Vì sao trường Kinh doanh và Công nghệ HN lại đào tạo ngành y, dược?

"Chúng tôi đã có ý định mở ngành y, dược từ năm 2012. Tính đến khi được cho phép đào tạo trường mất 3 năm chuẩn bị," tiến sỹ Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nói.
Vì sao trường Kinh doanh và Công nghệ HN lại đào tạo ngành y, dược? ảnh 1Giờ thực hành của sinh viên ngành y. (Ảnh: TTXVN)

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo ngành y, dược đang gây xôn xao dư luận.

​Để rộng đường dư luận, tiến sỹ Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có một số trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

- Thưa ông, dư luận đang xôn xao việc trường thuộc khối kinh tế nhưng lại mở ngành đào tạo y, dược. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tiến sỹ Vũ Văn Hóa: Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là trường đa ngành, chúng tôi đào tạo khối ngành kinh tế, công nghệ, kỹ thuật... Mỗi khối ngành đều có đội ngũ cán bộ riêng. 

Việc một trường đa ngành mở đào tạo y, dược ở Việt Nam không phải chưa từng có tiền lệ, chẳng hạn Đại học Đà Nẵng, hoặc các trường ngoài công lập như Đại học Thành Tây, Đại học Đại Nam. Trên thế giới cũng có nhiều trường đa ngành đào tạo y, dược. Vấn đề quan trọng là phải xem quy trình đào tạo có tốt không.

- Nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định dừng mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học trình độ đại học ở các trường không chuyên, và Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trường không chuyên?

Tiến sỹ Vũ Văn Hóa: Chúng tôi đã có ý định mở ngành y, dược từ năm 2012. Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định tạm dừng mở ngành Y đa khoa và Dược học trình độ đại học ở các trường đại học không chuyên, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đã hai lần trình Bộ kế hoạch mở ngành.

Tuy nhiên, ở cả hai lần này trường đều không được Bộ chấp thuận và có yêu cầu phải bổ sung thêm các điều kiện cần thiết.

Khi Bộ có quyết định dừng mở ngành y, dược vào tháng 12/2014, trường đã có kiến nghị Bộ xem xét vì chúng tôi đã chuẩn bị từ trước đó hai năm và Bộ có chỉ đạo trường tiếp tục chuẩn bị.

Tính đến khi được cho phép đào tạo, tức ngày 19/11 vừa qua, trường mất 3 năm chuẩn bị.

Vì sao trường Kinh doanh và Công nghệ HN lại đào tạo ngành y, dược? ảnh 2Tiến sỹ Vũ Văn Hóa. (Ảnh: hubt.edu.vn)

- Đào tạo y, dược là những ngành có tính đặc thù, trường đã có sự chuẩn bị như thế nào trong thời gian 3 năm đó, thưa ông?

Tiến sỹ Vũ Văn Hóa: Để mở ngành Y đa khoa và Dược học, trường đã chuẩn bị về cơ sở vật chất theo tất cả những tiêu chuẩn ngành y, dược đòi hỏi, từ hệ thống phòng ốc, máy móc, thiết bị y tế, cơ sở thực tập, quy trình xử lý rác y tế… Không tính về diện tích đất đai, phòng ốc, riêng chi phí đầu tư trang thiết bị cho các ngành y, dược của trường đã lên đến 80 tỷ đồng. 

Tất cả những cơ sở vật chất, trang thiết bị đó đều được Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra nghiêm túc và đánh giá đạt yêu cầu, đủ điều kiện mở ngành.

- Còn đội ngũ giảng viên, thưa ông?

Tiến sỹ Vũ Văn Hóa: Khi có ý định mở ngành, chúng tôi đã mời ông Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đến tư vấn, giới thiệu các chuyên gia y tế đầu ngành.

Hiện chúng tôi có hơn 40 cán bộ, giảng viên ngành y, dược, trong đó có hơn 10 giáo sư, phó giáo sư, là những người có uy tín đầu ngành trên cả nước. Về đội ngũ, thậm chí nhiều trường y, dược chuyên ngành hiện nay cũng không bằng trường tôi.

Tất nhiên do đặc thù của trường ngoài công lập nên các giáo sư, phó giáo sư đều đã về hưu, nhưng họ vẫn còn đủ sức khỏe để làm việc nên được trường mời về.

Khi kiểm tra, cả cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế Hà Nội đều chưa tin lắm, họ có kiểm tra xác suất rồi mới tin, mới ký xác nhận về đội ngũ giảng viên y, dược của trường.

Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng và kết luận trường đủ điều kiện đào tạo Y đa khoa và Dược học, Bộ Y tế đã thông báo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có quyết định cho trường mở ngành.

- Bộ đã cho phép trường được đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học từ ngày 19/11. Vậy kế hoạch tuyển sinh của trường như thế nào, thưa ông?

Tiến sỹ Vũ Văn Hóa: Chúng tôi vừa gửi báo cáo lên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Trường đề xuất ba tổ hợp tuyển sinh gồm Toán-Lý-Hóa, Toán-Hóa-Sinh và Toán-Lý-Sinh.

Trường xét tuyển theo điểm thi trung học phổ thông quốc gia. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 20 điểm ba môn, trong đó không có môn nào dưới 5 điểm. Trường tuyển khoảng 100 chỉ tiêu cho cả hai ngành.

Nếu được đồng ý, trường sẽ nhận hồ sơ vào đầu tháng 1/2016 và khai giảng vào đầu tháng 2/2016.

Học phí đào tạo với ngành Y đa khoa là 50 triệu/năm, ngành Dược là 25 triệu đồng/năm.

- Xin cảm ơn ông!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục