[Video] Phát hiện miệng núi lửa phủ đầy băng vĩnh cửu trên Sao Hỏa

Các nhà khoa học đã phát hiện một miệng núi lửa phủ đầy băng vĩnh cửu trên Sao Hỏa, làm dấy lên hy vọng về cơ hội có sự sống trên Hành tinh Đỏ.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố hình ảnh của miệng núi lửa Korolev, được chụp bởi tàu thăm dò Mars Express hôm 20/12.

Lớp băng vĩnh cửu dày khoảng 1,8km bao phủ quanh năm khiến miệng núi lửa này có màu trắng xóa.

Miệng núi lửa Korolev có đường kính gần 82km nằm ở phía nam mũi cực Bắc của sao Hỏa. Bên trong miệng núi lửa sâu 2km chứa đầy băng với khối lượng ước tới 2.200km3 băng tuyết vĩnh cửu.

Theo ESA, một khối lượng băng đá khổng lồ được tích tụ tại miệng núi lửa này là do hiện tượng gọi là "bẫy lạnh." Cụ thể, không khí thổi qua đây sẽ lạnh đi và lơ lửng ngay phía trên lớp băng, biến thành lớp bảo vệ ngăn không cho hơi nóng từ Mặt Trời làm tan băng.

[Hé lộ hình ảnh đầu tiên về sao Hỏa do tàu thăm dò InSight gửi về]

Miệng núi lửa được đặt theo tên của Sergei Korolev, kỹ sư tên lửa kiêm nhà thiết kế tàu vũ trụ. Korolev làm việc trong chương trình Sputnik và Vostok đưa người đầu tiên lên vũ trụ vào năm 1961. Tên lửa đẩy ở hai chương trình này chính là tiền thân cho tàu vũ trụ Soyuz của Nga hiện nay.

Bức ảnh được tàu thăm dò Mar Express của ESA chụp bằng hệ thống thiết bị camera kỹ thuật số độ phân giải cao (HRSC). Các nhà khoa học ESA kết hợp nhiều hình ảnh với nhau để tạo ra hình ảnh cuối cùng về miệng núi lửa với đầy băng tuyết phủ lên.

Với việc phát hiện một điểm có nhiều băng tuyết trên sao Hỏa, các nhà khoa học hy vọng có thể sớm tìm kiếm được sự sống tại đây.

Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) đang triển khai sứ mệnh nghiên cứu sao Hỏa sau khi hạ cánh thành công tàu thăm dò InSight. Từ khi đổ bộ lên sao Hỏa vào ngày 26/11, InSight đã ghi lại nhiều hình ảnh và khảo sát môi trường xung quanh./.

(Vnews)