Theo họa sỹ Đặng Phương Việt, để làm một tác phẩm tranh sơn mài, đầu tiên họa sỹ phải làm vóc, với các bước hom, bó trên những tấm gỗ dán; sau đó sẽ thảo, thí, mài. Các bước này sẽ cho ra một tấm vóc cho họa sỹ vẽ trên nền đó. Nền vóc có thể được thếp bạc hoặc để nguyên màu đen.
Với mỗi một lớp vẽ, người họa sỹ thếp vàng, bạc tùy theo mức độ yêu cầu của tác phẩm. Vẽ hoàn thiện, tác phẩm sẽ được đem mài, phủ, toát, đánh bóng.
Đó là những khâu yêu cầu tối thiểu đối với một bức tranh sơn mài.
Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam gần như là quốc gia độc tôn trong lãnh địa sơn mài trên thế giới. Nhưng có một thực tế đáng buồn, rằng trong nhiều năm qua số họa sỹ gắn bó được với dòng tranh đặc biệt này gần như không còn nhiều.
Nguyên nhân dẫn đến thực tế đáng buồn này, như họa sỹ Phương Việt chia sẻ: “Tranh sơn mài yêu cầu người họa sỹ phải vững tay nghề, am hiểu chất liệu và có điều kiện về kinh tế... Tiếc rằng họa sỹ Việt Nam hiện nay có tình trạng 'ăn xổi,' cóp nhặt, không chịu tư duy suy nghĩ, tìm tòi phong cách cá nhân mà sao chép của những họa sỹ đã thành danh. Thậm chí, các họa sỹ vẽ tranh sơn mài ở Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn phát triển méo mó, nhìn mọi thứ một cách méo mó.”
Theo họa sỹ Phương Việt, tranh sơn mài là con đường đầy khổ ải, vất vả. Hơn nữa, nhu cầu tranh sơn mài ra nước ngoài hầu như không có. Vì ở nước ngoài, khí hậu không phù hợp, làm tranh dễ bị cong vênh. Không bán được thì họa sỹ chỉ vẽ theo kiểu cầm chừng hoặc “ăn xổi.”
Đó là một số lý do khiến họa sỹ Việt Nam không theo đuổi tranh sơn mài theo đúng nghĩa. Tất nhiên, vẫn còn những họa sỹ yêu thích yêu thích dòng tranh này và họ vẫn tìm tòi, sáng tạo và đi đúng con đường, cũng khẳng định được chỗ đứng nhất định…