Vị thế vượt trội của khu vực Bắc Mỹ trong lĩnh vực năng lượng

Cơ quan Năng lượng Quốc tế đánh giá rằng Mỹ vượt qua Nga, Qatar và Australia để trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu chỉ trong vòng 5 năm.
Vị thế vượt trội của khu vực Bắc Mỹ trong lĩnh vực năng lượng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Euractiv)

Theo mạng tin thehill, trong thế kỷ qua, Mỹ đã đạt được mục tiêu mà họ tìm kiếm lâu nay là độc lập về năng lượng, chủ yếu là bởi cuộc cách mạng dầu đá phiến - cuộc cách mạng giúp Mỹ trở thành quốc gia sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên số một thế giới.

Trong khi cách đây một thập kỷ, Mỹ phải nhập khẩu một khối lượng lớn dầu mỏ và xây dựng các điểm trung chuyển để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), thì ngày nay Mỹ đang xuất khẩu khoảng 25% sản lượng dầu mỏ của mình và số khí đốt tự nhiên mà Mỹ có thể xuất khẩu cũng đang tăng lên.

Trên thực tế, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đánh giá rằng Mỹ vượt qua Nga, Qatar và Australia để trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu chỉ trong vòng 5 năm.

Đặc biệt đối với Bắc Mỹ, việc nhận thức rõ vị thế vượt trội của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng có thể là một điều rất quan trọng, và thậm chí có khả năng làm thay đổi tình hình. Người ta có thể hình dung về việc các công nghệ dầu mỏ và khí đốt cũng như các khoản đầu tư lớn hơn lan rộng khắp châu lục khi ngành công nghiệp này ngày càng trở nên gắn kết hơn về mặt kinh tế.

Canada đang tăng sản xuất dầu mỏ lên 50% kể từ năm 2005, chủ yếu từ "các bãi cát dầu" ở Alberta, khu vực được cho là có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới.

Mặc dù tăng trưởng trong thời gian gần đây không quá sáng sủa, chủ yếu là vì gặp vấn đề với các đường ống dẫn dầu, song Hiệp hội các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Canada (CAPP) dự đoán rằng sản lượng dầu mỏ của nước này sẽ tăng khoảng 1,5%/năm trong 20 năm tới.

Do quản lý yếu kém và thiếu các nguồn đầu tư mới, hoạt động sản xuất dầu mỏ ở Mexico đã giảm 1/3 trong thập kỷ vừa qua, tuy nhiên hoạt động này đã hồi phục trở lại ở mức độ nào đó trong những tháng gần đây.

Năm 2013, Mexico đã cho thông qua một dự luật mang tính lịch sử nhằm chấm dứt sự độc quyền của công ty dầu mỏ nhà nước PEMEX với hy vọng thu hút thêm đầu tư. Ban đầu, đúng là Mexico đã thu hút được thêm đầu tư.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của tổng thống cánh tả hiện nay của Mexico, ông Andrés Manuel López Obrador, người đã "cho dừng" các cải cách trong lĩnh vực năng lượng, những đầu tư từ bên ngoài về cơ bản cũng chững lại.

Bất chấp triển vọng bấp bênh của ngành công nghiệp dầu mỏ Mexico, các nhà lãnh đạo chính trị ở cả ba quốc gia - Mỹ, Canada và Mexico - nên bắt đầu nhìn nhận vấn đề năng lượng từ góc độ một châu lục. Bắc Mỹ có trữ lượng nhiên liệu hóa thạch nhiều gấp 5 lần OPEC, giúp châu Mỹ có thể trở thành một "người khổng lồ" về năng lượng trên toàn cầu. Việc kết nối ngành năng lượng của cả ba nước theo Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada mới, thỏa thuận thay thế cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cũng sẽ giúp thúc đẩy hội nhập kinh tế tổng thể của khu vực Bắc Mỹ.

[Ý nghĩa kinh tế của đường ống dẫn khí đốt đầu tiên giữa Nga-Trung Quốc]

Dưới một số góc độ, các thị trường năng lượng ở Bắc Mỹ hiện đã đang được kết nối. Khoảng một nửa xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ là tới Mexico. Với các đường ống dẫn dầu vừa được hoàn thành gần đây hoặc đang được thi công lắp đặt, xuất khẩu khí đốt sẽ còn tăng gấp đôi trong vài năm tới. Hơn 25% sản lượng điện của Mexico được sản xuất từ khí đốt của Mỹ, và con số này sẽ còn tăng lên khi Mexico tiếp tục sử dụng khí đốt để thay thế dầu mỏ trong lĩnh vực sản xuất điện.

Một khối lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên được trao đổi theo cả hai chiều giữa Canada và Mỹ thông qua các đường ống dẫn, trong khi đó, một số lượng đáng kể dầu thô từ vùng Alberta của Canada cũng được đưa tới Mỹ để tinh luyện bằng đường sắt. Một khi đường ống dẫn dầu Keystone XL bị trì hoãn lâu nay được hoàn thành, việc vận chuyển dầu mỏ từ Canada tới Mỹ sẽ tăng lên rất nhiều.

Hội nhập các thị trường năng lượng trên khắp châu lục có thể làm tăng tính hiệu quả của ngành công nghiệp này, cắt giảm chi phí và đảm bảo được nguồn cung năng lượng dồi dào với giả cả có thể chấp nhận được trong dài hạn. Do mọi doanh nghiệp và hộ gia đình trên khắp khu vực Bắc Mỹ đều tiêu dùng và phải phụ thuộc vào năng lượng, do đó nếu ngành công nghiệp năng lượng hoạt động hiệu quả cũng sẽ giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Với việc sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu dầu mỏ cũng như khí đốt của khu vực Bắc Mỹ, toàn bộ châu lục sẽ được lợi trong lĩnh vực an ninh năng lượng và cán cân thanh toán quốc tế sẽ được cải thiện. Điều này có nghĩa rằng ngành công nghiệp năng lượng của Bắc Mỹ sẽ tạo ra thêm nhiều việc làm hơn, tăng thu nhập và tăng ngân sách thu thuế của cả ba quốc gia. Một sự thay đổi lớn như vậy cũng sẽ bảo vệ khu vực trước sự bất ổn ở Trung Đông, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ thương mại với châu Âu và châu Á.

Tổng thống Mỹ Donald Trump rất thích khoe về vị thế vượt trội của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng. Hãy thay đổi điều này và bắt đầu nói về vị thế vượt trội của khu vực Bắc Mỹ trong lĩnh vực năng lượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục