Thụy Sĩ là quốc gia ít chịu ảnh hưởng của chiến tranh, và luôn nằm trong tốp đầu về GDP bình quân đầu người, khiến nơi này trở thành một trong những đất nước được bình chọn là đáng sống nhất thế giới.
Những ai lần đầu đặt chân đến nơi này đều sẽ bị mê hoặc trước những ngôi nhà xinh đẹp nằm giữa thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, hay nép mình giữa các ngõ hẻm bằng đá có tuổi đời hàng thế kỷ. Sẽ có không ít người ghen tị với cuộc sống của những cư dân giàu nhất thế giới trong các ngôi nhà đáng mơ ước ấy.
Nhưng trên thực tế, phần lớn trong số 9 triệu cư dân Thụy Sĩ lại đang phải thuê nhà. Thực tế này đã tồn tại lâu đến mức dường như giờ đây người ta đã coi đó là một điều bình thường trong cuộc sống, và không còn nhiều người suy nghĩ đến việc phải mua nhà nữa.
Giám đốc công ty vẫn phải thuê nhà
Cây bút Thomas Fuller của tạp chí New York Times đã tìm hiểu một loạt các đối tượng đang thuê nhà tại Thụy Sĩ có mức thu nhập tương đối cao so với mặt bằng chung. Theo đó nhiều người vẫn buộc phải lựa chọn hình thức thuê nhà để được sống tại khu vực đô thị.
Philip Skiba, một nhà phân tích tài chính với mức lương khá cao, cho biết anh sống tại vùng ngoại ô của thành phố Zurich. Tại đây, những ngôi nhà xấu xí nhất cũng có thể có giá lên tới hàng triệu USD.
Vào năm ngoái, một ngôi nhà chỉ mới được trát một lớp vữa màu be ở gần khu nhà anh sống đã được rao bán với giá 7,5 triệu franc Thụy Sĩ, tương đương với khoảng 8,3 triệu USD.
Hai thành phố của Thụy Sĩ vào danh sách Mạng lưới Thành phố Sáng tạo
Skiba, 41 tuổi, đang thuê chung một căn hộ với bạn gái mình, cho biết việc mua một ngôi nhà dành cho một gia đình sinh sống tại Zurich là một điều vô cùng khó khăn. “Hai đứa trẻ, một ngôi nhà, một khu vườn, hai chiếc ôtô. Tôi không biết ai có những thứ đó. Nó vượt xa cả sự xa xỉ”, anh chia sẻ.
Andreas Weber, 36 tuổi, cho biết: “Tôi nghĩ hầu hết mọi người ở Thụy Sĩ vẫn mơ ước có một ngôi nhà và một khu vườn của riêng mình. Chỉ là điều đó không thể thực hiện được.”
Weber hiện là giám đốc điều hành của Corefinanz, một công ty môi giới thế chấp, nhưng vẫn phải thuê nhà - một căn hộ ở cách trung tâm Zurich nửa giờ đi tàu. Anh thậm chí còn chưa nghĩ đến chuyện mua nhà.
This Schälchli, 37 tuổi, sở hữu một quán càphê nhỏ tại một ngã tư sầm uất ở Zurich. Doanh thu bán 200 cốc càphê mỗi ngày chỉ đủ giúp anh trả khoản tiền thuê nhà 1.900 franc (2.110 USD) cho căn hộ một phòng ngủ mà anh đang sống cùng bạn gái và đứa con mới sinh.
Anh cho biết mình luôn tiêu hết tiền vào cuối tháng. “Tôi không dám mơ được sở hữu một nơi ở của riêng mình. Số tiền bạn phải chi cả đời cho việc thuê nhà thật điên rồ. Nhưng hiện tại không có giải pháp rõ ràng nào cho tôi. Chúng tôi không có tiền. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ ở nhà thuê cho đến hết đời.”
Sở thích hay lựa chọn duy nhất?
Chỉ có khoảng 36% người Thụy Sĩ sở hữu một ngôi nhà hoặc một căn hộ, tỷ lệ thấp nhất ở phương Tây, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 70% ở Liên minh châu Âu và 67% ở Mỹ.
Tại Pháp, những thành phố vệ tinh của Paris thường được thiết kế hết sức hợp lý, sao cho khoảng cách từ đó đến trung tâm thủ đô hay đến sân bay không quá xa, chỉ từ mười mấy cho đến 20-30km.
Ở đó, người ta có thể dễ dàng mua được những căn hộ chung cư 2 phòng ngủ được xây mới có diện tích 60m2 với giá từ 400.000 euro. Với 700.000 euro, người dân đã có thể sở hữu những biệt thự nhỏ xinh với một khu vườn nhỏ để trồng cây.
Giá nhà đất tại một số thành phố khác của châu Âu thậm chí còn rẻ hơn nữa. Tại Wildau, một thành phố vệ tinh của thủ đô Berlin của Đức, chị Q. (Hà Nội) đã mua được cho mình một mảnh đất 1.000m2, đủ để xây một căn nhà nhỏ với một mảnh vưởn rộng. Chị cho biết tổng chi phí cả đất và xây dựng hết khoảng 800.000 euro, một khoản tiền không quá lớn so với diện tích sử dụng mình nhận được.
Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu Wüest Partner, giá trung bình cho một căn hộ studio ở Zurich là 1,1 triệu USD. Trên cơ sở mét vuông, Zurich đắt hơn Paris khoảng 80%. Độ tuổi trung bình của người mua nhà lần đầu ở Thụy Sĩ là 48, cao hơn nước láng giềng Pháp 15 tuổi.
Tại Geneva, nơi đặt trụ sở của hầu hết các cơ quan lớn của thế giới, người dân thường chủ yếu sống trong những tòa chung cư được xây dựng 70-80 năm trước. Đó là những tòa nhà được xây dựng hết sức chắc chắn, có cả boongke chống đạn, nhưng có kiến trúc khá buồn tẻ và diện tích sử dụng hạn chế. Tuy nhiên, giá của những căn hộ đó vẫn ở mức cao ngất ngưởng, không chỉ người nước ngoài mà đến chính người dân Thụy Sĩ cũng khó mà mua được.
Martin Hoesli, giáo sư tại Đại học Geneva - người đã dành nhiều thập kỷ nghiên cứu quyền sở hữu nhà của người Thụy Sĩ - cho rằng về cơ bản một người vẫn có đủ khả năng mua một ngôi nhà. Nhưng vấn đề nằm ở khoản tiền đặc cọc.
Theo luật, người mua nhà phải đặt cọc tối thiểu 20% giá trị căn nhà, cùng 4% phí chuyển nhượng. Hiện tại, một ngôi nhà ở Thụy Sĩ có giá trung bình 1,4 triệu USD. Như vậy khoản đặt cọc tối thiểu sẽ rơi vào khoảng 336.000 USD, một khoản tiền khá lớn.
Nhiều người trẻ tuổi tại Thụy Sĩ cho rằng việc thuê nhà cũng có một số yếu tố tích cực, như tránh được những rắc rối và những cam kết khi sở hữu nhà. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng bản thân mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc thuê nhà.
Ở mặt tích cực, tỷ lệ sở hữu nhà thấp cũng khiến sự kỳ thị giữa sở hữu nhà-thuê nhà gần như không tồn tại. Những người dân Thụy Sĩ không được dạy về việc phải sở hữu một ngôi nhà để được coi là giàu có. Đối với họ, điều quan trọng là đang có cuộc sống bình thường tại nơi mình ở.
Hiện tại, Skiba đang phải trả 6.000 franc (6.600 USD) tiền thuê một căn hộ khá xa xỉ ở trên một ngọn đồi. Anh đủ khả năng mua một căn nhà ở vùng ngoại ô của Zurich. Nhưng thuê nhà hiện tại là lựa chọn duy nhất của anh nếu muốn sống ở khu vực thành thị.
Cô Hollenstein, 41 tuổi, một nhà tâm lý học, đang sống trong một căn hộ cho thuê xinh đẹp ở trung tâm thành phố Zurich, cho biết: “Bạn chỉ cần ở, không cần phải chăm lo cho ngôi nhà. Nếu lò sưởi không hoạt động, bạn chỉ cần gọi chủ nhà. Lò sưởi là của chủ nhà, không phải của bạn.”
Mặt khác, các chủ nhà ở Thụy Sĩ cũng khó có thể tăng tiền nhà nếu không có lý do chính đáng như tăng lãi suất hoặc cần cải tạo căn nhà. Bên cạnh đó, thuê nhà cũng là cách giúp chúng ta lựa chọn được địa điểm sống mong muốn.
Tuy nhiên, bất chấp những suy nghĩ về sự bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo giữa chủ nhà và người thuê nhà ngày một cách xa, hoặc nói một cách khác, người giàu sẽ ngày càng giàu hơn.
Những cuộc khảo sát ở quy mô quốc gia trong những năm gần đây cho thấy các chủ nhà ở Thụy Sĩ có khối tài sản ngày càng tăng. Giá trị tài sản ròng trung bình của một chủ nhà Thụy Sĩ ở tuổi 30 cao gấp 6 lần so với những người thuê nhà cùng độ tuổi, và khoảng cách này ngày càng được nới rộng theo tuổi tác.
Theo một nghiên cứu của Ursina Kuhn tại Quỹ Nghiên cứu Khoa học Xã hội Thụy Sĩ ở Lausanne, ở độ tuổi 70, những chủ nhà ở Thụy Sĩ giàu hơn 11 lần so với những người thuê nhà ở cùng độ tuổi.
Vẫn có những người quyết tâm
Bất chấp những khó khăn, nhiều người Thụy Sĩ vẫn quyết tâm mua nhà. Và tất nhiên, trở ngại đầu tiên họ gặp phải là khoản tiền cọc ban đầu, một số tiền không hề nhỏ.
Andreas Fuhrer, 43 tuổi, cùng người bạn đời Siwat Chuencharoen, 37 tuổi, một giáo viên dạy piano, muốn tìm một nơi có thể tập luyện piano mà không làm phiền đến hàng xóm. Họ đã tìm hiểu 15 địa điểm trước khi tìm được ngôi nhà hiện tại. Ngôi nhà rộng 200m2, nằm ở rìa thành phố Bern, đối diện đường ray xe lửa, được bán ban đầu với giá 1,52 triệu franc, tương đương với 1,68 triệu USD.
Để mua được căn nhà này, Fuhrer đã phải nhờ đến gia đình để có được khoản tiền trả trước đầu tiên trị giá 300.000 franc. Số tiền còn lại được trả dần bằng ba khoản vay riêng biệt có thời hạn 8 năm và 12 năm.
Đối với nhà tâm lý học Hollenstein, vào 4 năm trước, khi đón đứa con đầu lòng, cô nhận thấy mình mong muốn có một tổ ấm lâu dài với người bạn đời của mình. Họ tìm thấy một ngôi nhà rộng 140m2 ở phía Đông Zurich với giá 2,1 triệu franc (2,3 triệu USD), mà cô mô tả là “đẹp và khá nhàm chán.”
Các khoản nợ mua nhà trả góp tại Thụy Sĩ thường được cơ cấu sao cho phần lớn số tiền phải trả là tiền lãi chứ không phải tiền gốc. Các khoản tiền thế chấp này thường được lên kế hoạch trả trong nhiều thập kỷ.
Vì vậy, sẽ không ngoa khi nói Thụy Sĩ là xứ sở của những chiếc đồng hồ xa xỉ, của món chocolate hảo hạng, và của cả những khoản thế chất suốt đời. Không có gì lạ khi một người đi vay gia hạn khoản vay của mình cho đến khi họ qua đời. Điều này đem lại lợi ích về mặt thuế, bởi các khoản lãi suất thế chấp được khấu trừ thuế.
Tuy nhiên, xét về một khía cạnh khác, việc dốc hết tài sản cho khoản cọc đầu tiên, và sau đó ràng buộc mình vào những khoản nợ kéo dài hàng chục năm cũng khiến những người mua nhà mất đi phần nào niềm vui của sự sở hữu.
Đối với nhà tâm lý học Hollenstein, việc dồn hết tiền tiết kiệm hàng chục năm vào khoản đầu tư duy nhất khiến cô khá sốc. Cô nói: “Vào thời điểm mua căn nhà, tôi nghĩ: ‘Mình đã mất tự do.’ Điều đó khiến tôi hoảng sợ.”
Cô thậm chí còn ngượng ngùng khi phải nói với bạn bè, hầu hết đều đang thuê nhà, rằng mình đã mua được nhà. “Phần lớn phản ứng của họ không phải là ‘Chà, tuyệt vời,’ mà nó giống như là ‘Gì cơ, thật sao?’,” cô cho biết.
Andreas Fuhrer thì cho biết: “Bạn sẽ bị trầm cảm. Bạn bước qua cánh cửa ngôi nhà mới và nói: ‘Đây là giấc mơ của tôi.’ Nhưng dường như bạn không cảm nhận được niềm vui đó”./.