Vì sao nhiều vùng sầu riêng chưa được Trung Quốc cấp mã xuất khẩu?

Cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch chỉ thật sự mở ra khi các nhà vườn và cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường Trung Quốc.
Vì sao nhiều vùng sầu riêng chưa được Trung Quốc cấp mã xuất khẩu? ảnh 1Thu mua sầu riêng ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Ngày 7/9/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc lần đầu tiên phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường nước này.

Chiều 17/9, tại quảng trường Tân An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc, với tổng cộng 6 containter, khối lượng hơn 100 tấn.

Đây là cơ hội lớn nâng cao giá trị cho quả sầu riêng, nhưng tin vui này mới chỉ là thành công bước đầu.

Ngày 1/3/2023, Văn phòng SPS Việt Nam nhận thư thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về kết quả kiểm tra trực tuyến lần hai đối với vườn trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng tươi của Việt Nam.

Kết quả, 163 vườn trồng và 67 cơ sở đóng gói sầu riêng tươi của Việt Nam phù hợp với yêu cầu của Nghị định thư. Tính tổng cộng sau 2 đợt kiểm tra, GACC đã phê duyệt cho Việt Nam 246 vùng trồng và 97 cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.

[246 mã số vùng trồng sầu riêng được phê duyệt để xuất khẩu Trung Quốc]

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), cho biết hiện vẫn có 36 mã số vùng trồng và 18 mã cơ sở đóng gói sầu riêng chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Qua kiểm tra, phía Trung Quốc khuyến cáo cần có giải pháp khắc phục và bổ sung hồ sơ để xem xét phê duyệt trong đợt tiếp theo.

Năm vấn đề cần lưu ý

Theo tiến sỹ Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), có 5 vấn đề cần lưu ý để được cấp mã đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc:

Một là, vườn trồng không có chứng chỉ GAP hoặc các hoạt động, hồ sơ ghi chép tại vườn trồng không phù hợp với GAP.

Hai là, điều kiện vệ sinh vườn còn hạn chế, công tác quản lý vệ sinh vườn trồng không được chú trọng như: cành tán không được cắt tỉa, tàn dư thực vật không được dọn, cành lá rủ xuống đất không được cắt tỉa, chăm sóc kịp thời.

Đặc biệt, đa số vườn trồng sầu riêng chưa được GACC phê duyệt hiện thiếu các biện pháp quản lý cỏ dại. Vườn trồng có sự xuất hiện các loại cây tạp và không có biện pháp cách ly hiệu quả đối với các vườn xung quanh.

Ba là, không có hồ sơ sổ sách về quản lý, ghi chép và theo dõi các loài sinh vật gây hại tại vườn. Vườn trồng không lắp đặt bẫy ruồi đục quả (sâu đục trái) hoặc lắp đặt nhưng không đảm bảo số lượng bẫy theo quy định.

Trong quá trình GACC kiểm tra trực tuyến, nhận thức của thành viên tham gia phỏng vấn chưa đầy đủ về các loài sinh vật gây hại mà phía Trung Quốc quan tâm. Một trong số đó là các bệnh liên quan đến nấm Phytophthora sp. và đưa ra biện pháp phòng trừ.

Theo tiến sỹ Ngô Xuân Nam, đa phần các loại bẫy được treo không đúng quy định, hoặc sử dụng các loại bẫy không đúng yêu cầu.. Ông lấy ví dụ, một số vườn trồng sử dụng miếng dán ruồi để thay cho bẫy dính màu vàng trong giám sát ruồi đục quả. Ngoài ra, các vườn không thay chất dẫn dụ trong bẫy theo định kỳ, hoặc bẫy treo không thuận lợi cho việc kiểm tra.

Bốn là, cơ sở vật chất tại vườn trồng còn thiếu và yếu, như vườn trồng không có nhà kho hoặc nhà kho dột, sắp xếp không ngăn nắp hoặc điều kiện môi trường vệ sinh nhà kho kém. Bên cạnh đó, đa số chưa có kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật, nông cụ hoặc kho dột nát, không đủ kín.

Thực tế nữa là các vườn trồng hầu như không có điểm lưu trữ tạm thời sầu riêng ngay sau khi thu hoạch (không phải nơi người ở), hoặc điểm lưu trữ tạm thời không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh, không cách ly hiệu quả với kho lưu trữ thuốc bảo vệ thực vật, hoặc điểm lưu trữ chỉ được quây bằng bạt và không có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm thứ cấp.

Năm là, hồ sơ, sổ sách về quy trình thu hoạch còn thiếu bổ sung hình ảnh và các tài liệu liên quan đến quá trình thu hoạch sầu riêng. Một số vườn trồng không có hồ sơ tập huấn; không có sổ theo dõi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không có hồ sơ ghi chép về quản lý sinh vật gây hại.

Ngoài những điểm trên, tiến sỹ Ngô Xuân Nam lưu ý thêm việc cải thiện hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc, hồ sơ thu hoạch và bán hàng đối với các vườn trồng. Sau khi thu hoạch, sầu riêng cần được che đậy để tránh bị ô nhiễm thứ cấp trong quá trình vận chuyển.

“Sầu riêng là loại cây cho giá trị kinh tế cao. Được cấp thêm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, sầu riêng Việt Nam chắc chắn sẽ rộng đường hơn khi xuất sang Trung Quốc. Chúng ta cần đảm bảo tinh thần hợp tác và tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của phía Trung Quốc trong việc quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, giúp người nông dân thu lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này,” ông Nam nhấn mạnh.

Muốn đi xa hãy đi cùng nhau

“Cánh cửa” xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc đã mở, nhưng “cánh cửa” này mở rộng hay hẹp sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình triển khai trong thời gian thới. Để nâng số lượng cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sẽ còn cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Vì sao nhiều vùng sầu riêng chưa được Trung Quốc cấp mã xuất khẩu? ảnh 2Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc quy định cụ thể về quản lý vùng trồng, đóng vói và chế biến, kiểm tra và kiểm dịch khi Trung Quốc nhập khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh cơ hội chỉ thật sự mở ra khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác; phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất; phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc.

Ông Hoàng Trung Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho biết đã có tình trạng mạo danh mã số vùng trồng sầu riêng để xin đăng ký xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 đã phát hiện container sầu riêng đưa đến cửa khẩu nhưng đơn vị xuất khẩu cung cấp mã số vùng trồng của lô hàng này không hợp lệ.

“Một lần bất tín là vạn lần bất tin. Do đó, việc chuẩn hóa giống, quy trình, thị trường, kiến thức, tri thức người nông dân là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Cần xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, bắt đầu từ câu chuyện của trái sầu riêng,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Chúng ta phải biết dựa vào nhau, nương tựa nhau thay vì cạnh tranh, chen chúc nhau. Đây là cách để đưa trái sầu riêng phát triển ở thị trường Trung Quốc.”

Thời gian tới, để duy trì và tiếp tục nâng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Cục Bảo vệ thực vật và các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trồng và có cơ sở đóng gói sầu riêng tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký, khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục