Có nhiều nhận định khác nhau về văn học thiếu nhi tại Việt Nam, có người cho rằng nó là mảnh đất bị lãng quên cần được đánh thức, có người cho rằng là một nơi màu mỡ, sẵn sàng chào đón bất cứ ai… Dù là nhận định nào thì đây vẫn được coi là một “địa hạt” luôn cần khai phá.
Nhà văn Trần Đức Tiến là một trong số ít người vẫn đang hàng ngày "cày xới" trên mảnh đất văn học thiếu nhi này, nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ bằng cách tư duy như một đứa trẻ. Mới đây, ông đã được "phong tước" Hiệp sỹ Dế Mèn (Giải cao nhất tại Giải thưởng Dế Mèn, Báo Thể thao và Văn hóa, Thông tấn xã Việt Nam) nhờ những đóng góp trong lĩnh vực văn học cho trẻ em.
Báo Điện tử VietnamPlus có cuộc trao đổi ngắn với nhà văn về những quan điểm của ông thể hiện qua các tác phẩm viết cho thiếu nhi.
Trẻ càng nhỏ, cảm nhận càng tinh
- Xin ông chia sẻ về tác phẩm mới nhất được xuất bản của mình - "Alô!... cậu đấy à?" Đâu là "bí kíp" giúp ông duy trì cảm hứng sáng tác cho thiếu nhi?
Nhà văn Trần Đức Tiến: Cuốn này tôi viết trong gần hai năm, là những truyện ngắn độc lập, nhưng có sự liên kết khi đứng chung với nhau trong một tập. Cái thuận lợi của tôi là thời còn trẻ con được sống ở nhà quê, có những con vật như thằn lằn, rắn, dế, bọ rùa... đều rất quen thuộc với trẻ em quê.
[“Xóm Bờ Giậu”: Thế giới của những con vật ngộ nghĩnh]
Khi trưởng thành, những ấn tượng và kỉ niệm về chúng trong tôi không mất đi. Sau này ở thành phố, nhà tôi lại may mắn vẫn có một khu vườn với đủ những “cư dân” quen thuộc nói trên. Thi thoảng còn có thêm cả sóc đến ăn khế. Nhìn chúng, tôi nhớ về tuổi thơ của mình.
- Chắc hẳn những người cháu nhỏ tuổi trong gia đình cũng là một nguồn cảm hứng cho nhà văn?
Nhà văn Trần Đức Tiến: Vâng, các cháu tôi cũng là nguồn cảm hứng để tôi viết, bởi tôi viết trước hết là cho các cháu mình đọc.
- Ông vẫn giữ được cách kể chuyện, ngôn ngữ để đối thoại, giao tiếp được với trẻ thơ, thưa ông?
Nhà văn Trần Đức Tiến: Một cách hoàn toàn tự nhiên… Nó gần như là một thứ khả năng bẩm sinh. Có nhiều cái mình không thể giải thích tường tận được. Chẳng hạn có những đứa trẻ lạ mặt ngoài đường thấy tôi lại bất ngờ đến chào hỏi, làm quen… như người đã thân thiết với chúng từ lâu.
Có lần ngồi trong quán cafe, một cậu bé cứ mon men lại gần sau lưng tôi, muốn chạm vào tôi. Đến khi người bạn ngồi cùng nhắc: “Kìa, thằng bé kia có vẻ thích ông đấy," tôi mới giật mình quay lại và thấy cậu bé mỉm cười.
Tôi nghiệm ra khả năng cảm nhận của trẻ con rất tinh. Thậm chí có những đứa trẻ còn đang bế ngửa, chưa biết nói, mà người nào hiền lành tử tế đến gần thì nó nhoẻn miệng cười, người nào tâm địa xấu có thể khiến nó khóc ré lên. Thế nên mới có mẹo đốt vía cho trẻ ngừng khóc.
Năng lực này thay đổi khi người ta trưởng thành và đáng buồn là thường theo chiều hướng mất dần. Tôi từng nói, "viết cho trẻ con cũng là viết cho người lớn có nguy cơ đánh mất tâm hồn trẻ thơ" là vì vậy.
Hãy tôn trọng tư duy khác biệt của trẻ thơ
- Khi còn bé, trẻ con hay tò mò, quan sát và hỏi rất nhiều. Đến khi lớn, sự tò mò ấy giảm dần. Trẻ con có thể hỏi những câu rất "trúng," rất thông minh mà người lớn đôi khi không nghĩ ra được. Ông có thấy như vậy không, thưa ông?
Nhà văn Trần Đức Tiến: Đúng thế. Đó là vì trẻ con nghĩ và tư duy rất khác người lớn. Có lần cháu tôi vẽ con chim trên cây, nhưng chim không đậu, mà ngồi thõng hai chân xuống dưới. Tôi thắc mắc với cháu tại sao chim không đậu mà lại ngồi, cháu giải thích: Nó bay mỏi thì phải ngồi nghỉ chứ!
Hay khi nó vẽ ngôi nhà và một bông hoa cũng vậy. Trong khi tường nhà xây vẹo về một bên, thì bông hoa lại mọc thẳng. "Tường nhà phải nghiêng đi như thế thì hoa mới mọc thẳng lên được” - cháu nói như vậy.
Cách đây mấy năm có vụ ồn ào về bài thơ “Bắt nạt” trong sách giáo khoa của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh. Thơ viết: Bắt nạt có mùi hôi! Nhiều người cho cách nói đó là vớ vẩn, thậm chí nhảm nhí. Nhưng tôi lại thích, còn thích nhiều bài thơ khác của nhà thơ này, vì dẫu những cách nghĩ, cách nói “xa lạ” với người lớn, nhưng thật ra rất trẻ con. Không hiểu trẻ con, không có tâm thế của một đứa trẻ thì sẽ không viết được như thế.
Người lớn phải hiểu, phải biết tôn trọng cách cảm nhận thế giới ngây thơ, hồn nhiên đó của con trẻ, nếu không muốn làm già cỗi nhanh tâm hồn các em.
--Theo ông, một tác phẩm văn học thiếu nhi tốt sẽ mang đến tác động như thế nào với người đọc?
Nhà văn Trần Đức Tiến: Cách đây 3-4 năm, Nhà xuất bản Kim Đồng in lại một số tác phẩm viết cho thiếu nhi nổi tiếng của các nhà văn Xô Viết, tôi rất thích cuốn “Chiếc nhẫn bằng thép” của Konstantin Paustovsky. Một cuốn sách tuyệt vời.
Tôi đã từng đọc cuốn này hàng chục năm trước, nhưng giờ đọc lại vẫn còn nguyên cảm giác xúc động, biết ơn nhà văn như khi đọc lần đầu. Sau đó, tôi có viết mấy dòng chia sẻ với một bạn biên tập viên của nhà xuất bản: "Những đứa trẻ nào không được đọc Konstantin Paustovsky, thì coi như đã đánh mất một cơ hội để trở thành người tử tế."/.
Nhà văn Trần Đức Tiến sinh năm 1953, là một người con của vùng đất Hà Nam. Ông định cư tại Bà Rịa-Vũng Tàu từ năm 1986, từng giữ nhiều chức Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu (1998-2007), Trưởng ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam (2015-2020)... Các tác phẩm thiếu nhi mới và tiêu biểu của ông gồm "Alô!... cậu đấy à?" (2022), "Xóm Bờ Giậu" (2018, Giải B Giải thưởng Sách Quốc gia 2019), "Trên đôi cánh chuồn chuồn" (2015), "Làm mèo" (2003, sắp tái bản lần 3)... Trong suốt sự nghiệp sáng tác, nhà văn viết cho cả người lớn và trẻ nhỏ, đoạt giải thưởng các cấp ở cả hai lĩnh vực. Năm 2023, nhờ sự nghiệp sáng tác dày dặn cho thiếu nhi, nhà văn Trần Đức Tiến được vinh danh là Hiệp sỹ Dế Mèn tại Giải thưởng văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi, về thiếu nhi Dế Mèn (Báo Thể thao và Văn hóa thực hiện). Sau nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đây là lần thứ hai có tác giả được trao danh hiệu này. |