trí hiện đại rồi. Nhưng múa rồng thì không bao giờ thiếu được,” chị Thủy chia sẻ. Năm nay làng Thanh Lãm của chị và làng Vân Nội (Phú Lương, Hà Đông) sẽ cùng tổ chức đại lễ 5 năm một lần vào ngày 11 tháng Giêng. Đội lân sư rồng làng Thanh sẽ sang Vân Nội biểu diễn, thể hiện tình anh em kết nghĩa gần gũi được gắn kết bằng điệu múa cầu bình an của con rồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục