Viễn thông di động: Độc quyền hô "khắc nhập"

Số liệu từ Sách trắng về Công nghệ thông tin-Truyền thông Việt Nam 2012 nói rõ, thị phần thuê bao điện thoại di động của Viettel chiếm áp đảo với 40,45% và khi “gộp” thêm của EVN Telecom (0,22%) thì con số này là 40,67%. Đứng kế tiếp là VinaPhone với 30,07%, MobiFone là 17,90%, Vietnamobile 8,04%, Gtel 3,21% và xếp cuối bảng là SPT với 0,1%.

Như vậy, nếu sắp xếp lại các doanh nghiệp viễn thông theo hướng sáp nhập MobiFone và Vinaphone sẽ đồng nghĩa với việc dần "triệt tiêu"  các doanh nghiệp nhỏ...
Tại Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt  yêu cầu cơ cấu lại thị trường viễn thông trên cơ sở tổ chức lại các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả nhằm hình thành 3-4 tập đoàn, tổng công ty mạnh. Một trong những giải pháp về tổ chức để thực hiện Quy hoạch trên là hoàn thành việc tái cấu trúc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (đơn vị sở hữu VinaPhone và MobiFone), Tập đoàn Viễn thông Quân đội trong hoạt động viễn thông nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Và từ đây, đã nảy ra vấn đề đầy tranh cãi khi mà Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã có đề xuất lên Bộ Thông tin và Truyền thông, báo cáo các Bộ, ngành liên quan đề nghị cho sáp nhập VinaPhone, MobiFone.

E ngại “bóng ma độc quyền”

Ngay sau khi đề xuất của VNPT được đưa ra, lập tức có một làn sóng phản hồi mạnh mẽ khiến người ta như nhìn thấy bóng ma của độc quyền 10 năm trước đang lù lù hiện hình.

Cũng dễ hiểu vì sao có lo ngại đó, theo số liệu từ Sách trắng về Công nghệ thông tin-Truyền thông Việt Nam 2012 nói rõ, thị phần thuê bao điện thoại di động của Viettel chiếm áp đảo với 40,45% và khi “gộp” thêm của EVN Telecom (0,22%) thì con số này là 40,67%. Đứng kế tiếp là VinaPhone với 30,07%, MobiFone là 17,90%, Vietnamobile 8,04%, Gtel 3,21% và xếp cuối bảng là SPT với 0,1%.

Như vậy, rõ ràng nếu sáp nhập VinaPhone và MobiFone thì trên thị trường viễn thông di động sẽ chỉ có 2 “ông lớn” đủ sức cạnh tranh với nhau, thế “chân vạc” sẽ bị gãy. Các “tiểu gia” như Vietnamobile, Gtel, SPT sẽ khó giữ được vị trí “lẹt đẹt”chiếu dưới như hiện nay mà thậm chí có thể bị "triệt tiêu" theo cách của EVN Telecom hay Beeline. Và hẳn những lo ngại về sự trở lại của độc quyền là có cơ sở.

Trên quan điểm về thị trường, tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng tỏ ra quan ngại sự “độc quyền tương đối” đang diễn ra. Theo ông về việc thị trường viễn thông sẽ giữ được tốc độ phát triển như trong thời gian qua bởi một số nhà đầu tư nước ngoài đã cảm thấy “khó chơi” tại Việt Nam. Nhưng về bản chất, thì thị trường đang bị chi phối bởi 3 “ông lớn” [Viettel, VinaPhone, MobiFone – pv], là doanh nghiệp nhà nước.

Tại góc nhìn quản lý, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho là, việc rút lui khỏi thị trường viễn thông là điều bình thường. Tuy nhiên, đây là bước phát triển tiếp theo của thị trường và đòi hỏi môi trường quản lý tốt hơn để duy trì cạnh tranh lành mạnh.

Trả lời về để xuất của VNPT, ông hải cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đang tổ chức nghiên cứu việc tách hay nhập và chưa có quyết định cuối cùng. Dự kiến, cuối năm nay, Bộ sẽ có kết luận chính thức về vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm này.

Khắc nhập hay khắc xuất?

Quan điểm của Tiến sĩ Võ Trí Thành là không nên sáp nhập hai doanh nghiệp này vì phải xem xét lại Luật Cạnh tranh. Ngoài ra, trong bối cảnh tái cấu trúc doanh nghiệp, việc sáp nhập sẽ là tín hiệu xấu.

Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải nói, nhà nước cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển thị trường viễn thông và sẽ thoái vốn dần khỏi các doanh nghiệp viễn thông. Hiện, Cục Viễn thông được giao xem xét đề xuất của VNPT và đang nghiên cứu, phân tích việc nhập hay tách có tác động thế nào đến thị trường.

“Việc tách hay nhập đều có ưu, nhược điểm riêng khi xét trên bức tranh kinh doanh của VNPT hiện nay. Song song với việc tách/nhập thì cần phải có chính sách đi kèm để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Quan điểm của Cục Viễn thông là phải duy trì ít nhất 3 doanh nghiệp tương đương nhau trên thị trường viễn thông,” ông Hải nói.

Thế nhưng, dường như tất cả đang sa đà vào một lĩnh vực của viễn thông (di động), một vài công ty con của tập đoàn lớn. Trong khi đó, nền tảng cơ sở của việc tách nhập này lại dựa trên bản Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt là tái cấu trúc VNPT và Viettel để hình thành Tập đoàn mạnh, đủ năng lực cạnh tranh.

Và VNPT có cái lý của họ khi đưa ra phương án sáp nhập. Rõ ràng, nếu nhìn trên khía cạnh Tập đoàn lớn, thì viễn thông di động chỉ là một lĩnh vực trong đó, và hiện nay Viettel đang cạnh tranh với hai "con" của VNPT. Sở dĩ họ mạnh hơn cũng vì nguồn thu từ lĩnh vực này. Để có sự công bằng và đảm bảo tính cạnh tranh của hai tập đoàn viễn thông lớn này trên thị trường, thì việc cổ phần hóa từng doanh nghiệp viễn thông di động riêng lẻ sẽ làm cho VNPT yếu đi, vô hình chung, thế cạnh tranh của hai Tập đoàn sẽ không còn tương xứng.

Nhưng nếu tách rời viễn thông di động ra một phân đoạn thị trường riêng thì nhất định, cần cổ phần hóa MobiFone và Vinaphone riêng rẽ nhằm đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Câu hỏi đặt ra là, mảng di động của Viettel có được cổ phần hóa như MobiFone và Vinaphone và được tính độc lập trên phân đoạn của viễn thông di động?

Liên quan đến việc sáp nhập của MobiFone và VinaPhone có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không [Luật Cạnh tranh quy định các doanh nghiệp không được thực hiện tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp chiếm trên 50%-pv], đại diện của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết đây là vấn đề phức tạp, cần xem xét ở yếu tố thị trường và thị phần.

Cụ thể, Luật cạnh tranh xác định thị phần trên tiêu chí doanh thu. Trong khi đó, Cục Quản lý cạnh tranh chưa nắm được MobiFone và VinaPhone chiếm bao nhiêu về thị phần. Còn con số thị phần mà báo chí đưa ra dựa trên số lượng thuê bao, chứ không phải là thị phần doanh thu nên cần có nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng để đưa ra kết luận.
PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục