Viện Sử học: Nâng cao chất lượng nghiên cứu, tăng cường hội nhập quốc tế

Sự ra đời của Viện Sử học được xem là một bước tiến trên con đường xây dựng một viện nghiên cứu đầu ngành về sử học nói riêng và về khoa học xã hội ở nước ta nói chung.

Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong 70 năm xây dựng và phát triển, Viện Sử học đã đạt được thành tựu to lớn, toàn diện, cả về nghiên cứu khoa học, nghiệp vụ cũng như về đào tạo đội ngũ cán bộ, hợp tác quốc tế, phối hợp với các ngành, các địa phương.

Đó là lời khẳng định của Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Sử học diễn ra ngày 28/11, tại Hà Nội.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tình hình và nhiệm vụ mới hiện nay, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu đề nghị Viện Sử học tích cực xây dựng đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ; tư vấn khoa học và thực hiện cung cấp dịch vụ về những vấn đề kinh tế-xã hội cho các bộ, ngành, các địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện.

lequangchan.jpg
Tiến sỹ Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Lễ kỷ niệm, Tiến sỹ Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học cho biết Viện Sử học tiền thân là Tổ Lịch sử thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học được thành lập ngày 2/12/1953 tại Chiến khu Việt Bắc.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học phục vụ công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 6/2/1960, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 039-TTg thành lập Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước.

Theo Tiến sỹ Lê Quang Chắn, Viện Sử học đã đạt được những thành tựu quan trọng như: Nghiên cứu những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam có ý nghĩa lý luận khoa học vừa có giá trị thực tiễn phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như quá trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Đi đôi với việc nghiên cứu, biên soạn các công trình chuyên sâu về những vấn đề lịch sử, Viện Sử học tổ chức nghiên cứu, biên soạn bộ “Thông sử Việt Nam.” Đây là bộ lịch sử Việt Nam có quy mô lớn nhất hiện nay.

Bên cạnh đó, Viện còn thực hiện sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và công bố tư liệu lịch sử, biên soạn các bộ sách công cụ; thực hiện những nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao; tham gia thẩm định các chương trình, kế hoạch về văn hóa, khoa học xã hội, hợp tác với các ngành, các địa phương và quốc tế; đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu lịch sử; xây dựng Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử...

370196122_370735918735207_614541777939368151_n.jpg
Một số ấn phẩm, công trình nghiên cứu của Viện Sử học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược thời gian tới, Tiến sỹ Lê Quang Chắn cho hay đội ngũ lãnh đạo, cán bộ sẽ tiếp tục xây dựng Viện Sử học trở thành cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học lịch sử của đất nước, giải quyết những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam và thế giới; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển nhanh, bền vững theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

“Viện Sử học sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học lịch sử có trình độ cao cả về số lượng và chất lượng; góp ý và phản biện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội quan trọng theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương; tổ chức tư vấn khoa học và thực hiện cung cấp dịch vụ về những vấn đề kinh tế-xã hội cho các bộ, ngành, các địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện Sử học,” ông Lê Quang Chắn cho biết.

Cùng với đó, Viện Sử học tiếp tục nghiên cứu và biên soạn các bộ lịch sử chuyên ngành và lịch sử các địa phương, lịch sử các nước trên thế giới phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường hội nhập quốc tế qua việc công bố các kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn có uy tín; nâng cao chất lượng của Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử./.

Năm 1980, Viện Sử học được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Năm 1998, Viện Sử học được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Năm 2000, Viện Sử học lại vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục