Việc ban hành Luật Chứng thực là vấn đề cần thiết và cấp bách

Việc xây dựng Dự án Luật Chứng thực nhằm hoàn thiện về Luật chứng thực, đặc biệt trong mối liên hệ hữu cơ với pháp luật công chứng, nhằm thúc đẩy đảm bảo quyền, lợi ích của công dân.

Ngày 26/11, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết công tác chứng thực giai đoạn 2007-2015 và Định hướng cơ bản của Dự án xây dựng Luật Chứng thực.

Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp và lãnh đạo các sở, ngành chức năng của 13 tỉnh, thành phố trong cả nước dự hội nghị.

Việc xây dựng Dự án Luật Chứng thực nhằm hoàn thiện về Luật chứng thực, đặc biệt trong mối liên hệ hữu cơ với pháp luật công chứng, nhằm thúc đẩy đảm bảo quyền, lợi ích của công dân theo quy định Hiến pháp 2013; tăng cường quản lý Nhà nước về chứng thực, thống nhất công tác chứng thực trong toàn quốc và tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục phân cấp thẩm quyền chứng thực cho ủy ban nhân dân cấp xã, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động chứng thực, chấm dứt tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nhằm xây dựng pháp luật về chứng thực dễ tiếp cận, hiệu quả; thiết lập cơ chế kiểm tra, kiểm soát trình độ người dịch, chất lượng bản dịch nhằm quản lý tốt hơn đội ngũ người dịch, qua đó góp phần đảm bảo trật tự quản lý hành chính, an toàn lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch.

Việc xây dựng Luật Chứng thực cũng nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính và cải cách tư pháp; kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp với thực tiễn, luật hóa những quy định cần có giá trị ở tầm luật trong Nghị định số 23/2015/CP; nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật quốc tế cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam, phù hợp với Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Công chứng; xây dựng quy trình, thủ tục thực hiện chứng thực đảm bảo tính khoa học, minh bạch, chính xác, đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân, tổ chức thực hiện được yêu cầu chứng thực phù hợp với cải cách thủ tục hành chính.

Sau hơn sáu năm thi hành Nghị định 79/2007/CP và các Nghị định có liên quan trong lĩnh vực chứng thực, hoạt động chứng thực, nhất là chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký đã từng bước đi vào nề nếp. Hoạt động chứng thực tại 63 tỉnh, thành phố trong nước và 98 cơ quan đại diện ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định, đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu chứng thực của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, góp phần phát triển các giao dịch dân sự trong nền kinh tế thị trường.

Song, bên cạnh đó, hoạt động chứng thực vẫn còn những vướng mắc, bất cập và hạn chế như văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động chứng thực có thang giá trị pháp lý thấp, vẫn có sự giao thoa về thẩm quyền với hoạt động công chứng, gây không ít khó khăn cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế về pháp luật chứng thực và khắc phục một số tồn tại, hạn chế, việc ban hành Luật Chứng thực là một vấn đề cần thiết và cấp bách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục