Việc bảo vệ quyền tác giả: Còn lắm nỗi long đong!

Việc bảo vệ quyền tác giả ở Việt Nam là cả bài toán lớn và dài kỳ. 10 năm bảo vệ tác quyền âm nhạc nhưng những gian nan vẫn bộn bề.
Mời các thi sĩ đến nhận tiền bản quyền cũng khó, thu phí bản quyền từ biểu diễn nghệ thuật thì gian nan và một vụ việc đang gây chú ý về tranh quyền “Ru tình” của Trịnh Công Sơn. Đúng là bảo vệ tác quyền ở Việt Nam quá nhiều thử thách, lắm long đong!

Mời nhận tiền còn khó


Tiền tác quyền cho những bài thơ được phổ thành nhạc sao mà khó đến tay “chính chủ.” Họ là các nhà thơ và người đại diện cho gia đình các nhà thơ Xuân Diệu, Trần Đăng Khoa, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Duy, Bảo Định Giang…

Hiện, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đang ra sức kêu gọi một danh sách 64 nhà thơ bỏ thời gian để… liên lạc và tới nhận tiền từ tổ chức này.

Số tiền “nhuận thơ” cho những tác giả có tác phẩm được phổ nhạc sẽ lấy từ số tiền tác quyền chung cho mỗi ca khúc. Nhiều tác giả thơ không quan tâm đến tác quyền thơ được phổ nhạc của mình.

Được cộng dồn trong nhiều năm kể từ khi thành lập, mức tiền “truy lĩnh” tác quyền của tác giả thơ được phổ nhạc có sự khác biệt, tùy thuộc vào số bài thơ được phổ nhạc và số lượt ca khúc được dùng.

Theo đại diện Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, mức tiền tác quyền thấp nhất trong số này là vài trăm ngàn đồng, còn cao nhất là hàng chục triệu đồng.

Thậm chí, có nhà thơ chỉ sở hữu một, hai ca khúc được phổ nhạc nhưng số lượt sử dụng lại rất cao như trường hợp nhà thơ Đoàn Thị Tảo với bài “Chị tôi” (được nhạc sỹ Trọng Đài phổ thành ca khúc cùng tên) thu về gần 10 triệu đồng.

Tuy nhiên hiện nay có 64 nhà thơ (tuy đây chỉ là số lượng nhỏ nhỏ so với số nhà thơ đã nhận tác quyền) chưa làm việc với VCPMC để nhận tác quyền.

Hai “Ru tình” làm mất ngủ…


Đầu tháng 3/ 2012 tại Hà Nội, sẽ “bỗng nhiên” có hai chương trình ca nhạc cùng mang tên "Ru tình," cùng sử dụng các sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. "Ru tình" của Công ty cổ phần Interbrand VN có sự đồng ý của gia đình tác giả, còn "Ru tình" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại có giấy phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Tìm hiểu chính xác vụ việc, chúng tôi được biết, ngày 1.7.2011, bà Trịnh Vĩnh Trinh- đại diện cho những người thừa kế của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ký Hợp đồng tác quyền với Công ty cổ phần Interbrand VN, cho phép công ty này được độc quyền sử dụng các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong vòng 1 tháng, từ 10.2.2012 đến 10.3.2012.

Tiếp đó, ngày 2.9.2011, phía gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại ký Hợp đồng ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam trong thời hạn 2 năm.

Tuy nhiên, khi ký kết hợp đồng, phía gia đình nhạc sĩ đã quên không thông báo cho phía Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam về hợp đồng đã ký với Interbrand VN trước đó.

Phía Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cho biết, trên nguyên tắc những hợp đồng đã ký trước như vậy Trung tâm sẽ bảo lưu, và nếu được biết trước thì không có chuyện cấp quyền cho Liên đoàn xiếc.

Ngày 28/12/2011, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã có công văn gửi đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam thông báo hủy bản đăng ký của chương trình đã cấp và mời đại diện đến nhận lại tiền tác quyền đã nộp.

Sau đó, ông Vũ Ngoạn Hợp-Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có công văn trả lời: "Chúng tôi đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn thụ lý và cấp phép công diễn chương trình theo đúng quy định... Theo quy định trong Quy chế hoạt động và tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp, không có việc bắt buộc các đơn vị tổ chức biểu diễn phải có sự đồng ý của tác giả mới được cấp phép biểu diễn."

Vụ việc đang bắt đầu được cơ quan chức năng xem xét, nhưng những lình xình trên chứng tỏ sự cần điều chỉnh thay đổi trong quản lý nghệ thuật biểu diễn, khi cả Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương đều có thẩm quyền cấp giấy phép.

Gian nan thu tác quyền biểu diễn

Trong năm 2011 trong tổng số tiền tác quyền mà Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam thu được là 41 tỷ đồng thì số tiền thu được từ lĩnh vực biểu diễn trực tiếp trên sân khấu chỉ là 3,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhức nhối chính là quá nửa các chương trình biểu diễn kể trên vẫn nợ hoặc chây ỳ trong việc trả tiền tác quyền cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam.

Được biết, trong năm 2011, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã liên tục gửi kiến nghị và góp ý tới các cơ quan chức năng để đề nghị bổ sung điều khoản “đã trả tiền tác quyền đầy đủ” như một yêu cầu bắt buộc trong số các điều kiện để cấp giấy phép tổ chức biểu diễn.

Tồn tại trong năm qua là những trường hợp chưa trả quyền tác quyền âm nhạc tại khu vực phía Bắc, mà trường hợp đêm nhạc Chế Linh là ví dụ điển hình.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Vietnam+, ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết: Bao giờ Cục cũng cấp phép trên cơ sở có cam kết thực hiện nghĩa vụ bản quyền tác giả. Riêng chương trình “Ru tình” mà Cục đã cấp phép thì trong hồ sơ hiện lưu còn có cả biên lai nộp phí bản quyền đầy đủ.

Tuy nhiên, ông Biên cũng đưa ra ý kiến, tính đến nay thì biên lai chưa phải là thủ tục bắt buộc, nó cũng chưa phải là biện pháp tối ưu khi xét đến thực tế tổ chức biểu diễn hiện nay.

"Nếu hỏi tôi về rút kinh nghiệm gì về vụ việc này thì tôi khẳng định rằng việc cấp phép là hợp pháp, đúng quy trình thủ tục. Còn chi tiết rằng từ đây sẽ yêu cầu biên lai hay cam kết thì cần phải xem lại hồ sơ và nói rộng ra thì tìm hiểu lại cả vấn đề người đại diện hợp pháp cho tác giả thế nào để tránh khúc mắc, chồng chéo," ông Vương Duy Biên nói./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục