Vì sao nền kinh tế không phải là 'phao cứu sinh' của Tổng thống Trump?

Nhiều người thắc mắc tại sao Tổng thống Donald Trump vẫn phải chật vật để giành sự ủng hộ của người dân mặc dù nền kinh tế đang khởi sắc?
Vì sao nền kinh tế không phải là 'phao cứu sinh' của Tổng thống Trump? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng edition.cnn.com, tính đến thời điểm này, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức thấp nhất kể từ năm 1969, chỉ có 3,6%. Nền kinh tế đã tạo thêm được 263.000 việc làm.

Kết quả thăm dò dư luận do CNN tiến hành cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Trump về kinh tế đạt mức cao nhất trong tuần và trong bất kỳ cuộc thăm dò ý kiến nào của CNN, lên đến 56%.

Nói cách khác, nền kinh tế Mỹ đang vận hành tốt và dư luận cũng đồng tình với nhận định này.

Tuy nhiên, bất chấp điều đó, tỷ lệ ủng hộ Trump nói chung trong tất cả các lĩnh vực dường như vẫn thấp. Cho đến gần đây, ông vẫn không thể giành được sự ủng hộ của hơn 43% cử tri.

Trong hơn 2 năm qua, chỉ số tín nhiệm của ông không khả quan. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Trump vẫn phải chật vật để giành sự ủng hộ của người dân mặc dù nền kinh tế đang khởi sắc?

Dưới đây là 3 lý do:

1. Nền kinh tế có thể không còn quan trọng như trước đây

Có một điều khá thú vị trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump là cho dù tỷ lệ ủng hộ ông về mặt kinh tế có tăng đi chăng nữa thì nó cũng chẳng thể khiến cho chỉ số tín nhiệm của ông trong các lĩnh vực khác tăng theo.

Điều này được thể hiện rõ nét trong tâm lý của người tiêu dùng. Mặc dù tâm lý của người tiêu dùng phấn khởi hơn, song nó cũng không khiến cho tỷ lệ ủng hộ tổng thống cao hơn.

Điều nực cười là điều tương tự cũng đã diễn ra dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Theo các nhà khoa học chính trị John Sides, Michael Tesler và Lynn Vavreck, những thay đổi trong tâm lý người tiêu dùng đã không thể giúp dự báo chính xác những thay đổi trong tỷ lệ ủng hộ Obama.

Trên thực tế, có một điều kỳ lạ là khi tâm lý người tiêu dùng phấn khởi hơn thì tỷ lệ ủng hộ ông Obama lại thấp hơn.

Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn so với thời chính quyền của Tổng thống John Kennedy. Từ thời Kennedy cho đến George W. Bush, người ta có thể dựa vào tâm lý của người tiêu dùng để dự báo về những thay đổi chỉ số tín nhiệm nói chung của người lãnh đạo đất nước.

Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi tình trạng kinh tế khả quan đã giúp Ronald Reagan tái đắc cử vào năm 1984, còn tình trạng kinh tế đình đốn đã khiến George H.W. Bush thất cử năm 1992.

Có thể xu hướng này sẽ tự đảo ngược trong một năm rưỡi tới, nhưng hiện giờ, có thể nói rằng nền kinh tế không còn nhiều ý nghĩa trong việc quyết định tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Trump.

2. Cử tri cảm thấy ông Trump không đứng về phía họ

Việc nghĩ rằng nền kinh tế đang vận hành tốt là một chuyện. Còn việc người dân có tin nền kinh tế và người đứng đầu chính phủ phục vụ lợi ích của họ hay không lại là chuyện khác. Người Mỹ không tin ông Trump quan tâm đến tầng lớp trung lưu.

Tỷ lệ phần trăm những người nghĩ như vậy dao động trong khoảng 40%, gần đúng bằng tỷ lệ ủng hộ ông Trump.

Cũng có một tỷ lệ cử tri tương tự cho rằng chính quyền đã hành động đủ để hỗ trợ tầng lớp trung lưu.

Trên thực tế, những thay đổi về tỷ lệ người Mỹ cho rằng ông Trump quan tâm đến tầng lớp trung lưu có liên quan đến những thay đổi về tỷ lệ ủng hộ ông nói chung.

Đa số người Mỹ cho rằng chính quyền Trump chỉ tập trung nỗ lực hỗ trợ những người Mỹ giàu có.

Không có gì ngạc nhiên khi trường Đại học Quinnipiac cho biết 60% người Mỹ nghĩ rằng những số liệu thống kê kinh tế được đăng tải trên các phương tiện truyền thông không phản ánh thực tế của nền kinh tế mà tầng lớp trung lưu Mỹ đang đối mặt.

3. Những nhân tố khác đang nhấn chìm ông Trump

Kinh tế chỉ là một yếu tố mà các cử tri nói tới khi họ được hỏi ý kiến về ông Trump. Cần phải nhớ rằng tỷ lệ ủng hộ ông Trump trong các vấn đề lớn khác, ngoài vấn đề kinh tế, đều ở mức thấp - chỉ khoảng 40%, chẳng hạn như chính sách đối ngoại, nhập cư, quan hệ chủng tộc...

Theo cơ quan thăm dò dư luận Gallup, chỉ có 13% người Mỹ cho rằng vấn đề quan trọng nhất của nước Mỹ hiện nay là kinh tế.

Nói cách khác, nước Mỹ hiện giờ có một môi trường chính trị mà trong đó nhiều vấn đề khác - chứ không phải chỉ mỗi kinh tế - đóng vai trò quan trọng, mang tính chi phối.

Thế nhưng, không thể phủ nhận thực tế rằng nền kinh tế là một nhân tố thực sự giúp ông Trump duy trì và nâng tỷ lệ ủng hộ dành cho ông lên đôi chút.

Nói chung, ông Trump đã nổi tiếng hơn so với khi ông đánh bại bà Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Hãy nghĩ thế này: nếu tỷ lệ ủng hộ ông Trump chỉ được định đoạt dựa trên ý kiến của cử tri nhận xét về ông trong vấn đề y tế chẳng hạn, vậy thì có lẽ tỷ lệ này chỉ vào khoảng 30%.

Tất cả những nhân tố trên tác động thế nào đến Trump vào 2020?

Có thể, đến một thời điểm nào đó, thực trạng kinh tế khả quan sẽ giúp ông Trump giành chiến thắng. Cách nền kinh tế vận hành trong những năm đầu của nhiệm kỳ thứ nhất rất có ý nghĩa, nó có thể dự báo cơ hội tái đắc cử của một tổng thống.

Tuy nhiên, hãy ghi nhớ kỹ 2 điều sau:

Cử tri nghĩ rằng nền kinh tế đang vận hành tốt và đã nghĩ như vậy trong một thời gian. Thế nhưng, ông Trump vẫn đang phải vật lộn để nâng cao tỷ lệ tín nhiệm của mình, cho dù ông đã bước sang năm thứ ba của nhiệm kỳ tổng thống. Nếu nền kinh tế hiện giờ vẫn chưa thể giúp ích cho ông Trump, vậy thì khi nào nó mới thực sự giúp ông?

Tỷ lệ ủng hộ nói chung có lẽ quan trọng hơn nhiều so với tỷ lệ ủng hộ về mặt kinh tế khi xét đến những hy vọng tái đắc cử của một tổng thống.

Hãy nhớ rằng, các cử tri từng không ủng hộ ông Obama về mặt kinh tế và cho rằng ửng cử viên Mitt Romney của đảng Cộng hòa sẽ làm tốt hơn (Obama) trong lĩnh vực kinh tế. Thế nhưng, điều đó chẳng thành vấn đề. Ông Obama đã giành chiến thắng.

Trong lịch sử, khi chúng ta muốn thăm dò ý kiến đánh giá của các cử tri về mọi mặt của một tổng thống, tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho ông ta về mặt kinh tế bao nhiêu không thành vấn đề.

Điều cần nhớ là tỷ lệ ủng hộ chung thấp chính là một tin rất xấu cho những kỳ vọng tái đắc cử của một tổng thống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục