Sau gần hai thế kỷ cung cấp trang sức cho những nhân vật có ảnh hưởng nhất nước Mỹ, Tiffany & Co. của Mỹ đã ghi một dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử hãng này khi chính thức “về chung nhà” với tập đoàn LVMH vào cuối năm 2020.
Ngày 30/12/2020, các cổ đông của hãng chế tác trang sức Tiffany đã chấp thuận thương vụ sáp nhập với hãng chuyên về đồ cao cấp LVMH của Pháp, kết thúc nhiều tháng đàm phán đầy kịch tính với kết thúc là “cuộc hôn nhân” giữa hai biểu tượng cho lĩnh vực hàng xa xỉ. Giá trị của thương vụ đắt giá này vào khoảng 15,8 tỷ USD.
Các chuyên gia nhận định “đám cưới” với Tiffany là một động thái chiến lược của LVMH nhằm cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ như Kering và Richemont trong phân khúc trang sức cao cấp.
[LVMH và Tiffany cuối cùng cũng chung nhà sau nhiều tháng đàm phán]
Tỷ phú Bernard Arnault, Giám đốc điều hành LVMH, nói: “Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng của thương hiệu Tiffany và khẳng định LVMH đúng là mái nhà chung dành cho Tiffany cũng như các nhân viên trong giai đoạn mới đầy hứng khởi này."
Nhìn lại lịch sử huy hoàng của mình, Tiffany được đánh giá là thương hiệu trang sức mang tính biểu tượng nhất trên thế giới.
Lịch sử của hãng bắt đầu vào năm 1837 khi Charles Lewis Tiffany (25 tuổi) và người bạn John B Young mở một cửa hàng nhỏ tại Broadway (New York) với khoản hỗ trợ 1.000 USD từ cha của Charles.
Cửa hàng này đã nhanh chóng trở thành nơi lui tới của những quý cô thời trang muốn mua trang sức và đồng hồ mang phong cách Mỹ.
Với việc là công ty Mỹ đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn bạc của Anh (chỉ sử dụng kim loại có độ tinh khiết 92%), Tiffany đã nhận được sự công nhận của quốc tế khi giành được giải thưởng lớn cho đồ thủ công bạc tại Hội chợ Thế giới năm 1867 diễn ra ở Paris (Pháp).
Tuy nhiên, đến năm 1878, mối liên hệ giữa Tiffany và những viên kim cương tốt nhất thế giới mới được khắc sâu vào sử sách.
Đây là năm hãng này mua được viên kim cương thô màu vàng với kích thước 287,42 cara từ mỏ kim cương Kimberley ở Nam Phi, vốn là một trong những viên kim cương màu vàng lớn nhất từng được phát hiện.
Viên đá quý được cắt xuống kích thước 128,54 cara và có 82 mặt để tối đa hóa độ lấp lánh này đã được diễn viên huyền thoại Audrey Hepburn đeo trong các bức ảnh công khai cho bộ phim "Bữa sáng tại Tiffany" vào năm 1961.
Được đặt tên là Tiffany Diamond, viên đá quý đã giúp củng cố danh tiếng của Tiffany như thương hiệu trang sức cao cấp hàng đầu thế giới.
Charles Lewis Tiffany cũng đã thu hút chú ý vào năm 1887 khi ông gây chấn động thế giới bằng việc mua 1/3 số vương miện của Pháp và tự phong cho mình biệt danh “Vua kim cương.”
Trong suốt lịch sử của mình, Tiffany đã không chỉ làm mê mẩn thế giới với những viên kim cương rực rỡ đến nghẹt thở mà còn đưa ra những lựa chọn tuyệt vời về các loại đá quý chưa từng được biết đến trước đây.
Năm 1902, Tiffany cho ra mắt kunzite, được đặt theo tên của nhà đá quý huyền thoại của Tiffany là George Kunz, người đã phát hiện viên ngọc màu hồng tía ở California.
Tiffany cũng "khai quật" morganite ở Madagascar vào năm 1910 và đặt tên loại đá quý này để vinh danh một trong những khách hàng trung thành nhất của hãng - ông trùm ngân hàng John Pierpont Morgan.
Tiếp theo là tanzanite vào năm 1967 và tsavorite vào năm 1974 và ngày nay, các nhà đá quý của Tiffany vẫn tiếp tục đi đến những nơi xa nhất trên thế giới để tìm kiếm những loại đá quý độc đáo nhất.
Bên cạnh đó, cái tên Tiffany cũng đồng nghĩa với sự lãng mạn, những lời cầu hôn và đám cưới kể từ năm 1886 khi hãng cho ra mắt bộ sưu tập Tiffany Setting.
Những chiếc nhẫn trong bộ sưu tập này không chỉ cách mạng hóa thị trường nhẫn đính hôn mà còn biến Tiffany trở thành điểm đến hàng đầu cho các cặp đôi chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân.
Đối với hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới, chỉ cần nhìn thấy một chiếc hộp màu xanh đặc trưng của Tiffany thôi cũng đủ khiến họ xúc động.
Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã mua một chiếc nhẫn đính hôn Tiffany cho phu nhân Eleanor Roosevelt vào năm 1904.
Sự kiện này đã nhanh chóng đưa Tiffany trở thành điểm đến của những gia đình có địa vị cao như Vanderbilts, Astors và Whitneys.
Theo thời gian, Tiffany đã phát triển để trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa đại chúng, khi trang sức của hãng này trở thành phụ kiện được yêu thích trong giới thượng lưu Hollywood trên thảm đỏ.
Hiện nay, Tiffany có hàng trăm cửa hàng trên toàn cầu và một lượng lớn khách hàng trung thành.
Tính đến ngày 31/10/2020, Tiffany có 320 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới.
Theo số liệu từ Refinitiv, doanh thu thuần của Tiffany giảm khoảng 1% xuống 1,01 tỷ USD trong ba tháng tính đến 31/10/2020, nhưng vẫn cao hơn dự báo 980,71 triệu USD trước đó.
Các nhà phân tích lạc quan cho rằng với chiến lược kinh doanh độc đáo thương hiệu Tiffany sẽ tiếp tục tỏa sáng trong tương lai./.